Trò chuyện với doanh nhân Việt phát biểu trước QH Nhật Bản

Ông Lê Long Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Esuhai (trụ sở chính tại TP.HCM), mới đây đã được Quốc hội (QH) Nhật Bản mời đóng góp ý kiến về chương trình mới liên quan đến vấn đề tiếp nhận lao động nước ngoài đến Nhật làm việc và dự luật kiểm soát nhập cư mới. Đây là lần thứ hai ông Sơn được mời phát biểu trước QH Nhật Bản.

PV báo Pháp Luật TP.HCMđã có cuộc trò chuyện với ông Lê Long Sơn.

Kiến nghị với Quốc hội Nhật nhiều nội dung

. Phóng viên: Ông nghĩ gì về việc được QH Nhật Bản mời góp ý cho dự luật mới?

+ Ông Lê Long Sơn: Theo tôi được biết, việc một cá nhân được mời tham gia đóng góp ý kiến tại QH Nhật Bản là chuyện không phổ biến, đặc biệt khi đó lại là một người nước ngoài. Thông qua việc được đóng góp ý kiến cho dự thảo luật lần này, tôi hy vọng có thể phần nào đó giúp cho Chính phủ hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của chương trình thực tập sinh (TTS) để từ đó đưa ra các quyết định chuẩn xác, phù hợp. Qua đó góp phần nâng cao lợi ích cho người lao động Việt Nam…

. Cụ thể, ông đã phát biểu gì trước QH Nhật Bản?

+ Tôi phát biểu về nhiều vấn đề. Ví dụ tôi nhận xét chương trình TTS hiện đang được vận hành rất tốt bởi sự quản lý và kiểm soát của Nhật Bản và Việt Nam. Vì vậy tôi đề xuất với chương trình mới này, chính phủ Nhật cũng nên ký kết quy định hợp tác giữa hai nước để chính phủ Việt Nam kiểm soát và quản lý được quá trình tuyển chọn, đào tạo một cách hợp pháp và chặt chẽ trước khi người lao động nhập cảnh sang Nhật làm việc; đồng thời kiểm soát và chọn ra các công ty uy tín để tham gia phái cử người lao động sang Nhật Bản làm việc.

Bên cạnh đó, tôi cũng đề nghị chính phủ Nhật Bản nên có sự xác nhận và liên kết chặt chẽ với Việt Nam đối với những người muốn tham gia chương trình mới này. Thực tế tại Việt Nam có rất nhiều người muốn sang Nhật làm việc, khi chương trình mới được thông qua thì số lượng người muốn tham gia sẽ tăng lên nhiều hơn. Họ có thể sẽ tìm mọi cách để qua Nhật. Nếu không thể đi hợp pháp thì có thể họ sẽ tìm mọi cách để qua thông qua những đơn vị môi giới bất hợp pháp, cò mồi môi giới. Những thành phần nhân sự không tốt sẽ tới Nhật. Đây là điều tôi lo lắng.

. Ngoài vấn đề trên, ông còn đề xuất gì về chương trình mới này?

+ Dự án luật mới chỉ đưa ra 14 ngành nghề được tiếp nhận lao động nhưng tôi đề xuất mở rộng càng nhiều càng tốt. Lý do là nền công nghiệp Nhật rất đa dạng, còn lực lượng lao động Việt Nam khá dồi dào để đáp ứng sự thiếu hụt đó.

Ông Lê Long Sơn đang đóng góp ý kiến trước Quốc hội Nhật Bản. (Ảnh cắt từ clip)

Mở ra nhiều cơ hội tốt cho người Việt

. Là người có thời gian học tập và điều hành công ty kết nối với các nghiệp đoàn, chủ sử dụng lao động tại Nhật gần 20 năm nay, ông đánh giá như thế nào về dự luật mới?

+ Dự luật này mở ra cánh cửa mới cho một bộ phận lao động có tay nghề, kinh nghiệm và trình độ cao hơn TTS nhưng chưa đạt trình độ như kỹ sư. Đội ngũ lao động như thế này ở Việt Nam rất nhiều. Có dự luật này, người lao động có thể được sang Nhật làm việc một lèo năm năm, sau đó sẽ được gia hạn visa nếu vượt qua kỳ thi quốc gia sở tại. Đây là chương trình rất có lợi cho Việt Nam đa dạng hóa lực lượng lao động trong xã hội.

Tôi cũng đánh giá nếu luật mới được ban hành sẽ là cơ hội để những lao động đã tham gia chương trình TTS ba năm, năm năm có thêm cơ hội để tiếp tục được nâng cao trình độ tiếng Nhật, tay nghề, kỹ năng tại Nhật Bản. Sau 8-10 năm làm việc liên tục tại Nhật thì đối tượng này sẽ trở thành những nhân sự có cách làm việc và chuyên môn tương đương như người Nhật.

Đặc biệt, nguồn nhân sự này khi trở về Việt Nam có khả năng đóng góp rất lớn cho sự phát triển của Việt Nam và cả việc kết nối đầu tư giữa hai nước. Tiến tới trong tương lai chương trình hợp tác giữa hai nước không chỉ đơn thuần là chương trình tiếp nhận lao động mà sẽ còn là cầu nối góp phần phát triển thịnh vượng hai quốc gia.

. Nhưng để đạt được mục tiêu như trên không hề dễ dàng, thưa ông?

+ Chính vì vậy chúng tôi đề xuất chương trình theo luật mới cần phải tuyển chọn những người lao động có ý thức học tập và làm việc cao, có tay nghề chuyên môn, kinh nghiệm nhất định và trình độ tiếng Nhật cao hơn chương trình TTS.

Những đối tượng này sẽ nhận được mức lương cao hơn và có điều kiện phù hợp để bắt đầu làm việc luôn. Họ cũng hiểu văn hóa làm việc coi trọng sự lâu dài và uy tín của người Nhật. Họ cũng đủ ý thức và kiến thức để đánh giá lợi hại cho bản thân. Từ đó tránh được tình trạng nhảy việc hoặc bị lôi kéo bởi các phần tử xấu.

Nếu điều này được thực hiện tốt thì chính các công ty Nhật Bản sẽ không gặp khó khăn về nhân sự và bản thân các doanh nghiệp cũng sẽ phải có những điều chỉnh về chế độ đãi ngộ phù hợp để tuyển dụng và giữ chân được những nhân sự có năng lực.

Mở cửa cho nửa triệu lao động đến Nhật

Đầu tháng 11-2018, chính phủ Nhật Bản đệ trình QH nước này kế hoạch cải tổ chính sách nhập cư đã được nội các thông qua trước đó. Chương trình này dự kiến mở cửa từ tháng 4-2019 sẽ đón nửa triệu lao động nước ngoài đến Nhật làm việc đến năm 2025.

Dự thảo luật sửa đổi trên sẽ tạo ra hai loại thị thực (visa) mới cho người nước ngoài. Loại thứ nhất dành cho lao động có tay nghề và trình độ tiếng Nhật nhất định, được phép lưu trú tại nước này đến năm năm nhưng không được đưa gia đình đi cùng. Loại thứ hai dành cho lao động có tay nghề cao hơn, có thể đưa gia đình đi cùng và cuối cùng được cấp quyền cư trú.

 

Học cách quản lý công việc của người Nhật

. Ông có nhắn nhủ gì với những người đã, đang và sắp sang Nhật làm việc?

+ Nhật Bản là một trong những thị trường mà người lao động Việt Nam muốn đến để làm việc nhất. Đa số người lao động là các thanh niên còn rất trẻ, chưa có kinh nghiệm, tay nghề và môi trường thích hợp để thực hành.

Nếu được sang Nhật làm việc và hiểu đúng giá trị thực sự của chương trình thì đây sẽ là cơ hội thực sự tốt để người lao động được học hỏi và nâng cao tay nghề, chuyên môn, kinh nghiệm. Đặc biệt họ được thực hành trải nghiệm nhiều kỹ thuật công nghệ, cách thức quản lý chất lượng, cách làm việc chuyên nghiệp và những điểm tích cực trong nhà máy Nhật Bản… và có thu nhập tốt. Những điều này sẽ là lợi thế cạnh tranh của người lao động, là nền tảng để họ có được công việc tốt, vị trí tốt và thu nhập tốt khi trở về Việt Nam làm việc.

Tuy vậy, tôi nghĩ rằng những người trẻ tuổi ở Việt Nam có thể có động lực nhưng tôi mong muốn họ biết rằng không nên chỉ biết suy nghĩ những vấn đề trước mắt, hay sang Nhật không chỉ kiếm tiền. Tiền tất nhiên sẽ kiếm được nhưng hơn thế nữa là hãy học thật nhiều điều bổ ích cho bản thân. Đó là học tiếng Nhật, học kỹ năng, kỹ thuật tại doanh nghiệp Nhật Bản, làm thế nào để học cách quản lý công việc từ cách quản lý của người Nhật.

. Xin cám ơn ông.

Bắt tay với 564 doanh nghiệp

Đến nay Esuhai đã đưa 4.000 TTS, kỹ sư sang Nhật làm việc ở nhiều ngành nghề khác nhau. Trong đó có hơn 1.000 TTS đã về nước, hầu hết đã có việc làm trở lại, trong đó 500 TTS có việc làm tốt, thu nhập cao.

Đáng chú ý Esuhai hiện có 564 doanh nghiệp đang hợp tác tiếp nhận TTS làm việc. Theo khảo sát, có 65 doanh nghiệp đã đầu tư tại Việt Nam, 71 doanh nghiệp có kế hoạch sang Việt Nam đầu tư, chiếm 24% tổng số doanh nghiệp đối tác của Esuhai. Trong đó có rất nhiều TTS đã về nước hiện đang làm việc trong các doanh nghiệp này hoặc trong các doanh nghiệp Nhật tại Việt Nam ở những vị trí quản lý và nhân sự quan trọng.

Chỉ Nhật Bản có chương trình tiếp nhận thực tập sinh

Bày tỏ về nguyện vọng trước QH Nhật Bản, ông Lê Long Sơn cho hay ông mong muốn phía Nhật tiếp tục chương trình TTS, mở rộng hơn nữa ngành nghề tiếp nhận để người lao động tốt có cơ hội sang Nhật làm việc và học tập.

Trò chuyện với doanh nhân Việt phát biểu trước QH Nhật Bản ảnh 2
Thực tập sinh Việt Nam đang làm việc tại nhà máy lắp ráp, 
sản xuất các thiết bị điện tử tại Nhật. Ảnh: P.ĐIỀN

Bởi hiện tại mỗi năm dân số Việt Nam tăng lên khoảng 1 triệu người. Số lượng lao động tốt nghiệp từ các trường chuyên môn mỗi năm cũng có con số tương đương như vậy. Trong khi đó tại Việt Nam hiện có hơn 700.000 công ty được thành lập và các công ty này đa số có quá trình phát triển còn ngắn với quy mô vừa và nhỏ, dẫn đến không đủ khả năng tiếp nhận hết số lượng lao động ra trường mỗi năm.

Do vậy thông qua việc mở rộng hơn nữa ngành nghề sẽ không chỉ giải quyết vấn đề việc làm, tăng thu nhập mà đây sẽ còn là cơ hội tốt để đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề và kỹ năng làm việc tốt, làm nền tảng cho sự phát triển Việt Nam trong tương lai. Hiện tại Việt Nam đang phái cử lao động đi rất nhiều thị trường và chỉ có Nhật Bản có chương trình tiếp nhận TTS.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm