‘Trảm’ quan chức ký công văn lạ lùng

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP.HCM, có lẽ là một trong những doanh nhân can đảm. Bởi trong cuộc họp liên quan đến việc chậm cắt giảm và ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các bộ ngày 17-10, bà đã chỉ đích danh một cơ quan, một văn bản làm khó doanh nghiệp (DN).

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng sau khi nghe bà Chi phản ánh về Thông báo 95 của Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng I (Cục Bảo vệ thực vật) làm ách tắc việc nhập khẩu lúa mì đã khẳng định: Chi cục ra thông báo như vậy là sai thẩm quyền. Nhưng rất tiếc tình trạng này không phải là hiếm thấy.

Những ngày gần đây, khi thời hạn cuối cùng của Thủ tướng dành cho các bộ trình phương án cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh sắp hết, các chuyên gia mới phát hiện ra rằng: Sai thẩm quyền không chỉ nằm ở cấp dưới. Ngay các dự thảo nghị định, thông tư của các bộ cũng đang cài cắm điều kiện kinh doanh mà có chuyên gia đánh giá trình độ ở mức “thượng thừa”.

Đơn cử như Nghị định 87/2018 về kinh doanh gas (do Bộ Công Thương dự thảo) được đánh giá là nghị định tiến bộ, cởi trói hẳn cho các DN nhỏ kinh doanh gas. Nhưng mới đây người ta mới phát hiện ra bộ này cài cắm quy định về “sổ ghi chép theo dõi vỏ chai gas” khiến các công ty, đại lý kinh doanh gas rối tung và tốn kém.

Ngày 13-10, khi Pháp Luật TP.HCM đặt ra vấn đề chặn các điều kiện kinh doanh mới phát sinh khiến kinh doanh gặp khó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã khẳng định: Luật không cho phép các bộ, ngành quy định điều kiện kinh doanh. Nhưng điều đó thuộc về ý chí của pháp luật. Còn sự thật thì việc sai thẩm quyền hay lộng quyền của không ít công chức thừa hành vẫn đang khiến DN hoang mang.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng nhắc lại tinh thần cán bộ, công chức chỉ được làm những gì luật cho phép. “Không thể lãnh đạo thuộc thẩm quyền cục, chi cục… ban hành văn bản pháp luật. Về pháp lý thì việc ban hành này không đúng thẩm quyền, cho thấy sự lộng hành trong ban hành văn bản pháp luật” - ông khẳng định.

Chỉ một thông báo của Chi cục Kiểm dịch thực vật khu vực 1 có thể làm ách tắc lúa mì nhập khẩu, ảnh hưởng đến hàng chục ngàn DN thì tình trạng sai thẩm quyền, lộng quyền trên cả nước sẽ dẫn bước kinh doanh đến đâu? Ai cũng hiểu!

Bởi vậy, điều cần làm là phải “trảm” ngay những cán bộ, công chức không dùng công quyền để phục vụ DN, người dân. Không thể lần này qua lần khác rút kinh nghiệm hoặc thu hồi văn bản sai thẩm quyền rồi huề cả làng. Phải xử lý nghiêm, kể cả cách chức quan chức ký ban hành văn bản sai để làm gương cho những người khác.

Bởi thẩm quyền chỉ cần sai một li thì khó khăn cho nền kinh tế sẽ đi một dặm, thậm chí hàng ngàn dặm!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm