Trách nhiệm xã hội DN: Hở từ... cơ bản

Trong khi cụm từ trách nhiệm xã hội (CSR) của doanh nghiệp (DN) ngày càng trở nên quen thuộc thì hành vi sai trái của các DN cũng được phát hiện nhiều hơn. DN công nghiệp nặng thì xả thải ra môi trường, DN xử lý môi trường thì lại chôn lén chất thải, DN sản xuất thực phẩm thì dùng hóa chất cấm, thị trường đầy rẫy thực phẩm và sản phẩm không an toàn.

Chọn 1 trong  150 phương án

Một vụ kinh điển về xử lý khủng hoảng DN và thể hiện trách nhiệm xã hội nổi tiếng ở Mỹ là vụ thuốc giảm đau Tylenol. Năm 1982, Công ty Jonhson & Jonhson đối mặt với vụ việc bảy người chết liên quan đến Tylenol bị nhiễm độc. Hai nhóm quản lý độc lập của công ty đã đưa ra và xem xét 150 phương án đối phó vụ khủng hoảng này. Cuối cùng, phương án thu hồi 31 triệu lọ thuốc, tốn hơn 100 triệu USD đã được chọn.

Nhiều dự đoán vào thời điểm đó rằng nhãn hiệu Tylenol không tồn tại nổi quá một năm với sự cố trên. Sau khi thu hồi, điều chỉnh, chỉ sáu tuần sau, nhãn thuốc này trở lại trên quầy thuốc và tăng thị phần một cách ngoạn mục. “Công chúng đã nhìn nhận trách nhiệm của DN” - Cẩm nang về đạo đức kinh doanh (do Vụ Thương mại Quốc tế, Bộ Thương mại Hoa Kỳ) ấn hành nhận xét.

“Nếu không có bộ quy tắc và các nguyên tắc kinh doanh ăn sâu vào toàn bộ tổ chức từ trước, hẳn Jonhson & Jonhson đã không thể xử lý tình huống nhanh, nhất quán như vậy” - cẩm nang đánh giá.

Biện pháp thu hồi sản phẩm sau đó thường xuyên xuất hiện. Quy định về bắt buộc thu hồi sản phẩm khiếm khuyết cũng được đưa vào luật, không chỉ ở Mỹ mà ở rất nhiều nước, kể cả Việt Nam.

Nhiều năm qua, có rất nhiều DN trên toàn cầu tự nguyện áp dụng chiến dịch thu hồi sản phẩm có khiếm khuyết, dù chỉ mới trong giai đoạn phát hiện sự cố liên quan, chưa có một kết luận cụ thể nào về có lỗi hay không, lỗi do ai, liên quan thế nào.

Đương nhiên nếu không tự nguyện thực hiện sớm những việc trên, có thể DN sẽ chuốc lấy những hậu quả nặng nề hơn, như phải bồi thường cho người tiêu dùng một khi các cơ quan liên quan tìm ra bằng chứng. Chính Jonhson & Jonhson gần đây phải bồi thường 72 triệu USD cho gia đình bà Jackie Fox. Bà Fox đã có hơn 35 năm sử dụng phấn rôm Baby Powder và Shower to Shower của công ty này và bị ung thư buồng trứng, qua đời năm ngoái. Công ty này cũng đối mặt với hơn 1.200 đơn kiện đòi bồi thường tương tự với bằng chứng là nhiều cảnh báo, minh chứng mối liên quan giữa phấn rôm và ung thư buồng trứng.

Không biết đã có bao nhiêu phương án đối phó trong “vụ kiện phấn rôm” được đưa ra và tại sao công ty này không chọn phương án bồi thường ngay từ sớm. Cũng không đoán được con số trù tính là bao nhiêu, nhất là khi so với con số cụ thể 31 triệu lọ thuốc giá 100 triệu USD như vụ Tylenol năm 1982.

Môi trường lao động, chăm sóc đời sống công nhân… là những chủ đề mà các DN có thể thực hiện trách nhiệm xã hội. Ảnh: HTD

Thúc ép mới được

Không phủ nhận rằng có nhiều DN làm tốt CSR. Tuy nhiên, cũng có không ít DN chỉ làm CSR vì chính lợi ích của mình.

Bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty Giày Liên Phát, chia sẻ: “Không phải tự nhiên mà các DN thực hiện trách nhiệm xã hội. Với các công ty muốn giành hợp đồng gia công lớn, CSR là điểm bắt buộc phải có hoặc là điểm cộng để xét giao hợp đồng gia công. Ví dụ, phụ cấp cho công nhân tiền nhà, phụ cấp cho công nhân tiền sữa cho con, trợ cấp tiền cho con công nhân đi học, thậm chí xây nhà công nhân, trường cho con công nhân”.

Vị giám đốc này cũng nhận xét DN Mỹ chú trọng việc an toàn sản phẩm. Ví dụ, quá trình gia công cũng phải được giám sát camera từ đầu đến cuối. Trong khi đó, DN châu Âu chú trọng môi trường lao động cho công nhân. Nhà vệ sinh phải thế nào, chỗ làm việc ra sao, đèn đuốc, PCCC... đều có tiêu chuẩn riêng, bằng hoặc cao hơn mức pháp luật quy định, tùy vào tập đoàn. Các tập đoàn này chịu áp lực về trách nhiệm xã hội từ người tiêu dùng tại thị trường của mình. Vì vậy, họ đặt áp lực đó cho các nhà gia công giày dép, hàng may mặc. Các nhà gia công không thực hiện thì mất hợp đồng!

Uống nước từ dòng thải

Trong Bộ công cụ khởi động về CSR do Dự án CSR Việt Nam phát hành, đưa ra sáu chủ đề mà một DN có thể thực hiện trách nhiệm xã hội. Đó là: Môi trường, lao động, kinh doanh trung thực, những vấn đề người tiêu dùng, quản trị tổ chức và nhân quyền, sự tham gia và phát triển cộng đồng.

“Hãy đảm bảo tất cả lượng nước thải đều trong tầm kiểm soát, không có tình trạng rò rỉ đường ống, tràn nước thải hoặc lén xả ra môi trường” - tài liệu này hướng dẫn.

Có lẽ CSR trong lĩnh vực môi trường quá tốn kém với nhiều DN sản xuất tại Việt Nam nên DN đã không thực hiện cho đàng hoàng trách nhiệm này.

Ở tầm xa hơn là CSR trong phát triển cộng đồng. Tầm xa nhưng có thể thực hiện ngay trước mắt. Bộ công cụ này chỉ ra: “Đồ dùng học tập thường rất đắt và không phải gia đình nào cũng có thể cáng đáng được. Chắc chắn rằng một vài gia đình nhân viên của bạn đang phải đối mặt với vấn đề này. Nhưng cũng có những gia đình có rất nhiều đồ dùng học tập không còn dùng đến nữa vì một vài lý do nào đó. Hãy thiết lập mạng lưới trao đổi đồ dùng học tập trong công ty”.

CSR Việt Nam cũng đặt tình huống “Bạn có muốn những người không hề quen biết nhưng lại biết mọi thứ đời tư của bạn?”.

“Tưởng tượng rằng bạn mua một chiếc xe hơi mới và vài ngày sau, nhân viên kinh doanh của một công ty bảo hiểm gọi tới điện thoại di động của bạn mời mọc bạn một chính sách bảo hiểm cho chiếc xe mới. Một số người sẽ nghĩ đó là “dịch vụ hoàn hảo” nhưng bạn nên tự hỏi họ có được thông tin từ đâu vậy? Tại sao anh ta biết tôi mới mua một chiếc xe? Ai đã cho anh ta tên và thậm chí là cả số điện thoại di động của tôi? Và anh ta biết những gì nữa về giao dịch đó - có thể là số tiền tôi đã trả và trả bằng tiền mặt hay phải sử dụng thẻ tín dụng… Anh ta biết rất nhiều về tôi!”.

Một DN nên xác định bộ quy tắc ứng xử của mình, có trách nhiệm xã hội. Ví dụ như quy tắc ứng xử khi sản phẩm bị lỗi, có thu hồi sản phẩm hay không, hay cố chứng minh mình không có lỗi và phủi bỏ trách nhiệm. Ví dụ như quy tắc ứng xử khi gặp khủng hoảng truyền thông, nên xin lỗi hay sẽ tranh cãi đến cùng. Hoặc quy tắc giải quyết khiếu nại của khách hàng, sẽ đổi sản phẩm hay sẽ đấu lý với khách rằng khách có lỗi trong bảo quản sản phẩm chứ không phải lỗi sản xuất, công khai vụ việc hay chi tiền để im lặng.

Tặng quà hay không tặng quà?

Một số tình huống kinh doanh đòi hỏi phải tặng quà.

Quà tặng phải hợp pháp, hợp lý, được phê chuẩn. Nhân viên không bao giờ được hối lộ.

Chúng tôi hiểu rằng tập quán tặng quà ở các nền văn hóa là khác nhau. Chúng tôi không tặng quà bất cứ khi nào pháp luật ngăn cấm.

(Quy tắc đạo đức kinh doanh của Motorola, Cẩm nang Đạo đức kinh doanh của Bộ Thương mại Hoa Kỳ giới thiệu)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm