VỤ GẦN 9.000 XE TOYOTA CÓ THỂ MẮC LỖI

Toyota Việt Nam phải xin lỗi khách hàng

Chiều 4-4, Cục Đăng kiểm Việt Nam và Công ty ôtô Toyota Việt Nam (TMV) đã có cuộc họp về một số nội dung liên quan đến lá đơn của kỹ sư Lê Văn Tạch tố cáo nhiều xe ôtô Toyota mắc lỗi kỹ thuật. Ngay sau cuộc họp trên, ông Đỗ Hữu Đức, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, đã trao đổi với báo chí cho biết:

Sau khi nhận được văn bản và các tài liệu liên quan đến một số lỗi kỹ thuật của các dòng xe Innova và Fortuner do kỹ sư Lê Văn Tạch tố cáo, Cục đã giao cho bộ phận kỹ thuật nghiên cứu. Ngày 1-4, Cục đã có văn bản yêu cầu TMV cung cấp các tài liệu có liên quan và hôm nay là yêu cầu nội dung cần giải trình. Cục sẽ xem xét, đánh giá thận trọng, khách quan để đảm bảo đầy đủ các quyền lợi và an toàn cho người tiêu dùng. Còn hiện giờ chưa thể kết luận gì được.

Về việc tại cuộc họp báo mới đây, TMV cũng đã thừa nhận một số xe đã có thể bị mắc lỗi. Ông Đức cho rằng tất cả các chỉ tiêu liên quan đến phương tiện đều có yêu cầu kỹ thuật cụ thể. Vấn đề chính ở đây là cách giải quyết và ứng xử của nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ ra sao để người tiêu dùng không quay lưng với sản phẩm mà mình đã sản xuất ra.

Toyota Việt Nam phải xin lỗi khách hàng ảnh 1

Một chiếc xe Toyota dòng Innova đời 2007 được kiểm định tại trung tâm đăng kiểm 50-03S chiều 1-4. Ảnh: LƯU ĐỨC

. Vậy ông có thể cho biết quy trình cũng như hướng giải quyết chung khi xe ôtô bị mắc lỗi?

+ Thực tế đến nay các văn bản pháp luật Việt Nam vẫn chưa có quy định cụ thể trong việc xử lý đối với lỗi kỹ thuật của phương tiện. Nhưng theo thông lệ quốc tế thì khi có lỗi kỹ thuật bị phát hiện có ảnh hưởng đến an toàn của người sử dụng thì nhà sản xuất phải có trách nhiệm triệu hồi xe. Tất cả các cách thức xử lý trên sẽ do nhà sản xuất tiến hành. Đồng thời, nhà sản xuất phải có báo cáo cụ thể đến cơ quan quản lý và phải được cơ quan quản lý chấp thuận.

. Đối với phương tiện có lỗi mà đang lưu hành thì Cục xử lý thế nào?

+ Chúng tôi xin khẳng định sẽ kiểm tra mức độ lỗi và lỗi đến đâu chúng tôi sẽ xử lý đến đấy.

Xem lại quy trình đăng kiểm

Quy trình kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo định kỳ do Bộ GTVT ban hành tháng 6-2009 rất nghiêm ngặt. Theo đó, tất cả các bộ phận của xe từ động cơ, chân phanh, bánh xe, chân ghế, sàn xe… đều phải trải qua các khâu kiểm tra, kiểm định của hệ thống máy móc và con người.

Cụ thể, đối với các lỗi của xe Toyota mà kỹ sư Lê Văn Tạch “tố” như lỗi bulong chân ghế, khi kiểm định, cơ quan đăng kiểm phải có trách nhiệm phát hiện việc lắp đặt có đúng hồ sơ kỹ thuật, kích thước; có rách, nát, mọt, gỉ, có chắc chắn hay không. Riêng với lỗi áp suất dầu phanh, do đây là thiết bị rất quan trọng trong việc bảo đảm an toàn giao thông nên phải kiểm định hàng loạt các tiêu chuẩn như đồng hồ áp suất, bộ chỉ thị áp suất… Cạnh đó, đơn vị đăng kiểm còn phải thử nghiệm để phát hiện sai sót. Nếu có hiện tượng phanh xe ăn hơn mức bình thường, bị rê đuôi khi đang chạy với tốc độ cao… thì nhân viên đăng kiểm phải phát hiện ra ngay, còn nếu không phát hiện ra hay phát hiện ra nhưng vẫn cấp giấy phép lưu hành thì đăng kiểm phải chịu trách nhiệm.

Một cán bộ đăng kiểm đã về hưu (đề nghị không nêu tên).

Phải xin lỗi ngay!

Thứ nhất, lâu nay TMV đã để khách hàng sử dụng những chiếc xe không đúng như công bố về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm khi bán xe. Nói cách khác khách hàng đã mua phải hàng hóa không đủ chất lượng so với số tiền mình bỏ ra.

Thứ hai, theo diễn biến vụ việc thì ngay từ năm 2006 kỹ sư Tạch đã phát hiện và báo cáo lỗi của xe nhưng TMV đã phớt lờ không khắc phục ngay. Điều này khiến nguy cơ mất an toàn bị kéo dài và chậm được khắc phục.

Từ hai điều trên, tôi cho rằng không những TMV phải xin lỗi mà còn phải xin lỗi kịp thời người tiêu dùng có sản phẩm bị lỗi.

Về yêu cầu bồi thường, nếu khách hàng chưa có thiệt hại về tiền thì chưa thể yêu cầu Toyota bồi thường được. Khách cũng không có quyền yêu cầu hãng trả lại tiền đã bán xe mà chỉ có thể yêu cầu thu hồi sửa chữa lỗi của xe. Bởi lẽ thực tế những lỗi trên chỉ là trục trặc về kỹ thuật chưa đến mức làm cho xe không thể sử dụng được. Yêu cầu đổi xe bị lỗi lấy xe mới có được hay không là do thỏa thuận giữa khách hàng và hãng.

Tiến sĩ NGUYỄN VĂN TIẾN, khoa Luật dân sự ĐH Luật TP.HCM

Khiếu nại trước khi kiện

Tôi cho rằng TMV phải xin lỗi khách hàng đang sở hữu các loại xe bị lỗi. Bởi khi hãng đã thừa nhận những khiếm khuyết về kỹ thuật thì có nghĩa là trước đó hãng đã bội ước bán cho khách loại hàng hóa không đúng chuẩn. Cơ sở của chuyện này là bản hợp đồng mua bán xe giữa hai bên. Đặc biệt, TMV phải xin lỗi từng khách hàng chứ không phải xin lỗi chung một lần, dù có công khai trên phương tiện truyền thông đại chúng cũng không được vì không phải khách hàng nào cũng đọc báo, xem tivi hằng ngày hoặc có khi họ đang ở nước ngoài.

Về chuyện bồi thường thiệt hại thì về nguyên tắc khách có thể yêu cầu nhưng thực tế chưa có thiệt hại xảy ra. Nói nôm na, người tiêu dùng phải chờ khi có thiệt hại về tiền thì mới yêu cầu được.

Trước mắt khách đang sỡ hữu xe có ba lỗi kỹ thuật nêu trên chỉ có thể khiếu nại trực tiếp lên hãng yêu cầu khắc phục. Nếu không đồng tình với trả lời khiếu nại thì khách có quyền khởi kiện yêu cầu hãng thu hồi sản phẩm để khắc phục sự cố của xe theo Điều 16 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa ban hành năm 2007.

Tiến sĩ LÊ THị THU THỦY, khoa Luật ĐH Quốc gia Hà Nội

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm