Tổng giám đốc Thuduc House: ‘Quản lý chợ khó hơn tập đoàn’

Không nhiều người biết trước khi được đưa lên vị trí tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House), ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng được HĐQT Thuduc House giao thử thách quản lý chợ đầu mối Thủ Đức, vựa nông sản lớn nhất tại TP.HCM. Đây chính là nơi mà theo ông Hoàng “giúp tôi rèn luyện sự bản lĩnh và học hỏi nhiều kinh nghiệm quản lý”.

Quản lý chợ rất khó 

. Phóng viên: Chợ đầu mối nông sản Thủ Đức luôn gắn liền với thương hiệu Thuduc House, vậy chợ đóng vai trò quan trọng thế nào tại công ty?

+ Ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng: Nhìn về nguồn thu của chợ nếu đặt cạnh mảng kinh doanh bất động sản của công ty không lớn, vài trăm tỉ đồng/năm. Nhưng chúng tôi rất tâm huyết trong việc kinh doanh chợ, vì đây là vựa đầu mối rau quả lớn, cung cấp hàng hóa không chỉ cho TP.HCM mà cả các tỉnh, thành khác. một đêm lưu lượng hàng hóa qua đây lên đến 5.000 tấn.

Ngoài việc đảm bảo nguồn hàng ổn định giá cả thì chúng tôi còn làm nhiệm vụ giám sát, tuyên truyền tiểu thương bán hàng hóa có chất lượng, truy xuất nguồn gốc và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thuduc House cũng không chỉ quản lý mà còn phát triển mảng tự doanh riêng của mình là trái cây nhập khẩu vì nhận thấy nhu cầu rất cao trong các dịp lễ, Tết. Lĩnh vực này đang phát triển khá tốt.

Chúng tôi vẫn đang tiếp tục mở rộng mảng kinh doanh chợ bằng cách hợp tác với các đối tác và đã mở chợ đầu mối tại Dầu Giây cũng như nghiên cứu mở thêm chợ đầu mối tại Tây Ninh.

. Được biết ông làm giám đốc chợ Thủ Đức trong ba năm, vậy theo ông quản lý chợ có khó?

+ Quản lý chợ khó hơn nhiều so với quản lý công ty bất động sản vì chợ như cái xã hội vậy đó. Lúc HĐQT giao nhiệm vụ, tôi đã từ chối và nhiều người cũng nghĩ tôi không làm được. Nhưng bị “ép quá”, tôi phải nhận lời.

Đúng là vừa về quản lý chợ là đụng chuyện. Vì tôi có thói quen quản lý quy củ, minh bạch, không có chuyện tư túi và hiển nhiên đụng đến quyền lợi của nhiều người. Nhưng mình có cách của mình, đó là vừa cương vừa nhu, khi cần nhờ cơ quan chức năng can thiệp, thậm chí một mình đích thân ra ngồi nói chuyện giải quyết.

Nhờ đưa vào quy củ nên chỉ sau nửa năm tôi nhận chức, doanh thu của chợ tăng gấp đôi.

. Vậy ông làm cách nào để tăng doanh thu cao gấp đôi ở chợ?

+ Mọi thứ cứ làm minh bạch tài chính là doanh thu tăng. Chẳng hạn, khi về quản lý chợ tôi cho đưa vào hệ thống quản lý xe tự động, 100 xe vào ra là đếm đủ 100 xe, không thất thoát đồng nào.

Ông Nguyễn Vũ Bảo Hoàng cho biết ông thuộc mẫu người năng động, thích những áp lực, đặt ra những cột mốc mới và đạt được nó. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Một mình không thể làm mọi thứ dù giỏi đến mấy

. Dù sao Thuduc House vẫn là đơn vị kinh doanh bất động sản, ông nhìn thấy lĩnh vực này đang có những thăng trầm, rủi ro ra sao?

+ Tôi lại có cái nhìn rất lạc quan về thị trường nhà, đất. Vì sao vậy? Nếu nhìn về đối tượng khách thấy rằng dân số trẻ, những cặp vợ chồng mới cưới, những bạn trẻ mới đi làm đang có nhu cầu nhà ở thực rất cao, đặc biệt giới trẻ có xu hướng thích ở chung cư có giá bán phù hợp với thu nhập trung bình.

Tuy nhiên, với phân khúc cao cấp cần phải nhìn lại. Chủ đầu tư nào không nghiên cứu kỹ, làm sản phẩm đặt vị trí sai, không khéo dễ dẫn đến thất bại.

. TP đưa ra chủ trương hạn chế đầu tư dự án tại lõi trung tâm TP, vậy Thuduc House có gặp khó khăn về quỹ đất?

+ Chiến lược của các công ty bất động sản hiện nay là phải săn quỹ đất càng nhiều càng tốt. Thuduc House cũng không ngoại lệ. Chúng tôi đang bắt đầu vươn ra khu vực ngoại thành làm các dự án thấp tầng và đặt chân ra thị trường phía Bắc, như dự án hợp tác với Công ty SYM xây dựng một khu phức hợp tại khu vực Hà Đông.

Trong chuyện săn đất, chúng tôi đã có tầm nhìn từ lâu và chuẩn bị quỹ đất đủ phát triển trong 10 năm tới.

. Cũng là công ty kỳ cựu trong lĩnh vực địa ốc, có phải Thuduc House lựa chọn an toàn nên đi hơi chậm so với các “ông lớn” khác sau này hay không?

+ Có nhiều cổ đông cũng đã chất vấn như vậy nhưng sau khi được giải thích, cổ đông đều hiểu và đồng ý chậm và chắc sẽ hay hơn. Thực ra công ty cũng không đi chậm lắm đâu, chỉ là kỹ trong từng quyết định đầu tư. Nhìn ra ngoài, đúng là nhiều doanh nghiệp đi quá nhanh nhưng cũng dính nhiều thứ nặng nề để giải quyết hậu quả cực kỳ nhiêu khê và khó khăn.

Tuy vậy, có lẽ trong thời gian tới, tôi nghĩ mình cần năng động hơn để bắt kịp xu hướng, thị hiếu thị trường giúp công ty tăng trưởng nhanh hơn.

Nhiều kinh nghiệm rất hay

Tổng Giám đốc Thuduc House Nguyễn Vũ Bảo Hoàng nói quản lý chợ phức tạp nhưng nó đem lại cho ông nhiều kinh nghiệm rất hay để quản lý tập đoàn với nhiều công ty con.

“Nhưng giữa chợ và tập đoàn khác nhau trong cách quản lý. Làm ở tập đoàn theo quy trình, còn ở chợ áp lực mỗi ngày, buộc tôi phải thiên biến vạn hóa, không có quy trình cụ thể nào. Tất nhiên có quy trình nhưng không thể áp quy trình đó vào được. Nguyên nhân công ty chỉ không quá 100 người, trong khi chợ có hơn 1.000 con người đủ kiểu tính cách” - ông nói. 

. Được xem là người lãnh đạo trẻ nhất trong lịch sử Thuduc House, khi được giao vị trí tổng giám đốc, suy nghĩ đầu tiên của ông là gì?

+ Cũng lo, thấy trách nhiệm lớn và nhiều điều cần thay đổi. Bởi trước đây làm phó tổng, tôi có thể nghỉ phép đi chơi đâu đó 2-3 ngày, không sao cả, công việc vẫn chạy đều. Khi ở vị trí tổng giám đốc, tôi phải chịu trách nhiệm pháp luật về các quyết định đầu tư, đảm nhiệm hoạch định chiến lược kinh doanh để đem lại hiệu quả cho công ty và lợi tức cho cổ đông.

. Với quá nhiều áp lực như vậy, ông có xây dựng được thương hiệu cá nhân?

+ Đối với tôi, thương hiệu cá nhân không quan trọng bằng tập thể. Một mình không thể làm hết mọi thứ mà phải cần đội ngũ tập thể hỗ trợ. Mảng đầu tư bất động sản lớn lắm, tổng giám đốc không quyết định được hết, chỉ nêu định hướng chung, giúp việc là các ban đầu tư.

Luôn phải có hệ thống làm. Nói một cách chi tiết hơn, khi chuẩn bị đầu tư một dự án nào đó, tổng giám đốc yêu cầu các ban trong công ty gồm đầu tư, kinh doanh, tiếp thị, tài chính cùng nghiên cứu, tính toán xem làm dự án đó có khả thi không. Sau đó tổng giám đốc nhóm họp HĐQT trình bày dự án và các thành viên trong hội đồng sẽ có thời gian xem xét trước khi họp ra quyết định lần cuối.

Thực ra một người không thể thấy được toàn cục mà chỉ thấy khía cạnh nào đó, cho dù ai giỏi thế nào cũng không nhìn thấu đáo bằng nhiều người. Trong một tập đoàn lớn, việc thể hiện quyền lực cá nhân không bao giờ đem lại lợi ích cho công ty và cổ đông.

Bỏ công việc 50.000 USD/năm về Việt Nam vì… thích áp lực

. Dường như ông và Thuduc House là một cơ duyên?

+ Có lẽ vậy, tôi làm việc tại Thuduc house là một cơ duyên. Trước đó tôi học và làm việc bên Úc đến 11 năm. Tại đây tôi có nền tảng chắc chắn, có nhà cửa, gia đình và một công việc khá tốt cho một tập đoàn của Anh với mức lương 40.000-50.000 USD/năm. Không nhiều điều phải suy nghĩ.

Tổng giám đốc Thuduc House: ‘Quản lý chợ khó hơn tập đoàn’ ảnh 2
Nhu cầu nhà ở thực rất cao, đặc biệt giới trẻ có xu hướng thích ở chung cư. Ảnh: QH

Một lần tình cờ về Việt Nam chơi và tham dự tiệc của Thuduc House, tôi gặp một lãnh đạo Thuduc House, anh bảo: “Có thích về Việt Nam làm việc không?”. Tôi cũng đáp xã giao vì trong đầu không có ý định gì cả: “Nếu có cơ hội thì em sẽ về”. Vậy là anh ấy nói gọn lỏn: “Về làm với anh”. Chỉ một câu nói vậy thôi, tôi bỏ việc bên Úc về Việt Nam. Càng làm càng mê vì được thử thách, chinh phục.

Với lại tôi nghĩ làm việc bên Úc “như một cái máy”. Sáng đi làm, chiều tối về nhà và cứ thế vòng lặp. Tiền lương hai vợ chồng cả hơn 100.000 USD/năm cộng lại nhưng vừa đủ trả góp và dư chút đỉnh về thăm gia đình cuối năm.

. Áp lực lớn nhất đối với ông là gì?

+ Tôi thuộc mẫu người năng động, thích những áp lực, đặt ra những cột mốc mới và đạt được nó nên giờ cảm thấy quyết định của mình về Việt Nam làm là đúng đắn. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm