Tiết kiệm cả ngàn tỉ đồng nhờ được ‘cởi trói’

Bộ NN&PTNT đã công bố cắt giảm hàng loạt điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành, giấy phép con... tại buổi làm việc với  Tổ công tác của Thủ tướng diễn ra ngày 25-10.

Động thái này sẽ tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng cho doanh nghiệp.

Bỏ độc quyền kiểm tra chuyên ngành

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, trong 10 tháng đầu năm 2017, Bộ đã tiến hành rà soát, đề xuất phương án cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh; đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa thủ tục hành chính và cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, đổi mới phương thức kiểm tra chuyên ngành.

Điển hình là trong tổng số 345 điều kiện đầu tư, kinh doanh, Bộ đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện (chiếm 34,2%), trong đó bãi bỏ 65 điều kiện, sửa đổi theo hướng rút gọn 53 điều kiện.

Đối với hoạt động kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất, nhập khẩu thuộc phạm vi quản lý của bộ, hiện nay thời gian kiểm tra chuyên ngành được rút ngắn như đối với kiểm tra lô hàng thủy sản xuất khẩu, thời gian rút ngắn 5-7 ngày làm việc xuống còn 8 giờ/lô hàng; thực tế nhiều lô hàng được cấp giấy chứng nhận trong 2-3 giờ, tiết kiệm cho doanh nghiệp 15%-20% chi phí.

Đáng chú ý, Bộ NN&PTNT đã thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác khảo nghiệm, kiểm nghiệm các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành, về cơ bản hiện nay không có tình trạng độc quyền. Bộ đã công nhận, chỉ định 63 tổ chức đủ điều kiện thực hiện kiểm tra chuyên ngành.

“Phương án đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến kiểm tra chuyên ngành nêu trên góp phần tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Chỉ tính riêng hoạt động kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật đã giảm khoảng 654,4 tỉ đồng, giảm 108.524 ngày công, chiếm tỉ lệ cắt giảm là 66,7%; kiểm dịch thực vật giảm khoảng 178,1 tỉ đồng” - Bộ NN&PTNT dẫn chứng.

Rất nhiều sản phẩm đang phải chịu kiểm tra chuyên ngành của hai hay nhiều bộ, ngành như sữa và các sản phẩm từ sữa, cà phê, ca cao… Ảnh:  HTD

Không trói doanh nghiệp phát triển

Mặc dù đã có nhiều cải tiến nhưng một số đại biểu cho rằng Bộ NN&PTNT cần tiếp tục rà soát để loại bỏ những thủ tục vô lý. Đại diện Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam dẫn chứng hiện nay một con cá tra muốn xuất khẩu vẫn phải chịu sự chi phối, quản lý bởi ba văn bản.

Trước thực tế một quả trứng gà vẫn chịu sự quản lý của ba bộ, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đề nghị nên huy động nguồn lực bên ngoài xã hội hóa công tác khảo nghiệm, kiểm nghiệm các mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Từ đó để không xảy ra tình trạng độc quyền, trói tay trói chân doanh nghiệp. Song song đó phải có quy trình và công nhận lẫn nhau, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, quản lý rủi ro.

Phản hồi ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nói: “Bộ nhận thấy vấn đề tiếp tục hoàn thiện thể chế, đột phá trong cải cách hành chính, đề ra các giải pháp căn cơ để phát triển cho năm 2017 và những năm tiếp theo… không chỉ là yêu cầu của Thủ tướng mà còn là nhu cầu tự thân của Bộ phải làm. Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, Bộ đã ra nghị quyết chuyên đề, phân công trực tiếp một thứ trưởng phụ trách và hằng tháng đều có họp về nội dung này”.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, không phải chỉ cắt giảm thủ tục mà bộ máy cũng cần chấn chỉnh lại để thích ứng với yêu cầu mới, tiếp đó mới đến công tác kỹ thuật, quản lý chuyên ngành.

Thủ tướng nhắc Bộ NN&PTNT nhiều vấn đề

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao sự cố gắng của toàn ngành nông nghiệp và cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đã có tinh thần tận tụy, năng động, trách nhiệm, quyết liệt, đổi mới, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm. Đặc biệt đánh giá cao việc Bộ NN&PTNT đã chủ động cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ.

Đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa trên 500 thủ tục

Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục tổ chức rà soát sâu hơn đối với 508 thủ tục hành chính còn hiệu lực và đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa 287 thủ tục hành chính (chiếm 56,5%). Gồm có: Bãi bỏ 81 thủ tục hành chính, đơn giản hóa 205 thủ tục hành chính.

Bộ cũng đề xuất cắt giảm năm loại hàng hóa không có nguy cơ cao gây mất an toàn (chiếm 23,8%) ra khỏi danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành khi nhập khẩu…

Đồng thời Thủ tướng nhắc Bộ còn nhiều vấn đề cần lưu ý, đặc biệt là những chồng chéo trong việc kiểm tra các mặt hàng nhập khẩu. Một mặt hàng phải chịu sự điều chỉnh của nhiều quy định khác nhau, dẫn đến kiểm tra trùng lặp, khi có tới 58,8% mặt hàng chịu sự quản lý từ hai bộ trở lên.

“Thậm chí nhiều mặt hàng phải chịu các hình thức quản lý, kiểm tra khác nhau của nhiều đơn vị của Bộ. Như kén tằm, côn trùng vừa phải kiểm dịch động vật vừa phải kiểm dịch thực vật. Một số sản phẩm khác cũng chịu chung số phận như động vật tươi sống, thức ăn chăn nuôi, thủy sản, sản phẩm thủy sản” - ông Mai Tiến Dũng dẫn chứng.

Bên cạnh đó, rất nhiều sản phẩm cũng được Tổ công tác chỉ ra đang phải chịu kiểm tra chuyên ngành của hai hay nhiều bộ, ngành khác nhau như nhóm mặt hàng sữa và các sản phẩm từ sữa; sữa chua, sữa bột, phô mai; thức ăn gia súc; nguyên liệu làm bánh kẹo có nguồn gốc động vật; men sống; cà phê, ca cao, ngũ cốc…

“Đối với vấn đề kiểm tra chuyên ngành còn chồng chéo này, Bộ NN&PTNT công bố với báo chí, doanh nghiệp, người dân để biết từ nay trở đi cái gì bỏ, cái gì không bỏ, cái gì tiếp tục rà soát sửa đổi” - Tổ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Báo cáo Thủ tướng vụ muối i-ốt

Tiết kiệm cả ngàn tỉ đồng nhờ được ‘cởi trói’ ảnh 2
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP
Mai Tiến Dũng

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đề nghị Bộ NN&PTNT đề xuất cách thức quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với danh mục hàng hóa hiện nay đang chồng chéo giữa Bộ NN&PTNT với Bộ Công Thương, Bộ Y tế. Theo đó, một mặt hàng chỉ giao cho một bộ chủ trì quản lý, kiểm tra chuyên ngành.

Bên cạnh đó, khẩn trương rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến kiểm tra chuyên ngành theo hướng một mặt hàng chỉ điều chỉnh bởi một văn bản và do một đơn vị chức năng thuộc bộ làm đầu mối chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra.

“Về ý kiến của doanh nghiệp đối với quy định sử dụng i-ốt của Bộ Y tế, chúng tôi sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tới để làm rõ vấn đề này” - ông Dũng cho biết. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm