Tháo nút thắt để vàng nữ trang Việt ra thế giới

Thời gian gần đây, giá vàng trong nước cao hơn giá vàng thế giới 2-3 triệu đồng/lượng, thậm chí có thời điểm lên đến gần 5 triệu đồng/lượng. Đây là điều bất thường.

Trò chuyện với Pháp Luật TP.HCM, ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới tại Việt Nam (VN), Singapore và Indonesia, nhận định: “Chỉ khi nào nguồn cung vàng trong nước thoát khỏi sự khan hiếm thì khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế mới được rút ngắn, đồng thời nút thắt về ngành vàng nữ trang mới được tháo gỡ”.

Nhiều nước sang Việt Nam gia công vàng

. Phóng viên: Nhiều nước đang đẩy mạnh xuất khẩu vàng nữ trang ra thế giới và thu về hàng tỉ USD. VN thì sao, thưa ông?

+ Ông Huỳnh Trung Khánh: Các doanh nghiệp Thái Lan, Malaysia, Indonesia… được chính phủ khuyến khích phát triển và xuất khẩu vàng nữ trang ra thế giới. Vì vậy, mỗi năm ngành này mang về cho đất nước họ 2-3 tỉ USD. Trong khi đó, VN có nhiều tiềm năng nhưng lại chưa khai thác được nhiều.

Nguyên nhân chính là do nước ta hạn chế nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang khiến ngành này đi sau rất nhiều nước. Trong khi đó, trình độ tay nghề thợ kim hoàn của VN được các nước trong khu vực đánh giá rất cao.

. Ông có thể lý giải vì sao hiện nay nhiều công ty của Malaysia, Thái Lan, Singapore… chọn VN làm nơi gia công nữ trang rồi xuất khẩu đi các nước?

+ Họ chọn VN làm nơi gia công nữ trang là dễ hiểu. Cụ thể là tay nghề thợ kim hoàn của nước ta có chất lượng cao, sáng tạo, kỹ thuật chế tác của ta khá tinh xảo… nhưng giá thuê nhân công lại rẻ hơn so với nhiều nước trong khu vực.

Tôi từng hỏi một ông chủ lớn trong ngành sản xuất vàng nữ trang Thái Lan rằng tại sao nhà máy sản xuất vàng nữ trang của ông ở Thái Lan đã có 3.000-4.000 công nhân mà ông vẫn qua VN để mở rộng thêm cơ sở sản xuất. Ông đáp rằng: “Thợ kim hoàn VN tay nghề rất cao, học nghề rất nhanh. Tại Thái Lan, chúng tôi cần 12 tháng mới đào tạo thành công một thợ kim hoàn thì tại VN chỉ mất sáu tháng thôi”.

Mới đây, tôi được biết có một công ty sản xuất nữ trang rất lớn tại Indonesia cũng muốn đặt nhà máy gia công vàng nữ trang tại VN để xuất khẩu. Họ khẳng định năng suất lao động của thợ kim hoàn tại Indonesia không bằng VN.

. Vậy theo ông, cần làm gì để khơi thông ách tắc, khai thác tiềm năng và tận dụng cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu vàng nữ trang Việt?

+ Tôi cho rằng khi Nhà nước có cơ chế phù hợp thì ngành chế tác vàng nữ trang VN hoàn toàn có thể vươn ra biển lớn, cạnh tranh với các nước. Điểm nghẽn khiến ngành vàng nữ trang của mình không thể phát triển được, người lao động có tay nghề cao nhưng chỉ đi làm thuê cho người ta chỉ nằm đúng ở một điểm duy nhất là quá khan hiếm vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang.

Việc kiểm soát quá chặt chẽ trong ngành vàng đã khiến ngành xuất nhập khẩu vàng nữ trang của VN xuống mức gần như thấp nhất trong khu vực.

Khách hàng đang mua bán vàng tại một tiệm ở TP.HCM. Ảnh: THÙY LINH

Đề xuất giải pháp hạ nhiệt căng thẳng vàng nguyên liệu

. Vậy theo ông, làm thế nào để hạ nhiệt cơn khát nguồn cung nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang cũng như vàng miếng?

+ Kể từ khi Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành vào năm 2012 đến nay, VN không nhập thêm bất cứ miếng vàng nào. Nguồn cung vàng miếng ra thị trường bị siết chặt, gần như bị chặt đứt.

Điều này có nghĩa vàng miếng có bao nhiêu trên thị trường thì giao dịch mua bán bấy nhiêu, chứ không cho nhập khẩu. Trong khi đó, nhu cầu sở hữu vàng nữ trang, vàng miếng, mà đặc biệt là vàng SJC vẫn không ngừng tăng. Vậy thử hỏi thị trường vàng làm sao có thể tự cân đối cung cầu được?

Riêng đối với các công ty có sản phẩm gia công, xuất khẩu vàng trang sức, do phải mua vàng nguyên liệu với giá cao hơn giá vàng quốc tế nên rủi ro cao. Họ cũng không có điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu vàng trang sức, mỹ nghệ.

Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM, cho biết hiện hội có khoảng 1.700 hội viên. Trong đó có khoảng 800 cơ sở sản xuất, gia công, còn lại là các đơn vị dịch vụ và buôn bán. 

Do vậy, tôi cho rằng nếu thị trường vàng vào những thời điểm bình lặng thì không cần thiết phải nhập thêm vàng. Song khi thị trường có biến động, giá vàng miếng có sự chênh lệch quá lớn với giá vàng thế giới thì Ngân hàng Nhà nước nên xem xét việc cho nhập thêm vàng nguyên liệu để kéo sát khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới.

Làm được điều này sẽ giảm nguy cơ thẩm lậu vàng từ biên giới vào VN ngày càng cao. Bên cạnh đó, người dân mua vàng cũng giảm được rủi ro lớn khi giá vàng trong nước luôn trong tình trạng đắt hơn giá vàng thế giới.

. Ông cho rằng để tạo nguồn cung nguyên liệu cho thị trường thì nên nhập vàng. Nhưng có ý kiến lo ngại nếu nhập vàng sẽ ảnh hưởng đến dự trữ ngoại hối, gây áp lực cho tỉ giá giữa USD và tiền đồng?

+ Nguồn dự trữ ngoại hối của VN khá dồi dào, hiện lên tới 92 tỉ USD, mức kỷ lục chưa từng có. Ngoài ra, tỉ giá USD/VND cũng rất ổn định. Vậy nên nếu cơ quan quản lý đồng ý cho nhập thêm 5-10 tấn vàng nguyên liệu, tương đương 300-600 triệu USD, để dập vàng miếng can thiệp thị trường thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến nguồn ngoại hối dự trữ và tỉ giá.

. Các nước trong khu vực giải quyết bài toán thiếu vàng nguyên liệu ra sao và họ có gặp khó như các doanh nghiệp Việt không, thưa ông?

+ Không cần nhìn đâu xa mà chỉ cần nhìn sang các nước láng giềng thì sẽ thấy gần như nước nào cũng cho phép nhập vàng nguyên liệu với số lượng lớn và cho phép thành lập sàn giao dịch vàng. Ví dụ, theo số liệu thống kê của Hội đồng Vàng thế giới (WGC), tính đến hết năm 2019, riêng Indonesia đã nhập 55 tấn vàng, Thái Lan nhập 46 tấn, Malaysia nhập 18 tấn…

Ngay như ở Campuchia, dù ngành nữ trang không phát triển nhưng mỗi năm nước này cũng nhập vàng nguyên liệu từ Singapore với số lượng lên tới 50-60 tấn/năm. Doanh nghiệp của họ cứ có ngoại tệ, có nhu cầu nhập vàng là được cơ quan quản lý chấp thuận và nhà nước chỉ đánh thuế doanh nghiệp thôi.

. Xin cám ơn ông.

Khó tinh luyện vàng nữ trang thành vàng miếng

Nhiều người cho rằng VN có thể tinh luyện vàng nữ trang để bổ sung nguyên liệu cho sản xuất vàng miếng. Tuy vậy, ông Huỳnh Trung Khánh cho rằng vàng miếng SJC từ trước tới giờ đều được sản xuất từ nguyên liệu đạt chuẩn quốc tế (NPMA), đạt đúng chuẩn 9999. Do đó, vàng miếng SJC đạt độ tinh khiết rất là cao.

Trên thực tế, trong nước có thể tinh luyện vàng hai số 99 lên vàng ba số 999 nhưng từ vàng 999 tinh chế thành vàng 9999 thì ở VN chưa làm được. Lý do, việc tách các tạp chất khác trong vàng ra để trở thành vàng tinh khiết đạt tiêu chuẩn NPMA của quốc tế là điều vô cùng quan trọng và không phải nhà máy nào cũng tách ra được.

Tháo nút thắt để vàng nữ trang Việt ra thế giới ảnh 3
Nhu cầu vàng nữ trang trong nước khá lớn. Ảnh: T.LINH

Mặc dù ở Thái Lan, Malaysia cũng thực hiện việc tinh luyện vàng nhưng không đạt chuẩn vàng 9999 theo đúng chuẩn NPMA. Đây là tiêu chuẩn quốc tế có uy tín trên toàn cầu, do đó bất cứ sản phẩm vàng nào được đóng dấu đạt chuẩn NPMA thì chất lượng vàng nguyên liệu đã đạt độ tinh khiết tuyệt đối. Vì thế, số lượng nhà máy tinh chế vàng đạt chuẩn NPMA trên thế giới rất ít.

“Nếu công nghệ tinh luyện vàng tại VN chưa đạt chuẩn mà mình lại tinh chế vàng nữ trang để bổ sung nguyên liệu sản xuất vàng miếng thì cuối cùng người mua sẽ là bên chịu thiệt” - ông Khánh nói.

Có đủ nguồn lực để can thiệp thị trường vàng

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, cho biết: Kể từ khi Nghị định 24/2012 quản lý hoạt động kinh doanh vàng ra đời đến nay, thị trường vàng ổn định, không còn tình trạng đầu cơ, làm giá gây bất ổn nền kinh tế. Ngay cả vào thời điểm giá vàng biến động lớn như trong tháng 8 vừa qua cũng không có tình trạng người dân xếp hàng dài chờ đợi tới lượt để mua vàng.

“Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước vẫn luôn theo dõi sát diễn biến giá vàng trên thị trường và có đủ nguồn lực để can thiệp thị trường vàng khi cần thiết” - ông Minh nhấn mạnh. Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho hay đang hoàn thiện cơ chế quản lý thị trường vàng nguyên liệu và tạo điều kiện phát triển thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm