Sức khoẻ ngân hàng phụ thuộc vào đầu tư doanh nghiệp

Sẽ tự do hoá lãi suất?

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, tín dụng đang giảm mạnh, đầu tư của khu vực doanh nghiệp và tư nhân đang giảm mạnh bắt đầu từ quý 3/2009. Trong ba nguồn đầu tư lớn nhất của Việt Nam: đầu tư của doanh nghiệp và tư nhân, đầu tư của nước ngoài và đầu tư của Chính phủ, thì đầu tư trong năm 2010 của Chính phủ dự kiến bị cắt giảm đi so với năm 2009, mà năm 2009 giải ngân chỉ được một nửa so với dự kiến ban đầu, còn đầu tư nước ngoài có xu hướng tăng lên nhưng rất chậm. Ba nguồn đầu tư lớn của nền kinh tế đều có vấn đề lớn.

Nếu không làm cho đồ thị đầu tư của doanh nghiệp và tư nhân, vốn ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng ngân hàng, “ngóc đầu” trở lại, thì nhiệm vụ tăng trưởng GDP 6,5% năm 2010 rất khó khăn.

Hàng tồn kho chiếm 5% GDP 2009, cuối năm 2010 dự kiến giảm xuống 3% vẫn là con số lớn, tín dụng vẫn tăng trưởng theo hướng thắt chặt, thậm chí có những ngân hàng rút tiền về cho vay trên thị trường liên ngân hàng để có lợi nhuận cao hơn, rủi ro thấp hơn. Đặc biệt, áp lực cạnh tranh với những mặt hàng nhập khẩu sẽ mạnh hơn khi một số hiệp định thương mại tự do với ASEAN – Trung Quốc (CAFTA), hiệp định đối tác kinh tế Việt – Nhật (VJEPA)… có hiệu lực trong năm.

Trong điều kiện đó, thị trường tín dụng có xu hướng giảm do thắt chặt tín dụng và do nguồn cung hạn hẹp một phần vì các thị trường khác cạnh tranh, nhưng quan trọng nhất chính là lòng tin của nhà đầu tư và của người có tiền. Hiện giờ nhiều người “đứng giữa đôi dòng nước”, không biết đầu tư vào đâu. Họ giữ một khoản tiền mặt nhất định trong ngân hàng, có thể ném một chút vào bất động sản, một chút vào chứng khoán, một chút vào cho vay lấy lãi…

Lãi suất huy động hiện kém hấp dẫn. Các nhà hoạch định chính sách Việt Nam lo ngại chạy đua lãi suất nên khống chế lãi suất trần. Chưa biết hướng sắp tới Quốc hội sẽ xử lý vấn đề liên quan đến lãi suất cơ bản, nhưng chắc chắn là sẽ có sự thay đổi, nhiều khả năng sẽ quay lại tự do hoá lãi suất cả tiền gửi và cho vay.

Khan hiếm đôla do lãi suất tiền đồng

Thanh khoản ngoại tệ và tỷ giá hối đoái vẫn là vấn đề vĩ mô quan trọng nhất của năm 2010. Nhiều người tưởng thanh khoản ngoại tệ kém và tỷ giá hối đoái tăng là do thâm hụt cán cân vãng lai hoặc thâm hụt cán cân quốc tế. Tỷ giá hối đoái bao giờ cũng là vấn đề của lãi suất và trực tiếp làm cho tỷ giá thay đổi là lãi suất. Tiền đồng bị mất giá cục bộ so với đồng USD trong năm 2009, là do ngân hàng tài trợ 4% cho tiền đồng mà không tài trợ tín dụng cho đồng USD, làm lãi suất đồng USD thấp trong so sánh tương quan với lãi suất tiền đồng, khiến hai lãi suất xích lại gần nhau. Và đồng tiền lãi suất thấp bị đẩy ra khỏi lưu thông tiền tệ, nên Việt Nam thiếu thanh khoản ngoại tệ. Còn một lý do là tỷ giá hối đoái cứng nhắc, đưa đến kỳ vọng tăng tỷ giá hối đoái.

Cán cân vãng lai năm 2009 thâm hụt 7 tỉ USD, cán cân vốn thặng dư 10 tỉ USD, lẽ ra cán cân vốn phải dư 3 tỉ USD. Nhưng báo cáo cho biết là âm 6 tỉ USD, người ta đưa vào mục sai số âm tới 9 tỉ USD. Theo ông, ở một quốc gia bị đôla hoá, ít nhất 7 – 8 tỉ USD đã bị đẩy ra khỏi lưu thông, trở thành tài sản cất trữ trong ngăn kéo của người dân, hoặc nằm “chết” trong tài khoản của các doanh nghiệp. Nếu chính sách tiền tệ, tỷ giá hối đoái, lãi suất có sự hợp lý thì khoản tiền này sẽ “bò” lại vào lưu thông.

Vừa rồi, ngân hàng Nhà nước tăng tỷ giá hối đoái, tăng lãi suất cơ bản, đồng thời bỏ tài trợ lãi suất 4% ngắn hạn, nhưng vẫn tài trợ cho vay trung và dài hạn, nên xu hướng khan hiếm đồng đôla vẫn còn. Tới đây, vào tháng 4 nếu Mỹ tăng lãi suất cơ bản thì sức ép thanh khoản ngoại tệ sẽ còn tăng lên, tuy không còn mạnh như năm ngoái.

Theo Hồng Sương ( SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm