SCIC bỏ cuộc, thép Thái Nguyên đối mặt với khả năng phá sản

Báo cáo thừa nhận đến đầu năm 2019, tình hình tài chính của Tisco lâm vào tình trạng cực kỳ khó khăn, nguy cơ khủng hoảng tài chính dẫn đến phá sản đang hiện hữu nếu không có sự giải cứu kịp thời của Chính phủ, các ngân hàng và các cấp có thẩm quyền.

Cụ thể, dù lợi nhuận sau thuế vẫn đạt 28,5 tỉ đồng trong năm 2018 vốn có được từ doanh thu lớn là hơn 10.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, các khoản nợ đang ăn hết vào lợi nhuận của Tisco. Tính đến hết năm 2018, theo tính toán của thép Thái Nguyên, tổng nợ đã chiếm 82% tổng tài sản và nợ đã gấp 4,65 lần vốn chủ sở hữu.

Nợ quá nhiều dẫn đến cơ cấu tài chính không an toàn. Đáng lo ngại, doanh nghiệp đang trong tình trạng tài chính đặc biệt khó khăn, có khả năng không trả được các khoản nợ đến hạn.

Ngoài ra, trong bản đánh giá kết quả hoạt động của năm 2019, Tisco thừa nhận việc Tổng Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) rút 1.000 tỉ đồng ra khỏi Tisco vào cuối tháng 4-2017 đã làm cho các chỉ tiêu tài chính xấu đi, các ngân hàng cho vay vốn ngắn hạn phục vụ sản xuất, kinh doanh đã đánh giá khả năng tài chính của công ty thấp.

Điều đáng lo ngại nhất chính là chi phí xây dựng cơ bản dở dang đã vượt con số 5.000 tỉ đồng. Đây cũng là khoản đầu tư cho giai đoạn 2 Nhà máy thép Thái Nguyên nhưng hiện nay đang trong tình trạng đầu tư dở dang và đắp chiếu các thiết bị lắp đặt.

Theo Tisco, dự án này có tổng chi phí đầu tư ban đầu là 3.843,67 tỉ đồng nhưng sau đó điều chỉnh lại tổng mức đầu tư mới của dự án lên hơn 8.104 tỉ đồng. Đến thời điểm ngày 31-12-2018, tổng giá trị đầu tư của dự án đã được thực hiện 5.093 tỉ đồng. Riêng chi phí lãi vay được vốn hóa là 1.888 tỉ đồng. Chi phí phát sinh trong năm 2018 chủ yếu đến từ chi phí lãi vay vốn hóa. Dự án này do nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm mà cụ thể là Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm