Mua bán vàng kiểu 'đi đêm', lợi bất cập hại

Giá vàng những ngày gần đây lại biến động mạnh theo xu hướng tăng. Đơn cử, giá vàng SJC từ vùng 56 triệu đồng/lượng vào tuần trước hiện đã lên mức gần 58 triệu đồng/lượng ở chiều bán ra. Giá vàng tăng khiến nhiều người tranh thủ bán ra, chốt lời.

Giao dịch vàng “ngoài luồng”

Chị Thủy An, nhà ở quận 2, TP.HCM kể chị mua 60 lượng vàng SJC lúc giá trên 56,3 triệu đồng/lượng, nay kẹt vốn làm ăn nên cần bán gấp. Chị tính mang ra ngân hàng bán nhưng tại đây giá mua vào thấp hơn ít nhất 50.000 đồng/lượng so với giá niêm yết tại các tiệm vàng, vì vậy chị đem ra tiệm vàng. Nhưng tiệm vàng lại mỗi nơi một giá, hoặc yêu cầu bao bì phải còn nguyên xi, không bị sứt mẻ, có số xêri...

“Cuối cùng tôi quyết định bán theo kiểu thỏa thuận với khách hàng thông qua trao đổi trên mạng xã hội, tức không bán tại tiệm vàng hay ngân hàng. Với mức giá như hiện tại, khi bán 60 lượng vàng SJC tại các kênh chính thống, cùng lắm tôi chỉ lời 350.000 đồng/lượng. Trong khi đó, nếu bán kiểu thỏa thuận cho khách qua mạng thì tôi có thể lời 400.000 đồng/lượng và người mua cũng được hưởng mức giá rẻ hơn so với mua tại tiệm” - chị An nói.

Cũng theo chị An, thông thường với những giao dịch “ngoài luồng” kiểu này, hai bên thống nhất bằng cách cưa đôi mức giá chênh lệch mua bán tại các tiệm vàng. Ví dụ, ở thời điểm chênh lệch tại các tiệm vàng là 3 triệu đồng/lượng thì giá mua bán ngoài luồng chỉ vênh nhau một nửa so với tiệm.

Anh Nguyễn Hiếu, chủ một tiệm vàng ở quận 9, TP.HCM cho hay trước đây, khi thị trường vàng im hơi lặng sóng chẳng có ai giao dịch mua bán kiểu thỏa thuận ngoài luồng, mua bán thông qua mạng xã hội mà họ đều tới các tiệm uy tín, tiệm quen hoặc ngân hàng. Song thời gian gần đây, giá vàng biến động mạnh, để giảm rủi ro, các công ty có thời điểm đẩy chênh lệch giữa giá mua và bán lên đến gần 3 triệu đồng/lượng, thậm chí cao hơn. Nghĩa là người bán đẩy rủi ro về phía người mua.

“Với mức chênh lệch cao như vậy, chỉ những người mua ở thời điểm giá vàng quanh ngưỡng 53-56 triệu đồng/lượng, nay bán ra mới có lời. Còn với những ai mua ở mức giá cao hơn, nhất là mua vào khi vàng SJC trên 62 triệu đồng/lượng thì giờ đây vẫn lỗ đậm nếu bán ra ở thời điểm này. Vì vậy họ không bán tại tiệm vàng mà mua bán kiểu thỏa thuận với nhau” - anh Hiếu lý giải.

Vị chủ tiệm vàng này cho rằng việc giao dịch, mua bán không thông qua kênh chính thức mới nghe thoáng qua tưởng là “kèo thơm”. Chẳng hạn, khi giá vàng SJC tại các tiệm lớn ở Sài Gòn niêm yết ở mức 57-57,75 triệu đồng/lượng, người mua ngoài luồng đưa mức giá mua vào 57,2 triệu và bán ra là 57,4 triệu đồng/lượng. Như vậy, cả người bán và người mua đều được hưởng lợi. Nhưng thực tế việc mua bán vàng bên ngoài như vậy ẩn chứa không ít rủi ro, thiếu an toàn, tưởng lãi mà hóa lỗ. Đặc biệt, nếu không cẩn thận thì có thể mua bán trúng vàng giả, vàng nhái, vàng kém chất lượng.

Nên mua bán vàng ở những nơi được cấp phép để giảm rủi ro. Ảnh: THÙY LINH

Nên mua bán tại địa điểm được cấp phép

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM, cho biết: Hiện tại, riêng trên địa bàn TP.HCM có 837 điểm được cấp phép giao dịch mua bán vàng miếng thuộc 20 tổ chức tín dụng và 12 doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Hiện kinh doanh vàng là hoạt động kinh doanh có điều kiện, được sự quản lý của NHNN. Cụ thể, theo Nghị định 24/2012 thì hoạt động mua bán vàng miếng của tổ chức, cá nhân chỉ được thực hiện tại các tổ chức tín dụng và công ty được NHNN cấp giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng.

Hiện trong nước đã có nhiều ngành hàng được giao dịch thông qua các sàn chính thống. Đơn cử như sàn giao dịch bất động sản, sàn giao dịch chứng khoán, sàn thương mại điện tử… Trong khi đó sàn giao dịch vàng là một kênh đầu tư mà rất nhiều người quan tâm nhưng lại chưa được thành lập.

Ông ĐINH NHO BẢNGPhó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam 

Do vậy, để giảm rủi ro, khách hàng nên bán tại những nơi mà đã được cấp giấy phép dựa trên danh sách của NHNN công bố. Ngoài ra, khách hàng cần yêu cầu nơi bán cung cấp giấy phép được mua bán vàng miếng trước khi bán cho họ... Còn nếu cố tình mua bán ở những nơi không được cấp phép sẽ rất rủi ro vì nếu cơ quan chức năng phát hiện sẽ xử phạt cả tiệm vàng lẫn người mua vì mua bán vàng miếng được xem như mua bán ngoại tệ.

Ông Huỳnh Văn Tẩn, Giám đốc quan hệ đối ngoại Tập đoàn PNJ, cho rằng: Với những tài sản có giá trị như vàng thì khách hàng nên thực hiện việc giao dịch mua bán ở những tiệm vàng có uy tín, những doanh nghiệp lớn có thương hiệu. Bởi họ có chính sách thu mua, thu đổi, hậu mãi… rõ ràng, từ đó sẽ giúp người dân tránh được những rủi ro không đáng có.

“Các chính sách thu mua vàng SJC, vàng nữ trang 24K, vàng trang sức… của chúng tôi được tư vấn cụ thể. Thậm chí khách hàng còn phải ký xác nhận vào mặt sau của hóa đơn là đã được tư vấn và đồng ý với chính sách đó, hoàn toàn không có chuyện thích trừ bao nhiêu của khách hàng thì trừ” - ông Tẩn khẳng định.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Đinh Nho Bảng đánh giá việc nhiều người mua bán vàng kiểu thỏa thuận một phần do chưa có sàn vàng. Vì vậy, nếu sàn giao dịch vàng được thành lập thì sẽ giảm được tình trạng chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế quá cao. Qua đó quyền lợi của nhà đầu tư được đảm bảo, đồng thời Nhà nước có thể giám sát được lượng vàng lưu thông trên thị trường.

“Khi thị trường vàng trong nước được hoạt động minh bạch thông qua sàn giao dịch vàng thì các giao dịch “đi đêm, ngoài luồng” sẽ giảm xuống mức tối đa. Qua đó giúp người tiêu dùng tránh được những rủi ro không đáng có” - ông Bảng nhấn mạnh.

Mua bán vàng miếng không đúng sẽ bị phạt

Nghị định 88/2019 có hiệu lực từ ngày 31-12-2019 nêu rõ: Phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm: Mua bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng; sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán.

Phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng nếu mua bán vàng miếng với tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần; sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần.

Phạt tiền từ 30 triệu đến 50 triệu đồng nếu không niêm yết công khai giá mua, giá bán vàng miếng tại địa điểm giao dịch theo quy định của pháp luật; phạt tiền từ 80 triệu đến 100 triệu đồng nếu kinh doanh mua bán vàng miếng không đúng quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định; mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh không đúng quy định của pháp luật, trừ các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan… 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm