Minh bạch thông tin vay vốn

Trong bối cảnh lãi suất giảm dần, ngân hàng (NH) càng đòi hỏi doanh nghiệp (DN) cung cấp thông tin rõ ràng mới mở hầu bao.
 
Tường tận từ gốc đến ngọn
 
Giám đốc Công ty Cổ phần Ván rơm Cửu Long Nguyễn Minh Quyền cho biết công ty ông chưa triển khai xây dựng nhà máy sản xuất ván rơm (loại ván ép được sản xuất từ rơm) vì thiếu vốn. Theo ông Quyền, đồng bằng sông Cửu Long là vùng nguyên liệu vô tận phục vụ cho nhà máy sản xuất ván rơm, bởi mỗi năm nông dân thiêu đốt khoảng 5 triệu tấn gốc rơm, ảnh hưởng không tốt đến môi trường.
 
Để chứng minh ván rơm có độ dày 6-9 cm, đủ tính năng cách nhiệt, cách âm, chống thấm, tháo ráp dễ dàng... làm vật liệu xây dựng nhà ở, ông Quyền mang gốc rơm VN sang Cộng hòa Czech sản xuất mẫu sản phẩm theo quy trình công nghệ mà ông sẽ trang bị cho nhà máy ở VN, rồi yêu cầu phía Czech kiểm định, chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn châu Âu.
 
Về đầu ra của ván rơm, ông Quyền chứng minh UBND tỉnh Vĩnh Long đặt hàng cho 1.000 căn nhà diện chính sách, một công ty du lịch tại Huế đặt mua 1 triệu m², một đối tác của Mỹ cung cấp quy trình công nghệ cho Công ty Ván rơm Cửu Long cam kết bao tiêu sản phẩm trong vòng 5 năm...
 
Ngân hàng không bỏ qua
 
Trước thông tin trên, NH phát triển VN (VDB) chấp thuận cho ông Quyền vay dài hạn 70% tổng vốn đầu tư nhà máy ván rơm là 120 tỉ đồng. Tuy nhiên, bên vay phải chứng minh 30% vốn đối ứng, VDB mới giải ngân. “Tôi đã xoay xở bằng mọi cách nhưng vẫn còn thiếu 10 tỉ đồng vốn đối ứng. Nếu các nhà đầu tư hùn vốn để nhà máy ván rơm nhanh chóng khởi công thì tôi sẽ tính số vốn góp 10 tỉ đồng tương đương 20% cổ phần” - ông Quyền nói.
 
Mới đây, thông tin về dự án nhà máy ván rơm và quá trình vay vốn được ông Quyền trình bày tại hội thảo “Làm thế nào để tiếp cận vốn NH và quỹ tín dụng” do CLB Doanh nhân Đất Việt tổ chức, lập tức đại diện quỹ bảo lãnh tín dụng DN vừa và nhỏ TPHCM đề nghị ông Quyền cung cấp hồ sơ để quỹ xem xét hỗ trợ một phần vốn đối ứng. Điều này chứng tỏ tổ chức tín dụng không bỏ qua khách hàng tiềm năng.
 
Tuy nhiên, hiện nhiều DN đang than phiền không vay được tiền để nhập khẩu nguyên liệu dự trữ. Các NH cho biết kỳ hạn cho vay mua nguyên liệu thường là 6 – 9 tháng, trong khi đó giá hàng hóa tại thị trường châu Âu – Mỹ biến động khó lường, DN nhập khẩu nguyên liệu dự trữ có thể đối mặt với rủi ro, kéo theo rủi ro cho NH. Bài học chưa lâu: Giữa năm 2008, giá thép liên tục tăng, DN ồ ạt vay nhập khẩu thép để dự trữ. Nhưng, chỉ vài tháng sau giá thép đột ngột giảm từ 1.500 USD/tấn xuống 500- 600 USD/tấn, bên vay bỏ của chạy lấy người khiến NH “ôm sô”.

Theo Thy Thơ  (NLĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm