Luồng gió mới từ việc người Nhật bán xăng tại Việt Nam

Công ty Xăng dầu Idemitsu Q8 (IQ8) của Nhật Bản đã chính thức khai trương cửa hàng xăng dầu tại Hà Nội. Đây là doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài 100% đầu tiên mở cửa hàng xăng dầu tại Việt Nam.

Điều này tạo luồng gió mới cho thị trường xăng dầu Việt Nam.

Phục vụ tận tình, khách hàng bất ngờ

Ông Hiroaki Honjo, Tổng Giám đốc IQ8, cho biết công ty sẽ áp dụng hệ thống phần mềm quản lý tự động tại trạm xăng dầu, cho phép thanh toán bằng thẻ với nhiều tính năng ưu việt mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng. Hơn nữa, hệ thống quản lý số lượng nhiên liệu chính xác đến 0,01 lít và cung cấp báo cáo chi tiết các giao dịch cho khách hàng.

Bên cạnh đó, trạm xăng dầu còn được thiết kế hiện đại và lắp đặt những thiết bị tốt nhất đến từ Nhật Bản. Trạm xăng cũng cung cấp dịch vụ chuẩn Nhật qua đội ngũ nhân viên được đào tạo bài bản.

Ngày 11-10, PV Pháp Luật TP.HCM đã đến cây xăng Ghi Idemitsu Q8 nằm trong Khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội. Theo quan sát của chúng tôi, khách hàng ra vào tấp nập. Tấm bảng giá điện tử đã được DN đặt ngay từ ngoài đường vào trạm xăng dầu. Xăng A92 tại đây được bán với giá 17.990 đồng/lít, A95 giá 18.690 đồng/lít (rẻ hơn 200 đồng/lít so với nơi khác), xăng E5 giá 17.730 đồng/lít.

Tiếp đến, khi khách hàng vào đến cây xăng đã có nhân viên đứng ngoài cúi chào và hướng dẫn khách. Điều đặc biệt hơn là tại đây những chiếc ô tô khi vào đổ xăng sẽ được các nhân viên lau qua kính phía ngoài của xe, phục vụ tận tình, lịch sự. Thậm chí trong những ngày qua, có thời điểm ông Hiroaki Honjo, Tổng Giám đốc Công ty Xăng dầu IQ8, có mặt tại trạm xăng dầu này, cúi chào khách vào đổ xăng.

Chị Phạm Thùy Linh, nhân viên trạm xăng IQ8, chia sẻ để được tuyển vào làm nhân viên cây xăng này, chị phải trải qua 1,5 tháng đào tạo trong môi trường bài bản, chuyên nghiệp. “Điểm khác biệt lớn nhất giữa cây xăng Việt Nam và cây xăng Nhật Bản là cách phục vụ của nhân viên với khách hàng. Đó là phải phục vụ khách hàng tận tình, khiến cho khách hàng hài lòng. Ví dụ, khi khách hàng không mở nắp được bình xăng thì chúng em sẽ mở hộ cho khách” - chị Linh khẳng định.

Chị Lê Thị Hồng Vân, một công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long (Hà Nội), chia sẻ lần đầu đến đây đổ xăng, chị khá bất ngờ khi có nhân viên chào đón khá niềm nở khiến chị cảm thấy rất vui. “Khi đổ xong, ra về nhân viên cúi chào và nói cảm ơn, khiến tôi rất bất ngờ về thái độ thân thiện của họ. Giá xăng ở đây không chênh nhiều so với các địa điểm khác nhưng đổi lại nhận được sự phục vụ chu đáo, niềm nở của nhân viên. Tôi rất vui, rất mong các cây xăng Việt Nam đều làm được điều này” - chị Vân nói.

Lãnh đạo trạm xăng IQ8 cúi chào khách vào đổ xăng. Đây là hiện tượng hiếm thấy với cây xăng Việt Nam. Ảnh: TRUNG AN

Mỗi khi có khách hàng vào đổ xăng tại cây xăng Idemitsu Q8, nhân viên sẽ cúi đầu chào khách và nếu khách có nhu cầu sẽ lau chùi kính xe. Ảnh: TRUNG AN

Luồng gió mới

DN xăng lớn thứ hai của Nhật

IQ8 là liên doanh giữa Idemitsu Kosan Nhật Bản và Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait. Idemitsu Kosan hiện là DN lớn thứ hai trong ngành xăng dầu Nhật Bản (sau Nippon Oil). Tại Nhật Bản, có khoảng 3.700 trạm xăng mang thương hiệu Idemitsu.

Trong khi đó, Công ty Dầu khí quốc tế Kuwait (KPI) có hệ thống gần 4.800 trạm xăng dầu tại châu Âu. KPI cũng là một nhánh của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Kuwait.

Sau trạm xăng tại Hà Nội, DN sẽ lên kế hoạch mở rộng mạng lưới tại các tỉnh khu vực miền Bắc và miền Nam.

Là người am hiểu sâu về lĩnh vực xăng dầu, TS Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính, nhận định sự có mặt của Q8 trong lĩnh vực bán lẻ xăng dầu đã tạo ra luồng gió mới cho thị trường xăng dầu. Điều này cũng là cơ hội và thách thức cho chính IQ8 và các DN trong nước. Các DN trong nước sẽ cần có những thay đổi để thích ứng với những điều này. Từ đó tạo ra môi trường cạnh tranh tốt hơn, minh bạch hơn trong mua bán xăng dầu, buộc DN phải thay đổi để tạo niềm tin với người tiêu dùng.

“Yếu tố khiến Idemitsu Q8 thu hút khách hàng chính là chất lượng dịch vụ. Bởi người tiêu dùng Việt Nam thường lăn tăn ba điều: Số lượng cân đong, chất lượng không đảm bảo và cung cách phục vụ không văn minh. Họ đối mặt với nhiều trường hợp cây xăng bị gắn chip, pha trộn xăng kém chất lượng,… Tất cả yếu tố đó khiến người tiêu dùng mất niềm tin” - ông Long dẫn chứng.

Tuy vậy, ông Long cũng cho rằng trong môi trường xăng dầu Việt Nam hiện nay, Idemitsu Q8 sẽ gặp không ít khó khăn trong kinh doanh. Đó là thị trường xăng dầu Việt Nam đang có nhóm DN thống lĩnh thị trường nên Nhà nước phải quản lý giá cơ sở. Nhà nước đưa ra giá trần và DN có thể bán thấp hơn hoặc bằng giá trần. Tuy nhiên, thực tế cho thấy phần lớn các DN lớn thường nhìn nhau khi điều chỉnh giá, bán giá bằng nhau, tức không có cạnh tranh.

“Do vậy, Idemitsu Q8 mở cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam sẽ thách thức nhưng cũng là cơ hội cho người tiêu dùng và DN Việt. Chất lượng xăng dầu của họ chưa được kiểm chứng nhiều nhưng nói đến Nhật Bản là nói đến sự kỷ luật lao động, thái độ phục vụ văn minh, lịch sự, chất lượng đảm bảo” - ông Long nói.

Ngoài ra, ông Long cho biết một cản trở nữa đối với DN ngoại là theo các cam kết thương mại, Việt Nam không cho phép các DN nước ngoài mở cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam. Vì xăng dầu được xác định là yếu tố quyết định sống còn đối với một quốc gia.

Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, khi trao đổi với báo chí cũng khẳng định thị trường xăng dầu chưa cạnh tranh đúng theo bản chất kinh tế thị trường. Chỉ khi nào DN được quyết định giá bán lẻ xăng dầu thì mới tạo ra một cuộc cạnh tranh quyết liệt thực sự trên thị trường.

Tán đồng quan điểm này, nhiều ý kiến cho rằng hiện nay Nhà nước vẫn can thiệp sâu vào thị trường xăng dầu thông qua giá cơ sở để quyết định giá bán lẻ. Như vậy người tiêu dùng không được lợi, do đó Nhà nước cần phải bỏ giá cơ sở để DN toàn quyền quyết định giá bán của mình, nhất là trong bối cảnh có sự tham gia của DN đầu tư nước ngoài. Khi đó thị trường mới có cạnh tranh thực sự và người tiêu dùng mới không bị thua thiệt.

Đại gia Nhật bán xăng có đúng quy định?

Theo tìm hiểu của PV, Idemitsu Q8 hiện nắm giữ 35,1% vốn tại dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn Thanh Hóa. Theo quy định hiện nay, các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam không được quyền nhập khẩu, phân phối các loại thành phẩm xăng dầu. Việt Nam cũng không cam kết đa phương, song phương cho các DN nước ngoài bán lẻ xăng dầu ở Việt Nam.

Tuy nhiên, theo cam kết của Chính phủ Việt Nam với chủ đầu tư lọc dầu Nghi Sơn, DN Idemitsu Q8 sẽ được bán buôn, bán lẻ xăng dầu từ nguồn sản phẩm của dự án Lọc dầu Nghi Sơn. Đáng chú ý, hiện nay dự án Lọc dầu Nghi Sơn chưa có sản phẩm. Vậy xăng dầu của trạm xăng dầu Idemitsu Q8 có nguồn gốc từ đâu? Việc Idemitsu Q8 mở trạm xăng bán lẻ có đúng quy định Việt Nam không?

Trả lời Pháp Luật TP.HCM, đại diện Idemitsu Q8 cho biết số lượng xăng dầu được bán ra tăng từng ngày, khách hàng rất vui vẻ, thích thú với phong cách bán hàng của Idemitsu Q8 và họ cảm thấy được tôn trọng. Idemitsu Q8 tuân thủ quy định của Việt Nam và được Sở Công Thương Hà Nội cấp phép. Sản phẩm xăng dầu bán ra của Idemitsu Q8 được nhập từ Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil). Theo Nghị định 83/2014 về kinh doanh xăng dầu, Idemitsu Q8 bán lẻ xăng dầu dưới hình thức là đại lý của PV Oil.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội, khẳng định Sở Công Thương TP Hà Nội đã cấp phép hoạt động cho trạm xăng dầu Idemitsu Q8 và việc cấp phép này tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành.

Petrolimex tuyên bố sẵn sàng cạnh tranh

Liên quan đến Công ty Idemitsu Q8 (Nhật) vừa mở cửa hàng bán lẻ xăng dầu, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Petrolimex, cho biết: Việc chuẩn bị các điều kiện cho một thị trường kinh doanh xăng dầu cạnh tranh đã được Petrolimex chuẩn bị từ nhiều năm qua, không chỉ cho việc Idemitsu Q8 tham gia vào thị trường bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam mà với tất cả thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khác.

Theo đó, Petrolimex đã tập trung vào các công việc chủ yếu như đầu tư kho bể, công nghệ, cột bơm… đạt tiêu chuẩn hiện đại. Qua đó đảm bảo khả năng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xăng dầu của xã hội trong bất kỳ điều kiện nào. Đa dạng hóa các dịch vụ tại các cửa hàng xăng dầu như thanh toán bằng thẻ ATM và Flexicard khi mua xăng dầu, chuyển tiền nhanh, bảo hiểm, phương thức bán hàng tự phục vụ…

“Bên cạnh đó, tới đây một số cửa hàng có đủ điều kiện về mặt bằng, có nhu cầu khách hàng thì phát triển một trong các dịch vụ về rửa xe, ăn uống, trạm dừng nghỉ, cung cấp các sản phẩm tiêu dùng…” - ông Năm chia sẻ.

TÚ UYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm