Lọc dầu Dung Quất là bài học cho các dự án khác

Chiều 4/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng đã đọc bản bán cáo về việc kết thúc xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trước Quốc hội. Trước đó, bản báo cáo này đã được Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cùng thành viên Chính phủ, đại diện các bộ ngành bàn thảo và gọt giũa từng câu từ trước khi gửi tới các đại biểu.

Lọc dầu Dung Quất là bài học cho các dự án khác ảnh 1
Các bồn chứa xăng dầu tại Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.
Ảnh: Trí Tín.

Không khác nhiều so với các bản thảo trước, tại báo cáo này, Chính phủ tiếp tục khẳng định các kết quả đã đạt được trong 13 năm nỗ lực cố gắng để hoàn tất dự án. Tuy nhà máy bị chậm tiến độ 9 năm so với Nghị quyết 07 của Quốc hội khóa X, vẫn còn lỗi kỹ thuật... song thành công của dự án là không thể phủ nhận. Những tồn tại của nhà máy cần được coi là bài học kinh nghiệm để Việt Nam rút ra trong quá trình triển khai các dự án trọng điểm, quan trọng khác.

Theo báo cáo của Chính phủ, ngày 30/5/2010, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được bàn giao cho chủ đầu tư. Hiện nhà máy đang vận hành an toàn, ổn định với 100% công suất thiết kế, sản xuất ra các sản phẩm đạt chất lượng.

Tính đến cuối tháng 9/2010, Lọc dầu Dung Quất đã tiếp nhận 6,4 triệu tấn dầu thô, sản xuất được 5,5 triệu tấn sản phẩm đạt chất lượng, bán ra thị trường 5,3 triệu tấn; doanh thu (kể từ ngày nhận bàn giao nhà máy) đạt trên 25.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước khoảng 3.000 tỷ đồng.

Chính phủ đã kiến nghị Quốc hội xem xét công nhận kết thúc việc xây dựng công trình quan trọng quốc gia này. Trên cơ sở đó, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thành toàn bộ công tác quyết toán và vận hành công trình an toàn, hiệu quả.

Trong báo cáo thẩm tra của mình, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cũng đánh giá, sau 13 năm triển khai, thành công lớn nhất của dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là: “Hoàn thành cơ bản tất cả các gói thầu, hạng mục, đã được chạy thử, nghiệm thu, bàn giao và đưa vào vận hành thương mại ổn định ở 100% công suất thiết kế, cho ra sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn quy định của Việt Nam cũng như tiêu chuẩn quốc tế”.

Hiện tại, sản phẩm của nhà máy đã đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, phát huy hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên dầu thô của đất nước.

Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra cho rằng do nhà máy mới đưa vào vận hành thương mại được 6 tháng nên chưa đủ số liệu, thời gian để đánh giá đầy đủ và chính xác hiệu quả kinh tế của dự án. Nhìn tổng thể, việc xây dựng nhà máy đã có tác động tích cực đối với Khu kinh tế Dung Quất, trở thành hạt nhân của một trong những khu kinh tế năng động và là động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi.

Việc dự án bị chậm tiến độ 9 năm, báo cáo thẩm tra cho rằng nguyên nhân xuất phát từ việc Chính phủ chưa chỉ đạo các bộ ngành thực hiện một cách quyết liệt, phương án huy động tài chính gặp khó khăn và lựa chọn nhà thầu liên danh chưa thực sự chuẩn xác.

Mặt khác, dù nhà máy đã đưa vào hoạt động với 100% công suất nhưng vẫn còn một số tồn tại nhỏ về kỹ thuật, công tác di dân, tái định cư, bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn cần được quan tâm tiếp tục xử lý.

Tuy nhiên, những tồn tại này theo Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường là bài học kinh nghiệm để Việt Nam khắc phục trong các dự án trọng điểm tiếp theo.

Theo VNE

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm