Làm sao để thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn?

Trong nền kinh tế tuyến tính truyền thống, các nhà sản xuất khai thác tài nguyên thiên nhiên để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ. Sau đó, phế thải từ sản xuất và tiêu dùng bị đưa đi chôn lấp, thậm chí là thải ra môi trường tự nhiên.

Ngược lại, nền kinh tế tuần hoàn (KTTH) chính là một giải pháp thay thế bền vững cho mô hình nói trên. Trong nền kinh tế này, các nhà sản xuất chú trọng kéo dài thời hạn và tận dụng tối đa giá trị sử dụng của tài nguyên, sau đó quản lý và tái tạo những sản phẩm và tài nguyên này vào cuối vòng đời sử dụng.

Thực tế cho thấy Việt Nam đang phải đối mặt với lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn trong khi nguồn nguyên liệu thô, nguyên liệu hoá thạch ngày càng cạn kiệt. Do đó, việc áp dụng mô hình KTTH chính là công thức giúp nền kinh tế phát triển bền vững. Điều này cũng được các chuyên gia công nhận tại hội thảo “Mô hình kinh tế tuần hoàn với vai trò thúc đẩy tăng trưởng liên ngành hiệu quả” do Bộ TN&MT, Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) và Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững VN (VBCSD) phối hợp tổ chức.

Theo các chuyên gia tham dự hội thảo, KTTH đóng vai trò quan thúc đẩy tăng trưởng liên ngành hiệu quả

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI, cho biết dù khái niệm nền KTTH đã bắt đầu phổ biến ở VN nhưng việc ứng dụng mô hình vào thực tiễn vẫn còn hạn chế, đặc biệt đối với các doanh nghiệp (DN) vừa và nhỏ.

Ông Phạm Hoàng Hải, Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững VN, cũng nhìn nhận hiện nay việc tái chế, tái sử dụng rác thải chưa được đẩy mạnh. Nguyên nhân là do hệ thống pháp lý chưa khuyến khích tái chế, việc giám sát thực thi luật chưa chặt chẽ và chưa có sự đầu tư đúng mức với ngành công nghiệp tái chế. 

Đối với DN, các giải pháp ngắn hạn đều thất bại, không tạo được sự khác biệt và lượng nguyên liệu cho tái chế chỉ chiếm một phần rất nhỏ so với tổng sản phẩm đưa ra thị trường…

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng lưu ý để thúc đẩy nền KTTH cần thay đổi tư duy loại bỏ dần nền kinh tế tuyến tính, xem rác thải là nguồn nguyên liệu mới để sản xuất; học hỏi khả năng tái tạo và tuần hoàn của thiên nhiên; nhận thức mọi tài nguyên đều giới hạn để sản xuất dựa trên giới hạn đó… Ông Nguyễn Quang Vinh thông tin thêm, hiện nay VCCI đã xây dựng sáng kiến về thị trường nguồn nguyên vật liệu thứ cấp tại VN dựa trên nền tảng công nghệ thông tin. Thông qua đó các DN sẽ tham gia mạng lưới để chia sẻ thông tin, hướng đến các nguồn chất thải của ngành này sẽ là nguồn nguyên liệu của các ngành khác, từ đó từng bước xây dựng nền KTTH.

Để thực hiện hiệu quả mô hình KTTH, ông Matt Wilson, Giám đốc Ngoại vụ cấp cao Heineken Việt Nam, cho hay thay vì tìm ra sáng kiến mới, các DN có thể tham khảo và áp dụng một cách sáng tạo những bài học kinh nghiệm đã thành công trong việc áp dụng mô hình KTTH.

Hiện 4 trên 6 nhà máy bia của Heineken Việt Nam sử dụng nhiệt năng từ năng lượng tái tạo và nhiên liệu sinh khối, không phát thải cacbon

Đơn cử ở HEINEKEN Việt Nam, DN này đã tái sử dụng và tái chế 99% phế thải và phụ phẩm. Hiện 100% nước thải được xử lý đạt chuẩn an toàn loại A và trả về môi trường một cách an toàn, thậm chí tái sử dụng để tưới cây, vệ sinh, nuôi cá. Vỏ trấu, mùn cưa của người nông dân vốn chỉ được đốt bỏ cũng được tận dụng để làm nhiên liệu sinh khối phục vụ quy trình nấu bia của nhà máy. 

Theo ông Matt Wilson, bã hèm hiện được tái sử dụng thành thức ăn cho gia súc, bùn sau xử lý nước thải cũng được tái sử dụng làm phân bón. Khu vực đón khách tham quan tại nhà máy cũng được vận hành bằng 100% năng lượng mặt trời. Ngoài ra, DN này cũng đã thu gom nắp chai bia, tái chế thành sắt nguyên liệu, làm vật liệu xây cầu cho cộng đồng tại ĐBSCL. Đến nay, một cây cầu mới cho người dân đã được khánh thành tại Tiền Giang, tiếp theo là tại An Giang vào tháng 9 và tại TP.HCM vào đầu năm 2020. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm