Lãi suất tiền gửi tăng cao hiếm thấy

Cuộc đua huy động vốn đang rất nóng khi hàng loạt ngân hàng (NH) phát hành chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất có nơi lên tới 9,2%/năm.

Mức lãi suất này cao hơn 1%-2% so với lãi suất tiết kiệm thường cùng kỳ hạn. Đây được xem là kỷ lục mới sau nhiều năm lãi suất được duy trì ở mức khá thấp.

Cuộc chiến lãi suất kiểu mới

NH Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa phát hành chứng chỉ tiền gửi bằng Việt Nam đồng trên toàn hệ thống, dành cho cả khách hàng cá nhân và tổ chức.

Theo đó, khách hàng tham gia chứng chỉ tiền gửi với mệnh giá tối thiểu là 10 triệu đồng kỳ hạn năm năm + một ngày hoặc bảy năm sẽ nhận được những ưu đãi như lãi suất hấp dẫn 8,48%/năm cho kỳ hạn năm năm + một ngày; 8,88%/năm cho kỳ hạn bảy năm trong năm đầu tiên.

Không đứng ngoài cuộc, VPBank cũng vừa công bố biểu lãi suất chứng chỉ tiền gửi VND dành cho khách hàng cá nhân với các kỳ hạn 18, 24, 36 và 60 tháng. Trong đó, mức lãi suất cao nhất lên tới 9,2%/năm ở kỳ hạn 60 tháng, dành cho các khoản có giá trị từ 5 tỉ đồng trở lên.

Nhiều NH khác cũng liên tục tung ra các đợt phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao hiếm thấy trong nhiều năm trở lại đây. Đơn cử, VietABank tung gói lãi suất 8,2%/năm áp dụng ở các kỳ hạn ngắn cho khách hàng cá nhân. LienVietPostBank phát hành chứng chỉ tiền gửi với tổng trị giá lên tới 1.000 tỉ đồng, lãi suất đến 8,8%/năm.

Lý giải về cuộc đua phát hành chứng chỉ tiền gửi lãi suất khủng, lãnh đạo Sacombank cho biết kế hoạch phát hành chứng chỉ tiền gửi nhằm đáp ứng Thông tư 06/2016 của NH Nhà nước. Động thái này cũng theo đúng định hướng kinh doanh của NH trong việc cơ cấu nguồn vốn nhằm tăng cường nguồn vốn trung dài hạn. Nhiều NH khác cũng giải thích tương tự.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP.HCM, cho biết: Theo quy định tại Thông tư 06/2016, từ đầu năm 2017 tỉ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của các NH đã giảm xuống 50%. Do vậy việc phát hành chứng chỉ tiền gửi giúp các NH tăng vốn, đảm bảo các tỉ lệ an toàn trong hoạt động.

“Ngoài ra, hình thức huy động vốn qua chứng chỉ tiền gửi của các NH còn nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu vốn cho khách hàng mà họ đã cam kết tài trợ dài hạn từ trước” - ông Minh nói.

“Cuộc chiến” phát hành chứng chỉ tiền gửi đang làm nóng thị trường tiền tệ. Trong ảnh: Khách hàng đang tìm hiểu chứng chỉ tiền gửi tại một ngân hàng. Ảnh: TL

Gia tăng gánh nặng lên lãi suất cho vay

Theo ông Minh, việc tăng lãi suất huy động chứng chỉ tiền gửi trước mắt chưa ảnh hưởng đến lãi suất cho vay. Để phát hành chứng chỉ tiền gửi, các NH thương mại phải được sự chấp thuận của NH Nhà nước mới được phép thực hiện. Với những yếu tố có thể tác động đến tăng lãi suất cho vay hoặc ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế thì NH Nhà nước đã loại trừ.

Đại diện Sacombank cũng phân trần mức lãi suất áp dụng cho chứng chỉ tiền gửi không tạo áp lực lên lãi suất cho vay vì đây là nguồn trung dài hạn. Các mức lãi suất huy động tại NH luôn đảm bảo theo quy định của NH Nhà nước.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Minh Phong đánh giá việc tăng lãi suất huy động của chứng chỉ tiền gửi lên cao cũng gây bất lợi cho NH. Vì khi tăng huy động bằng lãi suất thì sẽ tạo ra tình trạng phải trả lãi nhiều hơn, do đó lãi thực có của NH sẽ giảm đi, lãi cho vay cũng sẽ tăng lên. Qua đó ảnh hưởng tới mục tiêu ổn định, tiến tới giảm lãi suất cho vay của NH Nhà nước.

Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận định cơ cấu vốn của NH chủ yếu là tiền gửi ngắn, nguồn vốn này chỉ phục vụ cho vay vốn lưu động, cho vay tiêu dùng cá nhân… Trong khi đó, hiện các NH gần như đã sử dụng gần hết hoặc vượt trần quy định vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, nhất là cho vay bất động sản rất nhiều. Từ đó các NH chọn cách phát hành chứng chỉ tiền gửi.

Theo ông Hiển, khách hàng khi mua chứng chỉ tiền gửi cần quan tâm đến ba yếu tố: Tính an toàn của tổ chức phát hành, lãi suất của từng kỳ hạn và tính thanh khoản để khi cần có thể bán hoặc tái thế chấp. “Tức là nên chọn mua chứng chỉ tiền gửi có mức lãi suất thấp một chút nhưng sự an toàn của tổ chức phát hành và tính thanh khoản của sản phẩm cao. Trong đó, tính thanh khoản là yếu tố vô cùng quan trọng để khi cần có thể tái thế chấp được hoặc bán lại được” - ông Hiển nhấn mạnh.

Các chuyên gia đều thống nhất cho rằng cuộc đua tăng lãi suất chứng chỉ tiền gửi đang nở rộ sẽ đẩy lãi suất vay tăng trong thời gian tới, gây ảnh hưởng bất lợi cho người vay tiền.

Cần cân nhắc kỹ

Chứng chỉ tiền gửi tương tự như tiền gửi tiết kiệm. Trên thế giới, việc các NH phát hành chứng chỉ tiền gửi đã phát triển từ rất lâu nhưng ở Việt Nam đây vẫn là sản phẩm đầu tư tài chính khá mới mẻ đối với khách hàng cá nhân.

Các chuyên gia có chung đánh giá điểm hấp dẫn của chứng chỉ tiền gửi là người tham gia sẽ được hưởng lãi suất tốt hơn so với lãi suất tiết kiệm thông thường. Thời hạn càng dài, lãi suất chứng chỉ tiền gửi được áp dụng sẽ càng cao.

Tuy nhiên, người mua chứng chỉ tiền gửi cần cân nhắc trước khi tham gia. Lý do: Nếu rút tiền trước thời gian đáo hạn của chứng chỉ tiền gửi, mức lãi suất được hưởng sẽ thấp hơn nhiều so với gửi thông thường. Bên cạnh đó, lãi suất cao cũng chỉ được áp dụng với hình thức lãnh lãi cuối kỳ, còn hình thức lãnh lãi hằng tháng hoặc hằng quý, lãi suất áp dụng hầu hết thấp hơn lãi suất tiết kiệm thường cùng kỳ hạn.

Thay vì thể hiện bản chất chứng chỉ tiền gửi là khoản tiền lớn thì hiện nay một số NH cho phép người gửi tiền mua chứng chỉ với mệnh giá chỉ từ 1 triệu đồng và bội số của 100.000 đồng. Không chỉ thế, khách hàng muốn mua bao nhiêu cũng được.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bất ngờ giá bưởi Tết 2023

Bất ngờ giá bưởi Tết 2023

(PLO)- Sản lượng bưởi cho mùa tết tại các nhà vườn còn ít khiến giá bưởi được dự đoán sẽ tăng cao trong mùa Tết 2023.