LUẬT BẢO VỆ QUYỀN LỢI NGƯỜI TIÊU DÙNG CÓ HIỆU LỰC:

Kỳ vọng vào 'tấm lá chắn'

Cùng với đó, NTD hãy gọi số 04.1081 bất cứ khi nào bị xâm phạm quyền lợi, đây là cơ quan được chỉ định của thành phố nên sẽ kịp thời can thiệp, hướng dẫn và giải quyết một cách nhanh nhất có thể.

Tuy nhiên, điều đáng nói ở chính là chính NTD vẫn và đang thờ ơ với quyền lợi của mình khi họ đang từng ngày, từng giờ bị các sản phẩm nhái xâm phạm.

Kỳ vọng vào 'tấm lá chắn' ảnh 1
Mỹ phẩm giả được bày bán tràn lan
Một trong những lĩnh vực NTD đang thờ ơ nhất, đó là mỹ phẩm nhái gây hậu quả nặng nề. Theo ghi nhận của chúng tôi tại Viện Da liễu Trung ương, ở khoa khám bệnh, rất nhiều người đến khám có triệu chứng nhẹ thì viêm da tiếp xúc, trứng cá, sạm da, nặng thì lở loét, sưng tấy, gây tổn thương viêm da nhiễm khuẩn, xuất hiện sẹo… Chị Mai Thị Lan, một nhân viên kế toán được chẩn đoán bệnh trứng cá bọc cho biết: “Tháng trước có mua một sữa rửa mặt hazeline trên phố Chùa Bộc, về sử dụng được mấy ngày ban đầu mẩn ngứa, rồi mụn đỏ mọc đầy mặt, sưng tấy khắp trán, da mặt và cổ. Khi kiểm tra lại nghĩ mua phải tuýp sữa rửa mặt nhái nên mình vứt đi luôn”.

Người tiêu dùng có quyền được thông tin về mỹ phẩm, có quyền khiếu nại, tố cáo và yêu cầu đơn vị kinh doanh mỹ phẩm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật do sử dụng mỹ phẩm sản xuất lưu thông không đảm bảo chất lượng, không an toàn - Thông tư 06 của Bộ Y Tế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Một vài bệnh nhân khác chia sẻ, khi mua mỹ phẩm họ cũng không biết phân biệt thật giả nên thường mua ở quán quen, chỉ để ý date và tem chống hàng giả ở mỗi sản phẩm. Họ cũng không biết về thông tư quản lý mỹ phẩm bảo vệ người tiêu dùng, khi mua phải sản phẩm kém chất lượng thường vứt bỏ chứ cũng không nghĩ đến kiện hay khiếu nại cho mệt. Khảo sát trên nhiều tuyến phố được xem là chuyên bán mỹ phẩm như Hàng Ngang, Hàng Đào, Nguyễn Lương Bằng, Chùa Bộc, Cầu Giấy không khó để tìm thấy một shop mỹ phẩm nhập ngoại sale 20 - 50% giá sản phẩm. Trong đó, hầu hết là các sản phẩm đều mang thương hiệu nổi tiếng. Tại một cửa hàng trưng biển “siêu mỹ phẩm, nước hoa USA, France nổi tiếng thế giới” tại Cầu Giấy, phong phú các mặt hàng từ son, kem chống nắng, kem dưỡng da, gel dưỡng thể, gel tẩy tế bào chết, sữa rửa mặt, nước hoa đến sơn móng tay…đều mang thương hiệu Lancome, Dior, Olay, Chanel, Shiseido, L’Oreal… Khi chúng tôi tìm hỏi về sản phẩm kem chống nắng mùa hè, chủ quán trẻ tuổi nhanh nhẹn đưa ra năm sản phẩm để lựa chọn, mỗi sản phẩm đều có giá thấp nhất là 280 nghìn đến 700 nghìn. Với những sản phẩm đều được giới thiệu là của Mỹ, Pháp, Italy…tuy nhiên với kem chống nắng Olay 600ml không hề thấy mã vạch, cũng như xuất xứ sản phẩm nhưng lại dán tem chống hàng giả của HTC - một nhà phân phối của hãng - theo lời nhân viên bán hàng giải thích. Khi chúng tôi thắc mắc hỏi sản phẩm sao không rõ xuất xứ của nước nào thì người chủ quán ậm ừ “olay thường của Thái mà”.
Kỳ vọng vào 'tấm lá chắn' ảnh 2
Mỹ phẩm không rõ nguồn gốc tràn lan trên mạng.
Kèm với mỗi sản phẩm ngoài giá tiền được giảm 50% khách hàng cũng có nhiều lựa chọn khác. Chủ quán nhanh nhẹn giới thiệu: “Nếu mua kem chống nắng của Lancome giá 580 nghìn, sẽ được giảm 50% còn 260 nghìn hoặc sẽ được cửa hàng tặng thêm 2 sản phẩm do khách hàng chọn có thể là son đánh lòng môi giá 230 nghìn và một lọ dưỡng môi 200 nghìn”. Ngoài ra, chủ quán còn hứa đảm bảo hàng nước ngoài “xịn” chính hãng có phiếu bảo hành cho khách hàng. Tại một số địa điểm khác như chợ Phùng Khoang (Thanh Xuân), chợ Nhà Xanh, chợ đêm sinh viên (Dịch Vọng), nơi tập trung nhiều trường đại học và khách hàng hầu hết là sinh viên, các sản phẩm mỹ phẩm được bày bán tràn lan với giá “bèo” như mascara lancome giá 60 nghìn, son nivea 40 nghìn/ tuýp, kẻ mắt camelo 25 nghìn/ cây, nhũ mắt 15- 20 nghìn/ hộp nhỏ /to, sơn móng tay 2.500 đến 10.000 nghìn/ lọ, ngoài ra còn có kem trị nám, trị mụn trứng cá…các sản phẩm đều là tiếng nước ngoài. Sản phẩm nivea 40 nghìn/ tuýp có tiếng Việt nhưng dán đè hai lớp tem, đề điều kiện bảo quản, hạn sử dụng 30 tháng kể từ NSX (in trên bao bì). Tuy nhiên cầm sản phẩm chúng tôi nhìn mãi không thấy ngày sản xuất. Trao đổi với chúng tôi, TS Trần Văn Tiến- Phó giám đốc bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết: “Bệnh viện thường xuyên tiếp nhận và chữa trị cho các ca tai biến do sử dụng mỹ phẩm không rõ xuất xứ, không ít bệnh nhận khi bị viêm nhiễm, sưng tấy, nhiễm trùng nặng mới đi khám nên phải điều trị rất lâu”. Ông Tiến nói thêm: “Người tiêu dùng nên sử dụng sản phẩm có thương hiệu, cần xem nhãn mác trước khi mua, đặc biệt trước khi sử dụng nên thử sản phẩm vào cánh tay trong khoảng 2 đến 3 ngày xem có phù hợp với sản phẩm không. Và nên tuyệt đối tránh sử dụng các loại kem trộn tự chế bán trôi nổi trên thị trường”. “Các nhà khoa học khuyến cáo mỹ phẩm chỉ có tác dụng hỗ trợ chứ không quyết định 100% cho làn da đẹp” - ông Tiến nhấn mạnh .
8 QUYỀN CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG
(Được qui định ở Điều 8 - Luật BV QLNTD)

1.Được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hoá, dịch vụ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ cung cấp.

2. Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá; được cung cấp hoá đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng.

3. Lựa chọn hàng hoá, dịch vụ, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hoá, dịch vụ theo nhu cầu, điều kiện thực tế của mình; quyết định tham gia hoặc không tham gia giao dịch và các nội dung thoả thuận khi tham gia giao dịch với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

4. Góp ý kiến với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ về giá cả, chất lượng hàng hoá, dịch vụ, phong cách phục vụ, phương thức giao dịch và các nội dung khác liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

5. Tham gia xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

6. Yêu cầu bồi thường thiệt hại khi hàng hoá, dịch vụ không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng, số lượng, tính năng, công dụng, giá cả hoặc nội dung khác mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đã công bố, niêm yết, quảng cáo hoặc cam kết.

7. Khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
8.  Được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ.

Theo Theo K.Bang ( VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm