Kiểm tra an toàn thực phẩm mà không có máy móc

Ngày 20-9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã làm việc với Bộ Y tế liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu.

Một bộ hồ sơ 5-10 triệu

Ngay trong phần phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã nhận định: “Chi phí chính thức, không chính thức của các doanh nghiệp (DN) hiện rất lớn, trong đó có việc chi phí liên quan đến kiểm tra chuyên ngành. Riêng năm 2016, DN đã phải tốn 30 triệu ngày công và 14.300 tỉ đồng cho kiểm tra chuyên ngành”.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, đề cập đến Nghị định 38/2012 vốn đang gây nhiều khó khăn cho DN và cho hay: “Rất nhiều DN phản ánh tình trạng đăng ký cơ chế một cửa qua Internet mất 40-45 ngày. Thậm chí không nhận được trả lời nên họ phải mất tiền làm qua dịch vụ, chỉ mất 5-10 ngày nhưng một bộ hồ sơ tốn đến 5-10 triệu đồng”.

Mặt khác, bà Minh cho biết một số DN nhập khẩu những sản phẩm có thương hiệu và chứng nhận quốc tế nổi tiếng nhưng vẫn phải kiểm tra chứng nhận hợp quy từ Bộ Y tế. “Đã hội nhập sao phải làm việc đó? Có sản phẩm có chứng nhận hữu cơ rồi mà Bộ Y tế vẫn đòi kiểm tra kim loại nặng” - bà Minh nói.

Theo bà Minh, mỗi khi sản phẩm thay đổi một chi tiết nhỏ cũng phải lập một bộ hồ sơ khác. Điều đó đang gây lãng phí nguồn lực và khó khăn cho DN.

Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung đánh giá rằng vấn đề an toàn thực phẩm bị các DN phàn nàn nhiều nhất, phản ánh nhiều nơi, nói và kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết.

“Một thủ tục hành chính nhưng có hơn 10 thủ tục con, nhiều thủ tục cháu” - ông Cung nhận định và đề nghị phải rút ngắn những thủ tục con, cháu để tránh sự tùy tiện, rút ngắn thời gian cho DN vì nếu quy định không rõ ràng thì càng xuống dưới càng tùy tiện.

Kinh nghiệm hơn 30 năm trong lĩnh vực cải cách thủ tục hành chính, tôi biết rằng chỉ một dấu phẩy, một chữ viết hoa sai cũng phải sửa cả bộ hồ sơ, làm khổ người kinh doanh” - ông Cung nói.

Đừng nói một đằng làm một nẻo

“Chúng ta nói về việc đảm bảo sức khỏe cho nhân dân nhưng chủ yếu chúng ta kiểm tra hồ sơ, bằng cảm quan, hoàn toàn không có xét nghiệm sản phẩm”. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhận xét hết sức thẳng thắn về việc kiểm tra chuyên ngành và cho biết: Trước khi xuống làm việc với Bộ Y tế, Thủ tướng có dặn rằng Bộ Y tế phải xem xét lại vấn đề kiểm tra chuyên ngành của Bộ để tạo thuận lợi cho DN, bãi bỏ những thủ tục kiểm tra, những giấy phép con vô lý.

 “Trong số 30 triệu ngày công và 14.300 tỉ mà DN phải tốn kém cho kiểm tra chuyên ngành thì riêng năm nội dung kiểm tra của Bộ Y tế đã tốn 28 triệu ngày công và 12.208 tỉ đồng” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dẫn chứng.

Bộ trưởng Dũng nhận xét: Liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm chúng ta nói rằng vì sức khỏe nhân dân. Nhưng dường như chúng ta nói một đằng làm một nẻo. Không kiểm tra mẫu sản phẩm mà chỉ yêu cầu DN mang hồ sơ lên Núi Trúc (trụ sở của Cục An toàn thực phẩm tại Hà Nội - PV). Chúng tôi có đủ cơ sở để chứng minh” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khá gay gắt.

Kể lại cuộc kiểm tra của tổ công tác tại Hải Phòng ngày 19-9, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay khi vào cơ sở kiểm tra của Bộ NN&PTNT tại đây thì thấy có máy móc, thiết bị kiểm tra. Khi vào cơ sở kiểm tra an toàn thực phẩm của Bộ Y tế thì hoàn toàn không có máy móc, thiết bị kiểm tra.

“Đều xếp hàng như chỗ Núi Trúc hết” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói và khẳng định lại việc kiểm tra chỉ là qua hồ sơ, hoàn toàn không có xét nghiệm sản phẩm. Nhưng mỗi hồ sơ DN phải tốn 1.150.000 đồng. “Chúng ta đánh giá xem có cần thiết như vậy không. Đề nghị Bộ Y tế không bao biện, mà ngược lại cần phải minh bạch” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.

Sẽ thực hiện triệt để

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Nguyễn Thanh Phong cho rằng: Bộ Y tế đã có rất nhiều cải tiến trong thủ tục kiểm tra chuyên ngành. “Chẳng hạn một DN ba lần kiểm tra được chấp nhận thì miễn kiểm tra luôn. Nếu thực hiện thế này thì số lượng hàng hóa phải kiểm tra sẽ giảm tới hơn 90%. Tới đây việc phân cấp về kiểm tra chuyên ngành sẽ được Bộ Y tế thực hiện triệt để” - ông Phong nói.

Thủ tục nào bỏ được sẽ bỏ ngay

Sau khi Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đọc báo cáo chung của Bộ Y tế về những vấn đề được đặt ra, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng có những nhận xét thẳng thắn. Ông khẳng định rằng tất cả vấn đề về kiểm tra chuyên ngành, tổ công tác đã lắng nghe đầy đủ và có cả chứng cứ về những phiền hà mà DN gặp phải. “Nếu căn cứ vào báo cáo của Bộ Y tế thì tới đây chúng tôi báo cáo Chính phủ thì chúng tôi chả biết báo cáo gì, vì tốt hết rồi. Cứ bao biện như thế này thì chúng tôi chả cần nghe nữa, chả cần kiểm tra gì nữa!”.

Cũng theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, tất cả vấn đề cần phải thẳng thắn, không nên quanh co. “Nếu Bộ Y tế làm được thì nói là làm được, còn nếu không làm được thì nói để chúng tôi báo cáo Thủ tướng quyết định”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trong phần phát biểu sau đó cũng đồng ý với nhiều nhận định của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng. Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, những thủ tục nào, giấy phép nào có thể bỏ thì Bộ Y tế sẽ bỏ ngay. Những thủ tục, giấy phép nào thực sự cần thiết để đảm bảo sức khỏe của người dân thì sẽ tiếp tục bàn thảo.

Ban hành văn bản trái chỉ đạo của Thủ tướng

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhắc nhở và đề nghị Bộ Y tế nghiêm túc kiểm điểm việc ban hành văn bản hành chính không đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Cụ thể, sau nhiều cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kết luận không quy định yêu cầu DN phải sử dụng muối iốt trong chế biến thực phẩm mà chỉ yêu cầu các DN sản xuất muối phải bổ sung iốt. Tuy nhiên, vụ trưởng Vụ Pháp chế thừa lệnh bộ trưởng ký một công văn hoàn toàn trái ý kiến kết luận.

Trước đó, Bộ Y tế đã ra Văn bản số 1216/2017 nêu rõ: “Các DN sử dụng muối trong chế biến thực phẩm để tiêu dùng trong nước có sử dụng muối đều phải sử dụng muối có tăng cường iốt”.

Kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết sẽ tiếp thu ý kiến về sử dụng muối iốt theo đúng tinh thần chỉ đạo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm