Không để “chảy máu” doanh thu hàng không nội địa

Sẽ tiếp tục bất đồng quan điểm về thương hiệu?

Hơn hai năm trước, Công ty cổ phần hàng không Pacific Airlines ký hợp đồng hợp tác với hãng hàng không giá rẻ Jetstar Airways (Úc) sau đó đổi tên thành Jetstar Pacific, sử dụng thương hiệu và mạng bán vé... của Jetstar đã gây hiểu nhầm Jetstar Airways có quyền kinh doanh trong thị trường hàng không nội địa Việt Nam.

Câu chuyện về thương hiệu của Jetstar chưa kết thúc thì mới đây, hãng hàng không (HHK) tư nhân thứ hai của Việt Nam là Vietjet Air lại vừa bán 30% cổ phần cho HHK giá rẻ hàng đầu châu Á là Air Asia và cho biết sẽ tiếp tục hợp tác trên nhiều mặt với chính cổ đông này.

Phát biểu với báo chí tại Hà Nội, Tony Fernandes, Tổng giám đốc Air Asia cho biết, những chuyến bay của Vietjet Air Asia sẽ cất cánh trong tháng 8 tới. Như vậy, nhiều khả năng Air Asia sẽ đi lại bước đi của Jetstar khi tiếp cận thị trường nội địa Việt Nam thông qua các thỏa thuận, hợp tác kinh doanh và chỉ tránh việc sử dụng đơn thuần logo của Air Asia như Jetstar đã bị cấm mà thôi.

Liên quan tới việc sử dụng thương hiệu, Công văn số 1064 của Cục Hàng không ghi rõ HHK Việt Nam không được sử dụng, tiếp thị, quảng cáo, thể hiện biểu tượng, thương hiệu, nhãn hiệu của HHK nước ngoài cho dịch vụ vận chuyển của mình. (Việc sử dụng các yếu tố này như một bộ phận độc lập trong biểu tượng của HHKViệt Nam cũng không được phép - NV). Theo Cục Hàng không, biểu hiện thương hiệu, nhãn hiệu gây nhầm lẫn về nhà cung cấp dịch vụ cũng không được sử dụng.

Được biết, chiều 9/4, Cục Hàng không Việt Nam đã có công văn yêu cầu Jetstar Pacific khẩn trương báo cáo việc đổi thương hiệu, logo, báo cáo phương thức quản lý doanh thu qua mạng. Hiện nay, Jetstar Pacific vẫn chưa được cấp lại quyền bảo dưỡng máy bay hạng A Check nên vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong bố trí máy bay khai thác.

Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho biết, trong khi Jetstar tiếp tục kiện toàn công tác bảo dưỡng, đổi logo... theo yêu cầu của nhà chức trách hãng sẽ không được cấp quyền khai thác trên các đường bay mới.

Nước ngoài không được kiểm soát doanh thu thông qua trang web bán vé chung

Một trong những nội dung quan trọng được Cục Hàng không thông báo trong Công văn 1064 là HHK nước ngoài không được kiểm soát trực tiếp kế hoạch sản xuất kinh doanh, doanh thu, lợi nhuận của HHK Việt Nam, không được quản lý hoặc kiểm soát doanh thu thông qua việc sử dụng trang web bán vé chung.

Quy định này theo phân tích của một chuyên gia kinh tế là hợp lý vì sẽ tránh được thất thoát nguồn thu hợp pháp của HHK trong nước dựa trên thương quyền mà họ có được tại Việt Nam. Hiện nay, các HHK giá rẻ trong một tập đoàn thường bán hàng chung qua một trang web, việc này chỉ hợp lý khi HHK trong nước chứng minh được họ có một tài khoản riêng và tiền bán vé qua mạng chung được trả vào tài khoản riêng này chứ không phải qua kiểm soát của bất kỳ một HHK nào khác.

Thiếu chặt chẽ trong quy định này sẽ dẫn đến tình trạng “chảy máu” doanh thu, thậm chí khó có thể biết được việc lỗ thật hay lỗ giả tại các HHK có đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, áp dụng quy định này chắn chắn sẽ gây khó khăn cho các HHK Việt Nam muốn theo đuổi mô hình hàng không giá rẻ. Đại diện một HHK trong nước đã từng phát biểu nếu áp đúng các quy định của Cục Hàng không thì các thỏa thuận hợp tác với nước ngoài trong lĩnh vực hàng không sẽ rất khó thành công. Thực tế, tại nhiều nước có hoạt động hàng không sôi động và phát triển, các biện pháp quản lý của nhà chức trách cũng không giống nhau và Việt Nam cần tham khảo thêm về cách quản lý của nước ngoài.

Quan điểm của Cục Hàng không về vấn đề này, theo ông Lại Xuân Thanh là Luật Hàng không, các Nghị định và Thông tư hướng dẫn đã quy định rõ về quyền vận chuyển hàng không, bán, tiếp thị sản phẩm hàng không, đảm bảo tỷ lệ vốn điều lệ và quyền kiểm soát hữu hiệu của phía Việt Nam khi có vốn đầu tư nước ngoài. Chúng tôi chỉ làm rõ để các HHK thực hiện, tránh việc đã thoả thuận với đối tác nước ngoài sau đó vướng quy định phải đàm phán lại gây thiệt hại cho cả HHK trong nước và nhà đầu tư.

Theo Nam Anh (báo GTVT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm