Hủy ngay văn bản làm khó người kinh doanh

Tại cuộc làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế ngày 20-9 về cắt giảm thủ tục kiểm tra chuyên ngành, vấn đề muối iốt dùng trong chế biến thực phẩm lại được nêu ra.

“Ban hành văn bản trái chỉ đạo”

Đây là một trong sáu vấn đề mà Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng phải đề cập khi làm việc với Bộ Y tế. Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, việc cục trưởng Cục Pháp chế, Bộ Y tế thừa lệnh bộ trưởng ký Công văn 1216 về vấn đề sử dụng muối iốt là không đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

Cụ thể, vấn đề sử dụng muối iốt trong chế biến thực phẩm được quy định tại Nghị định 09/2016 đã được doanh nghiệp (DN) kiến nghị nhiều. Sau nhiều cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kết luận không quy định yêu cầu DN phải sử dụng muối iốt trong chế biến thực phẩm mà chỉ yêu cầu các DN sản xuất muối phải bổ sung iốt.

“Vụ trưởng có ký được không? Tôi nghĩ là không. Việc này phải bằng nghị định, thông tư hay bằng công văn thông thường? Tôi nghĩ phải là văn bản quy phạm pháp luật mới được áp dụng. Chúng tôi nêu lên để xem đánh giá, bình luận thế nào. Đôi khi chúng ta rất coi nhẹ việc này, tạo ra trói buộc, tạo giấy phép con mà không hình dung đã tạo ra bao nhiêu kìm hãm cho phát triển” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng bày tỏ quan điểm.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), cũng nêu thực tế trong chế biến thủy sản xuất khẩu, có nhiều sản phẩm nếu dùng muối iốt sẽ ảnh hưởng đến mùi, vị. Bởi thế DN gặp nhiều khó khăn khi chế biến thủy sản.

 “Nhiều sản phẩm khi đăng ký thì bị vướng quy định này, từ nước mắm tới các sản phẩm truyền thống” - ông Nam nói.

Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, cũng nhận xét rằng vấn đề sử dụng muối iốt trong chế biến thực phẩm đang làm khó DN. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhiều lần chủ trì giải quyết kiến nghị của DN về vấn đề này và đã có kết luận rõ ràng.

“Bộ Y tế phải nghiêm túc thực hiện kết luận này. Nước mắm truyền thống là cá và muối, làm gì có iốt. Nhiều DN phản ánh là không có iốt trong sản phẩm thì cơ quan an toàn thực phẩm địa phương không chấp nhận” - bà Minh cho hay.

Các DN sản xuất, kinh doanh nước mắm đang đau đầu với quy định phải có muối iốt. Ảnh: QUANG HUY

Bộ Y tế nói gì?

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, khẳng định: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã kết luận là chỉ kiểm tra các cơ sở sản xuất muối, còn không kiểm tra DN sử dụng muối. Nhưng vụ trưởng Vụ Pháp chế thừa lệnh bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Công văn 1216 yêu cầu tất cả thực phẩm đều phải sử dụng muối iốt và tất cả thực phẩm này đều phải kiểm tra.

“Văn bản này vừa trái hoàn toàn ý kiến của Thủ tướng, vừa không đúng thẩm quyền. Tự Vụ Pháp chế sinh ra văn bản này. Đề nghị bộ trưởng Bộ Y tế ra công văn hủy ngay Công văn 1216” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Sáng 21-9, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, nói: “Tại buổi làm việc ngày 20-9, do còn nhiều vấn đề mà tổ công tác đề cập nên tôi không được sắp xếp thời gian để giải trình (về vụ ban hành Công văn 1216 không đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng - PV)”.

Việc bắt buộc sử dụng muối iốt vào quá trình chế biến nước mắm truyền thống ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản phẩm. Cụ thể, nó khiến thời hạn sử dụng của nước mắm truyền thống ngắn lại, chưa kể nó làm thay đổi mùi vị, màu sắc… nước mắm.

Ông NGUYỄN QUỐC HÙNGPhó Giám đốc Công ty Nước mắm Hạnh Phúc

 

Ông Quang cũng giải thích: Nghị định 09/2016 về tăng cường vi chất dinh dưỡng, trong đó có đề cập đến vấn đề tăng cường iốt trong muối dùng chế biến thực phẩm và lộ trình thực hiện là sau một năm, kể từ ngày 15-3-2016. Nội dung của nghị định về vấn đề này quy định: “Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường iốt”.

“Ngày 14-3-2017, sau khi có ý kiến bằng văn bản của nhiều công ty thực phẩm về việc thực hiện quy định này, thừa lệnh bộ trưởng Bộ Y tế, Cục Pháp chế đã ra Văn bản 1216 về việc trả lời ý kiến của DN trong triển khai điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 09/2016” - ông Quang cho biết.

Cụ thể tại Văn bản 1216 của Bộ Y tế trả lời các DN nêu rõ các DN sản xuất, kinh doanh muối để ăn trực tiếp và muối dùng trong chế biến thực phẩm (trừ cá nhân làm nghề sản xuất muối thủ công theo quy định) phải tăng cường iốt vào muối trước khi đưa ra tiêu thụ trên thị trường.

Ông Quang cũng cho hay văn bản này khẳng định các DN sản xuất thực phẩm để tiêu dùng trong nước có sử dụng muối đều phải sử dụng muối tăng cường iốt trong chế biến thực phẩm theo quy định tại Nghị định 09/2016.

Trong khi đó, đề cập đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cam kết sẽ cho rà soát và tiếp thu ý kiến về sử dụng muối iốt theo đúng tinh thần chỉ đạo. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết đây là vấn đề liên quan đến chương trình quốc gia và có cả cam kết với UNICEF, cơ quan của Liên Hiệp Quốc.

Văn bản 1216 gây khó khăn cho DN

Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) mới đây đã thay mặt các hiệp hội sữa, chè, thủy sản… tiếp tục gửi kiến nghị lên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về một số vấn đề liên quan đến Nghị định 38/2012 và sử dụng muối iốt.

Kiến nghị trên cho rằng theo Nghị định 09/2016 của Chính phủ quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm chỉ yêu cầu bắt buộc bổ sung iốt vào muối ăn trực tiếp và muối sử dụng trong chế biến thực phẩm và kiểm soát việc bổ sung iốt tại các cơ sở sản xuất muối sử dụng cho hai mục đích trên. Nghị định này không yêu cầu phải sử dụng muối có chứa iốt tại các nhà máy chế biến thực phẩm cũng như không yêu cầu kiểm soát hàm lượng iốt trong thành phẩm thực phẩm.

Tuy nhiên, Bộ Y tế lại ra Văn bản 1216/2017 khẳng định rằng: “Các DN sử dụng muối trong chế biến thực phẩm để tiêu dùng trong nước có sử dụng muối đều phải sử dụng muối có tăng cường iốt”. Như vậy nội dung hướng dẫn kể trên của Bộ Y tế hoàn toàn chưa đúng với tinh thần của Nghị định 09 cũng như kết luận tại cuộc đối thoại về nghị định này do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì trong ngày 13-3-2017.

“Cho đến nay văn bản nói trên của Bộ Y tế vẫn đang gây khó khăn cho DN chế biến thủy sản, làm tăng chi phí sản xuất, tác động bất lợi đến sản xuất, kinh doanh của DN” - VASEP cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm