Hà Nội chi 500 tỷ đồng bình ổn thị trường

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quyết định 2386/QĐ-UBND, phê duyệt phương án bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu. Theo phương án được thông qua, Thành phố sẽ tạm ứng 400 tỷ đồng (tương đương 11% tổng mức tiêu thụ hằng tháng của 9 mặt hàng thiết yếu) cho các doanh nghiệp được lựa chọn để mua dự trữ, phục vụ bình ổn giá.

Số vốn tạm ứng có lãi suất 0% này cùng với lượng dự trữ chủ động của các doanh nghiệp, dự kiến, có thể đáp ứng được trên 15% tổng mức tiêu thụ của thành phố. Ngoài ra, Liên Sở Công Thương - Tài chính cũng sẽ thống nhất dành thêm 100 tỷ đồng nhằm dự trữ hàng phục vụ cứu trợ khi có thiên tai, bão lụt, úng ngập…

Thời gian chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường, theo phương án của Ủy ban Nhân dân Thành phố là 10 tháng (bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào quý I/2011). Thời gian hoàn trả vốn tạm ứng sẽ được xác định cụ thể, riêng biệt theo từng đợt giải ngân.

Các doanh nghiệp được lựa chọn để ứng vốn, theo tiêu chí của Ủy ban Nhân dân Thành phố, phải có quy mô kinh doanh lớn, hoạt động hiệu quả, xây dựng được phương án dự trữ, bình ổn thị trường… Các doanh nghiệp này phải đảm bảo chất lượng mặt hàng dự trữ và giá thấp hơn giá thị trường tối thiểu 10% khi có biến động bất thường về giá, công khai thông tin tại nơi bán và trên các phương tiện thông tin.

Đây không phải lần đầu tiên lãnh đạo thành phố Hà Nội ra quyết định ứng vốn cho doanh nghiệp nhằm bình ổn thị trường. Trong dịp Tết Canh Dần 2010, Hà Nội cũng đã tạm ứng 250 tỷ đồng với với suất 0% (thời hạn 6 tháng) cho ngành thương nghiệp để đảm bảo cung ứng hàng hóa trong Tết. Theo ước tính của Ủy ban Nhân dân Thành phố, nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu tại Hà Nội hiện tương đương khoảng 5.000 tỷ đồng một tháng.

Số lượng hàng hóa tham gia bình ổn giá
(Đơn giá bình quân tham khảo của Tổng công ty Thương mại Hà Nội)

TT

Nhóm hàng

Đơn vị tính

Số lượng

Thành tiền
(triệu đồng
)
1 Gạo trắng thường Tấn 6.400 76.800
2 Thịt gia súc Tấn 1.520 89.680
3 Thịt gia cầm Tấn 560 28.560
4 Trứng gia cầm 1.000 quả 12.000 24.000
5 Thực phẩm chế biến Tấn 1.280 61.440
6 Thủy, hải sản đông lạnh Tấn 800 41.600
7 Dầu ăn 1.000 lít 240 7.440
8 Đường RE Tấn 240 4.080
9 Rau, củ Tấn 4.000 68.000

Tổng cộng
401.600 401.600

Theo Nhật Minh ( VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm