Gói hỗ trợ lần 2 phải ‘tiền trao, cháo múc’ ngay

Bộ KH&ĐT vừa gửi công văn tới các bộ, ngành để lấy ý kiến về đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (còn gọi là gói kích thích kinh tế lần hai). Ngoài chính sách hỗ trợ cho người lao động, chính sách lần này dự kiến sẽ tập trung hỗ trợ một số ngành như hàng không, du lịch, tiêu dùng.

Thông qua Pháp Luật TP.HCM, nhiều chuyên gia, hiệp hội và DN đã góp ý để gói hỗ trợ này thực sự đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả.

Ông PHẠM NGỌC HƯNG, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM:

Cần giảm ngay lãi suất các khoản vay cũ

Trong dự thảo gói hỗ trợ lần hai, Bộ KH&ĐT đề xuất cho người lao động được tạm dừng đóng phí công đoàn tối đa 12 tháng, tương tự chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Bộ cũng đề xuất cho phép công ty lữ hành được giảm 80% số tiền ký quỹ trong thời hạn hai năm.

Theo tôi, đây là chính sách cấp bách và cần thiết đối với DN nhằm tạo dòng tiền. Qua đó giúp DN duy trì, cầm cự và có nguồn tiền làm vốn lưu động, sản xuất kinh doanh. 

Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT cũng đề xuất giảm thuế suất giá trị gia tăng (VAT) đối với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu để kích cầu tiêu dùng nội địa. Việc giảm thuế VAT có tác dụng giảm giá cả hàng hóa, dịch vụ và có lợi đối với người tiêu dùng. Từ đó có thể kích thích mua sắm, kích cầu nền kinh tế.

Tuy nhiên, thủ tục xét duyệt để được hỗ trợ các chính sách này cần đơn giản, sao cho DN, người lao động có thể được hưởng lợi. Đặc biệt gói hỗ trợ lần hai cần điều chỉnh chính sách về tín dụng, như giảm lãi vay đối với các khoản vay cũ của các DN. Đồng thời tạo điều kiện để các DN được vay mà không cần phải thế chấp bằng tài sản. Các DN cũng có thể thông qua đơn hàng, hợp đồng… để vay vốn ngân hàng.

Nhiều ý kiến cho rằng gói hỗ trợ DN lần hai cần đột phá với thủ tục đơn giản, thực hiện được ngay. Trong ảnh: Kinh doanh khó khăn do dịch COVID-19, nhiều mặt bằng treo biển cho thuê nhưng ế. Ảnh: QH

Ông NGUYỄN VĂN MỸ, Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt:

Ban hành chính sách là DN được hưởng lợi liền

Trong dự thảo gói hỗ trợ lần hai, Bộ KH&ĐT đề xuất cho phép các công ty lữ hành được giảm 80% số tiền ký quỹ trong thời hạn hai năm. Thông tin này khiến các công ty lữ hành rất vui, nhất là các công ty nhỏ.

Hiện với DN du lịch nội địa số tiền ký quỹ khoảng 250 triệu đồng, du lịch quốc tế là 500 triệu đồng. Vì vậy, nếu cho phép công ty du lịch rút số tiền ký quỹ đã đóng thì rất tốt. Qua đó giúp họ duy trì, cầm cự vượt qua khó khăn mà không làm ảnh hưởng tới thu ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, một trong những yêu cầu đối với các gói hỗ trợ là phải nhanh. Nghĩa là thủ tục phải gọn, đơn giản thì mới đến với DN được. Chứ các thủ tục rườm rà, phải làm đơn từ, hồ sơ xét duyệt kèm theo phải trình, phải chờ đợi… thì đến lúc nhận được thông báo hỗ trợ có khi DN đã phá sản rồi.

Vì vậy nhân dịp này, Chính phủ cần tạo một cuộc cải cách hành chính mạnh mẽ, làm sao thủ tục đơn giản, có chính sách là DN được hưởng lợi liền. Ví dụ, nếu được rút lại tiền đóng ký quỹ, DN chỉ cần đến đưa giấy tờ là chuyển tiền ngay cho họ.

Ông NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính ngân hàng:

Phải giải ngân được ít nhất 70%-80% các gói hỗ trợ 

Trong gói kích thích kinh tế lần thứ nhất, Chính phủ đưa ra rất nhiều gói hỗ trợ từ tín dụng, tài khóa đến chính sách an sinh xã hội. Về chủ trương là đúng nhưng thực hiện trong thực tế thì rất chậm. Thế nên rất ít người dân, DN tiếp cận được. Ví dụ, gói 16.000 tỉ đồng để các DN vay hỗ trợ tiền lương cho công nhân với lãi suất 0% đến nay chưa có ai được vay. Như vậy chính sách chưa đi vào cuộc sống.

Vì vậy theo tôi, trước hết những gói hỗ trợ lần một cần phải được giải ngân ngay, đưa đến tay người lao động, DN đang bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Muốn vậy, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu và đề xuất giảm bớt các tiêu chí, điều kiện không sát với thực tế. Phải làm sao tỉ lệ hấp thụ các gói hỗ trợ này đạt được 70%-80%.

Với gói kích thích kinh tế lần hai cũng cần phải giảm bớt các thủ tục, tiêu chí xét duyệt để làm sao mọi đối tượng được hỗ trợ nhanh chóng. Chứ đừng đưa ra gói hỗ trợ nhưng lại không đến tay DN, người lao động. Để làm được điều này đòi hỏi phải đột phá về cách làm.

TS ĐINH THẾ HIỂN, chuyên gia kinh tế:

Đề nghị giảm thuế thu nhập cá nhân

Tôi cho rằng Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát lại các chính sách đã ban hành trong gói hỗ trợ lần một để điều chỉnh, giảm các quy định, điều kiện, thủ tục còn rườm rà và bất hợp lý. Đồng thời, giao các bộ, ngành nghiên cứu, tham mưu những chính sách giúp DN tiết giảm dòng tiền chi ra để DN có thể duy trì sản xuất, kinh doanh và tái cấu trúc DN.

Mặt khác, gói hỗ trợ lần hai không nên chỉ tập trung vào nhóm đối tượng DN, người lao động mà cần những gói hỗ trợ có tác động đến mỗi người dân, kích cầu tiêu dùng, kích thích nền kinh tế phát triển. Ví dụ, cần có chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân, gói cho người dân vay tiêu dùng với lãi suất thấp. Như người có đóng bảo hiểm xã hội có thể được vay tiêu dùng 50 triệu đồng với lãi suất chỉ 2%/năm, trả trong vòng ba năm.

Khi kích cầu tiêu dùng nội địa thì mới tạo được thị trường, thúc đẩy được sản xuất kinh doanh.

Gói hỗ trợ lần hai hướng tới việc củng cố niềm tin

Một khảo sát do Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính thực hiện cho thấy: 76% DN trả lời không cân đối được thu chi.

Khảo sát cũng cho thấy có sự suy giảm niềm tin khi được hỏi ý kiến về hiệu quả các chính sách đã ban hành. Vì thế cơ quan này kiến nghị với gói hỗ trợ lần hai tới đây, Chính phủ cần xây dựng các chính sách hướng tới việc củng cố niềm tin và tạo động lực nhiều hơn cho DN, tiết giảm được dòng tiền chi ra; cơ chế thực thi chính sách phải nhanh, minh bạch, thuận tiện.

Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cũng đề nghị Chính phủ trình Quốc hội giảm thuế thu nhập DN 30% cho tất cả DN trong năm 2020; giảm tối thiểu 50% các khoản bảo hiểm xã hội, y tế, tự nguyện; giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 5%; mở rộng hình thức vay tín chấp, ưu đãi lãi suất, giảm lãi suất, khoanh và giãn nợ; cho phép ngành du lịch và logistics áp dụng giá điện như ngành sản xuất... 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm