Giật mình với Qatar

Xưa nay ta chỉ quen thấy nước ngoài đầu tư vào VN ở lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ; chi hàng tỉ đôla để biến đất nông nghiệp thành khu công nghiệp, sân golf. Trong xu thế kêu gọi đầu tư nhiều cho công nghiệp, dịch vụ nên tâm lý người dân trong nước cũng muốn rời xa cây lúa để đi làm công nhân hay nhân viên văn phòng. Vậy mà người ta vào Việt Nam đầu tư trồng lúa. Điều này kể cũng lạ!

Nhưng họ lại có lý. 25.000ha đất Qatar đang muốn đầu tư trồng lúa ở Trà Vinh được họ giải thích: để bảo đảm an ninh lương thực (dĩ nhiên là cho dân xứ họ). Họ lo xa hay là câu chuyện an ninh lương thực đang ngấp nghé đe dọa loài người?

Trái đất đang cõng 6 tỉ người. Dự báo trong 30 năm tới, thế giới sẽ có xấp xỉ 9 tỉ người. Đồng thời, tỉ lệ nghịch với đà tăng dân số đó là đất đai nông nghiệp bị thu hẹp do công nghiệp hóa, đô thị hóa, do biến đổi khí hậu và do bạc màu, thiếu nước tưới. Lúc đó các cường quốc dầu mỏ Trung Đông không thể uống dầu thô và Hàn Quốc, Nhật Bản không thể gặm máy bay hoặc ôtô để sống. Lúc đó sẽ là thời của các quốc gia nông nghiệp như Việt Nam. Nếu vậy thì khi đó câu mà ông bà ta thường nói là “nhất sĩ nhì nông - hết gạo chạy rông - nhất nông nhì sĩ” lại đúng.

Kịch bản đó diễn ra vào thời điểm nào, diễn ra hay không thì còn chờ. Nhưng quốc gia vùng Vịnh giàu dầu mỏ Qatar đến Việt Nam thương thảo để thuê đất trồng 25.000ha lúa đã diễn ra. Bỏ tiền ra, hẳn họ sẽ nâng niu từng thước đất thuê được. Còn mình - xứ có nhiều đất - đang đối xử với hòn đất của mình như thế nào, với nghề nông như thế nào?

75% dân chúng ở nước ta sống hoặc làm những công việc gắn với nghề nông và phần lớn trong đó chỉ mới đủ ăn hoặc nghèo. Kỹ thuật canh tác còn quá lạc hậu. Miền Trung, miền Bắc vẫn còn cảnh con trâu đi trước cái cày đi sau. Ở ĐBSCL, nhiều nơi thất thoát sau thu hoạch lên đến 15-20%. Tính toán của các nhà quản lý, thất thoát sau thu hoạch ở đây mỗi năm tương đương 1 triệu tấn lương thực, trong khi năm rồi cả nước oằn lưng chỉ xuất khẩu được 6 triệu tấn gạo.

Khi có người đến nhà mình thuê đất để làm lúa, thật không khỏi giật mình nghĩ lại: hòn đất, hạt lúa quý đến cỡ đó, mình đã đối xử với đất ra sao, đối xử với người làm ra hạt lúa ra sao? Đầu tư cho đất không đúng, lo cho người nông dân không tới nơi tới chốn thì vài chục năm nữa, biết đâu phải mua gạo của người nước ngoài sản xuất trên đất nước mình để nấu cơm thì tai họa.

Theo ĐẶNG PHƯƠNG ( TT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm