Đừng mượn nông dân làm giàu doanh nghiệp

Điều đáng nói là vị trí số một này không phải mục đích của chính phủ Thái Lan trong vài năm trở lại đây mà chính sách của nước này vẫn là trợ giá lúa, mua giá cao cho người nông dân. Có được vị trí số một xuất khẩu gạo nhưng chính phủ Thái Lan không mừng vì họ đang phải bù lỗ, mua vào giá cao lại phải bán ra giá thấp.

Tuy nhiên, niềm vui họ đạt được là người nông dân hưởng lợi. Đã có lúc, chính phủ Thái sợ lỗ, đòi xóa bỏ chính sách trợ giá. Nhưng cuối cùng vị trí người nông dân nước này vẫn được xem trọng, chính sách trợ giá lúa vẫn tiếp tục.

Trong khi đó, về lý thuyết thì người nông dân Việt Nam cũng được hỗ trợ vì Chính phủ cũng có chính sách thu mua tạm trữ để kịp thời gom hết lúa hàng hóa vào vụ thu hoạch, đảm bảo nông dân có lãi 30%.

Nhưng tiếc là lợi ích thì chẳng thấy đâu, nông dân vẫn bán giá thấp, có vụ còn lỗ nặng. Doanh nghiệp (DN) mang tiếng thu mua tạm trữ sẽ được hưởng lãi suất 0% nhưng thực tế việc thu mua thì DN lại nhờ thương lái. Thương lái ép giá nông dân, mua xanh đồng hay chín mọc mầm cũng do thương lái quyết định. Có ý kiến mỉa mai rằng lẽ ra nên chuyển quyền hưởng lãi suất 0% từ DN sang cho thương lái.

Chính DN, bộ ngành, địa phương cũng thừa nhận chính sách thu mua tạm trữ không hiệu quả vậy mà vẫn làm. Nông dân vẫn kêu, vẫn than, vẫn khóc nhưng vị trí cần hỗ trợ của họ vẫn không được xem xét. Chính phủ vẫn chưa thể mạnh dạn chịu lỗ trợ giá nông dân như Thái Lan nhưng lại dùng ngân sách một cách dễ dãi để hỗ trợ cho DN.

Cũng là mục đích hỗ trợ nông dân nhưng hai cách làm lại mang về hai kết quả trái ngược. Một bên làm nông được lợi, một đằng thì dân làm tối mặt tối mũi để mang về món hời “0% lãi suất” cho DN và lợi cho cả thương lái vốn chẳng gắn bó với cánh đồng.

QUANG HUY

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm