‘Đừng khóc vì nông sản gặp khó, hãy tìm giải pháp’

Chiều 3-2, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị “Thúc đẩy thương mại, phát triển sản xuất nông sản trước tác động dịch bệnh Corona”.

Rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc tê liệt

Ông Nguyễn Đình Tùng, đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết do tác động của dịch Corona, thanh long ruột đỏ trước tết giá khoảng 45.000 đồng/kg thì hiện nay giảm còn 5.000 đồng/kg; mít trước tết giá 38.000 đồng/kg thì nay giảm còn 10.000 đồng/kg; sầu riêng trước tết giá 70.000 đồng/kg, nay giá còn 40.000 đồng/kg.

“Khi dịch bệnh xảy ra, nhóm rau quả xuất đi Trung Quốc (TQ) gần như bị tê liệt, thương lái đã mua và đặt cọc từ trước tết đến nay bỏ cọc” - ông Tùng cho hay.

Ông Phạm Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An, cho biết thêm hiện Long An đang có 9.578 ha trồng thanh long, sản lượng 320.000 tấn, thị trường TQ chiếm đến 70% thị phần. Trong tháng 1 và tháng 2-2020, Long An còn khoảng 30.000 tấn cần thu hoạch, trong khi đó đang tồn kho khoảng 2.000 tấn.

Một khó khăn cho thanh long ở Long An là hiện giá chủ yếu do thương lái TQ quyết định, hợp đồng không chắc chắn, nhiều rủi ro. Kể từ khi có dịch Corona đến nay, hai doanh nghiệp lớn của TQ thu mua thanh long tại Long An là Hồng Thái Dương và Phú Quý đã đặt hàng từ trước tết nhưng nay ngưng không nhận hàng. Trong đó Công ty Hồng Thái Dương 300 container, Công ty Phú Quý khoảng 200 container.

“Tình hình hiện nay rất khó khăn. Một số nhà vườn đang ra trái đã cắt bỏ hết nên thiệt hại rất lớn” - ông Cảnh nêu thực tế.

Về thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), thông tin: Hiện các đơn hàng thủy sản đi đường bộ chưa chịu nhiều tác động nhưng các đơn hàng đi đường biển đã ký từ trước tết đến nay đều chậm lại, trong khi đó phía doanh nghiệp TQ đều cho biết chỉ nhận hàng từ ngày 16-2.

“Hiện một số tàu biển đi TQ ngưng nhận hàng khiến doanh nghiệp phải điều chỉnh. Các khách hàng ở thị trường lớn như Nhật Bản yêu cầu không đưa hàng qua TQ trước khi sang Nhật Bản. Thị trường châu Âu và Mỹ, khách hàng đầu năm dự kiến sẽ sang thăm và làm việc lại với nhà máy thì đều ngừng sang làm việc. Họ không sang nhưng chuyển sang giám sát từ xa, tiên lượng nếu dịch bệnh nghiêm trọng hơn thì những hợp đồng mới sẽ bị ảnh hưởng, đặc biệt là khách hàng châu Âu” - ông Nam cho hay.

Tuy nhiên, ông Nam cho biết bên cạnh yếu tố bất lợi thì cũng có thuận lợi. Đó là những nhà nhập khẩu ở TQ cho biết Việt Nam nên chuẩn bị hàng đông lạnh, hàng đồ hộp. Với những dịch như Corona lần này, văn hóa ăn uống sẽ thay đổi. Khách hàng sẽ chuyển sang đồ hộp thay vì ăn hàng tươi sống như trước.

Ngoài ra, một số ngành hàng của TQ đang cạnh tranh với ta như sản phẩm cá ngừ thì hiện do ảnh hưởng của dịch, các nước đang dần từ chối mua cá ngừ TQ, tạo cơ hội cho công ty Việt Nam cạnh tranh về thị phần và giá cả.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường (trái): “Điều quan trọng nhất là các địa phương phải khuyến khích nông dân sản xuất theo chuỗi, có liên kết”. Ông Nguyễn Đình Tùng (phải): “Thương lái TQ đã mua và đặt cọc từ trước tết đến nay bỏ cọc”. Ảnh: KHƯƠNG LỰC

Những giải pháp nóng

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho rằng cần tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp đã và đang làm, chỉ đạo các thương vụ vào cuộc để giúp tìm đầu ra mới. Tiếp tục yêu cầu hệ thống logictics tham gia bảo quản nông sản.

Khuyến nghị người dân điều chỉnh tiến độ sản xuất vì dịch bệnh còn phức tạp. Tăng cường tiêu thụ nội địa, kêu gọi người dân chung tay ủng hộ người dân trong nước. Động viên, hướng dẫn chủ hàng chuyển sang xuất khẩu chính ngạch. Hàng không thể xuất khẩu chính ngạch thì ưu tiên bán hàng qua biên giới khi mở cửa…

“Trước ảnh hưởng sâu rộng của dịch, Ngân hàng Trung ương TQ đã vào cuộc cắt giảm lãi suất cho vay. Thái Lan dự kiến cũng có chương trình ưu đãi cho công ty lữ hành như giảm phí sân bay, giảm phí nhiên liệu bay… Đối với nước ta, Bộ NN&PTNT nên tổng hợp nhu cầu của doanh nghiệp trình Chính phủ đề nghị giúp đỡ trong giai đoạn khó khăn này” - ông Khánh nói.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng yêu cầu các tỉnh, hiệp hội rà soát các ngành hàng, trước hết là nông sản xuất khẩu sang TQ. Như ở Long An, nông dân không kích thích ra hoa trái vụ. Cùng với đó, các doanh nghiệp bán lẻ như Hapro, Big C… cần vào cuộc tích cực. Riêng nhóm dưa hấu, bộ trưởng đề nghị bà con nông dân và các địa phương hạn chế xuống giống, chuyển qua các cây trồng khác như đậu nành, bắp, rau…

“Điều quan trọng nhất là các địa phương phải khuyến khích nông dân sản xuất theo chuỗi, có liên kết. Như ở Sơn La, họ thành lập rất nhiều hợp tác xã nên hầu như không có tình trạng giải cứu. Nếu không làm theo chuỗi, không tái cơ cấu, không khóc vì con virus Corona thì cũng có thể lao đao vì những dịch bệnh, biến động khác” - ông Cường nói.

“Chúng ta cần biến thách thức thành thời cơ, chẳng hạn một cái chợ cũ bị cháy thì cần xây mới chứ không phải ngồi đó mà khóc” - bộ trưởng nhấn mạnh.

Big C cam kết hỗ trợ tiêu thụ giúp nông dân

Đại diện hệ thống siêu thị Big C cho hay hiện có 37 siêu thị ở 22 tỉnh, thành phố hằng ngày tiêu thụ một lượng nông sản tương đối lớn. Trước ảnh hưởng của dịch Corona đối với hoạt động xuất khẩu nông sản, Big C không đứng ngoài cuộc.

‘Đừng khóc vì nông sản gặp khó, hãy tìm giải pháp’ ảnh 2
Nhiều container thanh long ùn tắc tại cửa khẩu Kim Thành, Lào Cai. Ảnh: BÁO LÀO CAI

“Chúng tôi cam kết hỗ trợ tiêu thụ trong phạm vi tối đa với nông dân. Để giúp tiêu thụ nông sản thuận lợi, chúng tôi kiến nghị Bộ NN&PTNT cho danh sách các nông sản đang tồn đọng để chúng tôi lên chương trình, có ngân sách thu mua hợp lý, thúc đẩy mua hàng tối đa cho bà con” - đại diện hệ thống siêu thị Big C khẳng định.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm