Đừng biến Việt Nam thành quốc gia say xỉn

Vụ phó Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Trần Thị Trang đã trích dẫn câu hỏi trên khi trả lời Pháp Luật TP.HCM năm 2016 về dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Câu hỏi của chuyên gia WHO nói trên thật ra vẫn ám ảnh nhiều lãnh đạo và người dân cho đến bây giờ. Bởi dù ngành rượu, bia có thể dẫn ra con số mỗi năm đóng góp 55.000 tỉ đồng cho ngân sách nhưng những con số về tai nạn giao thông, tình trạng đánh nhau ngày tết và chi phí y tế dự phòng cho những loại bệnh do rượu, bia gây ra là rất chênh lệch.

Một số nghiên cứu đã công bố cho thấy chỉ riêng chi phí giải quyết hậu quả của tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia lên đến tương đương 50.000 tỉ đồng. Qua đó nó cũng chứng tỏ một điều rằng rượu, bia dù mang lại công ăn việc làm cho một bộ phận người dân, đóng góp một phần vào tăng trưởng và ngân sách… nhưng những gì mà xã hội, người dân và ngân sách phải trả cho hậu quả của nó là lớn hơn nhiều.

Có chuyên gia đã ví von: Việt Nam xuất khẩu gạo được 3 tỉ USD thì uống bia mất 4 tỉ USD.

Thật ra ngay từ năm 2016, khi bàn về sửa thuế tiêu thụ đặc biệt, nhiều ý kiến đều ủng hộ phải tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia. Bởi chưa cần đến những số liệu thống kê từ các cơ quan chức năng thì hậu quả mà rượu, bia gây ra đã nhãn tiền hằng ngày, hằng giờ.

TP.HCM gần đây dự kiến sẽ đề xuất Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia trên địa bàn theo Nghị quyết 54/2017. Thật ra cũng có những ý kiến lo lắng nhưng chắc chắn rằng những ý kiến ấy cần phải được phản biện bằng những hệ quả tốt do hạn chế rượu, bia mang lại.

Đó là sức khỏe người dân sẽ được nâng cao khi rượu, bia không tàn phá con người; là chi phí cho rượu, bia sẽ được chi trả vào giáo dục, y tế, đời sống từng gia đình; là tai nạn giao thông trên địa bàn sẽ được giảm thiểu... Như vậy, mọi cố gắng để Việt Nam không thành quốc gia say xỉn mới mau đạt kết quả và TP sẽ lại đi đầu trong sứ mệnh quan trọng này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm