‘Đơn thuốc’ giải cứu hơn nửa triệu nhà hàng, quán ăn

Theo Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA), cả nước hiện có hơn 550.000 cơ sở dịch vụ ăn uống. Trong đó có khoảng 430.000 cơ sở kinh doanh truyền thống; hơn 82.000 nhà hàng chuyên dịch vụ thức ăn nhanh; hơn 22.000 cửa hàng cà phê, các quán bar và hơn 16.000 cơ sở dịch vụ ăn uống khác.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 đến như một cơn địa chấn với ngành ẩm thực, gây ra nhiều tác động tiêu cực. Bằng chứng là hàng loạt nhà hàng, khách sạn, quán ăn thua lỗ kéo dài, buộc phải rao bán để thu hồi vốn. Pháp Luật TP.HCM trao đổi cùng ông Lê Tân, Tổng thư ký VCCA, về những giải pháp để cứu ngành ẩm thực.

Đã khó còn gặp chi phí mặt bằng quá cao

. Phóng viên: Hồi tháng 4-2020, VCCA đã kiến nghị Thủ tướng và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp (DN) ngành ẩm thực bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Đến nay, những kiến nghị đó đã được tháo gỡ thế nào, thưa ông?

+ Ông Lê Tân: Sau kiến nghị của chúng tôi, Văn phòng Chính phủ đã có công văn gửi các bộ, ngành liên quan như Bộ Công Thương, Bộ VH-TT&DL, Ngân hàng Nhà nước… yêu cầu xem xét, triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. Đến nay đã có một số công ty lớn tiếp cận được chính sách ưu đãi của Nhà nước, như được vay với lãi suất thấp. Còn lại đa số các cơ sở vừa và nhỏ vẫn còn gặp vướng, chưa tiếp cận được các chính sách hỗ trợ.

Trong khi đó, dịch xảy ra lần hai khiến hàng trăm ngàn cơ sở kinh doanh rơi vào khó khăn, lao đao. Nếu không được sự tiếp sức từ Nhà nước thì hàng loạt cơ sở vừa và nhỏ sẽ phá sản.

. Thực tế cho thấy hàng loạt cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đóng cửa vì ế ẩm, doanh thu èo uột nhưng vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng rất cao?

+ Đúng là hiện nay chi phí thuê mặt bằng cao. Ví dụ, chi phí mặt bằng ở TP.HCM có tỉ suất giá thuê trên giá mặt bằng 5,91%, cao nhất thế giới. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các đơn vị kinh doanh ngành ẩm thực đã khó càng thêm khó khăn.

Câu chuyện giá thuê mặt bằng là vấn đề muôn thuở giữa nhà đầu tư và người kinh doanh. Một bên luôn muốn cho thuê giá cao, một bên muốn được thuê giá rẻ, Nhà nước khó can thiệp. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn có thể hỗ trợ cho người đi thuê.

Ví dụ, để DN duy trì hoạt động trong giai đoạn dịch COVID-19, Nhà nước có thể ân hạn thuế, giảm thuế thu nhập DN, giảm thuế giá trị gia tăng… Nếu Nhà nước làm được như vậy sẽ tháo gỡ khó khăn cho đôi bên. Bên cạnh đó, người cho thuê cũng cần phải chia sẻ với người đi thuê thì hai bên mới có thể hợp tác lâu dài.

 . Theo dự báo trước đây của VCCA, do ảnh hưởng dịch COVID-19, đến tháng 6-2020 có 90% cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có nguy cơ phá sản do không cân đối được thu chi. Hiện nay, sức khỏe của DN thế nào?

+ Trong những năm qua, ẩm thực là một trong những ngành kinh tế có tiềm năng tăng trưởng tốt, mỗi năm đóng góp 15% GDP cả nước. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh ngành ẩm thực và ảnh hưởng nặng nề đến các chuỗi cung ứng trong ngành ẩm thực như thủy hải sản, nông nghiệp, dịch vụ... Khi đợt dịch đầu tiên xảy ra, các đơn vị kinh doanh vẫn chưa kịp hồi phục thì dịch bệnh lần hai tiếp tục xảy ra khiến cho nhiều đơn vị không đứng vững, đang đứng trên bờ vực thẳm.

Một số quán ăn năng động chuyển sang bán hàng mang đi và thành công. Ảnh: TÚ UYÊN

Đây là vấn đề khách quan mà Nhà nước cũng nhìn ra. Con số mà chúng tôi dự báo cũng tương ứng với các thống kê của cơ quan quản lý nhà nước đã công bố. Nghĩa là trước những khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, có khoảng 80% cơ sở có nguy cơ giảm doanh thu trên 50%; 90% cơ sở có nguy cơ phá sản do không cân đối được thu chi…

Ngành dịch vụ và ăn uống Việt Nam đạt doanh thu gần 200 tỉ USD trong năm 2019, tăng 34% so với năm trước đó. Dự báo doanh thu của ngành này có thể đạt 408 tỉ USD vào năm 2023. Nhưng khi dịch bệnh xuất hiện khiến hàng loạt cơ sở phải đóng cửa, trả lại mặt bằng. 

“Đơn thuốc” sống chung với dịch

. Theo ghi nhận, ngành hàng dịch vụ ăn uống, nhất là những khu vực phục vụ du lịch rơi vào tình trạng đóng băng, nhiều nhà hàng phải đóng cửa vì không có khách du lịch. Theo ông, trong bối cảnh hiện nay, các nhà kinh doanh nên làm gì?

+ Chúng tôi khuyến nghị hội viên và DN nói chung kinh doanh trong tình hình dịch bệnh này hãy bắt đầu như lúc khởi nghiệp. Tức là không vội vàng đặt ra kế hoạch doanh thu phải đạt trong năm nay là bao nhiêu, lời bao nhiêu, mà chỉ cần kích hoạt kinh doanh để có thể tồn tại trước mắt. Đây là “đơn thuốc” đầu tiên để DN có thể sống chung và tồn tại trong dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, các nhà kinh doanh phải có mô hình, giải pháp phù hợp đáp ứng nhu cầu của thị trường, hoặc tăng cường hợp tác với nhiều công ty lữ hành để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này. Ví dụ, một số bộ phận chức năng của Công ty Du lịch Vietravel đang phối hợp với chúng tôi khởi động chiến dịch kinh doanh về ẩm thực “Ăn gì?! uống gì?! để phòng chống COVID-19”. Chương trình với các combo phục vụ ăn trưa online cho nhân viên văn phòng, giá hợp lý. Để làm được combo này, chúng tôi giới thiệu các món ăn ngon, bổ... từ các nghệ nhân, các nhà hàng uy tín để bán cho du khách.

. Ban giải cứu ngành ẩm thực mới đây đã chính thức ra đời. Vậy ban này sẽ có những giải pháp gì để tiếp sức cho DN, thưa ông?

+ Chúng tôi đã thành lập Ban hỗ trợ DN hội viên ngành ẩm thực với sự tham gia của Hiệp hội Nhà hàng Việt Nam (RAV). Ban này có nhiệm vụ kết nối với các DN trong nước để nhanh chóng nắm bắt tình hình, phản ánh kịp thời những thiệt hại do dịch bệnh COVID-19 gây ra, làm cơ sở tham mưu, hiến kế cho Chính phủ, Bộ Công Thương các giải pháp phát triển ngành ẩm thực trong tình hình mới. Đồng thời, chủ động kết nối DN hình thành chuỗi giá trị cung ứng hỗ trợ phát triển kinh doanh.

Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục có những kiến nghị cụ thể với Nhà nước. Ví dụ, trong VCCA có thành viên là một tập đoàn bột mì. Đây là nguyên liệu mà tất cả nhà hàng, khách sạn chế biến bánh đều sử dụng. Chúng tôi kêu gọi sự hỗ trợ của đơn vị này, họ có thể trợ giá 50%, như vậy các nhà hàng sẽ được mua với giá 50% và được ngân hàng và VCCA làm bảo chứng.

. Xin cám ơn ông.

Thích nghi sẽ tồn tại và phát triển

Một nghiên cứu mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen, 64% người tiêu dùng cho biết sẽ tiếp tục sử dụng các dịch vụ giao đồ ăn thường xuyên hơn sau dịch COVID-19.

Thói quen ăn uống của người tiêu dùng đã thay đổi khá nhiều. Bên cạnh xu hướng ăn tại nhà hậu dịch do tiết giảm chi tiêu thì một xu hướng tiêu dùng mới cũng được ghi nhận, đó là việc sử dụng các dịch vụ giao đồ ăn nhiều hơn của người dân.

Như vậy, những DN nào thay đổi, thích nghi được với tình hình kinh doanh mới thì họ còn phát triển mạnh mẽ hơn sau dịch. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm