Doanh nhân Việt làm lốp xe bán sang Nhật, Hàn

Nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu nhờ cách làm hiệu quả, mà theo ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh, để đạt được điều này cần đạt ba yếu tố: Công nghệ, giá thành và quản lý hệ thống chất lượng.

Ông Quốc Anh chọn chiến lược kinh doanh tập trung vào sản xuất các sản phẩm có độ khó về mặt kỹ thuật, một lối đi không dễ. Một năm Đức Minh tạo ra 1,5 triệu USD doanh thu, trong đó có hơn 50% đến từ xuất khẩu.

Từ chân đế máy giặt, lốp xe nâng đến chuỗi cung ứng toàn cầu

. Phóng viên:Công ty ông đã nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, vậy các yếu tố nào để có thể đưa doanh nghiệp Việt thâm nhập vào chuỗi này?

+ Ông Nguyễn Quốc Anh: Hiện chúng tôi là đơn vị cung cấp các sản phẩm cao su kỹ thuật như chân đế cho máy lạnh, tủ lạnh, máy giặt hay cao su xây dựng… cho các công ty Nhật và Hàn Quốc.

Họ chọn chúng tôi trước hết là do chi phí sản xuất ở các nước này cao. Nhưng quan trọng hơn, chúng tôi có công nghệ để đáp ứng các yêu cầu cũng như bí quyết tạo ra những sản phẩm đúng chuẩn với giá rẻ. Hiện nay, một số đối tác Hàn Quốc gần như chuyển hết đơn hàng đang sản xuất tại nước họ sang công ty chúng tôi.

. Người ta thường bảo giá rẻ không đồng hành với chất lượng tốt. Để giải quyết bài toán đó, ông xử lý như thế nào?

+ Điều này cũng nhờ vào chúng tôi sở hữu những bí quyết công nghệ được tích lũy qua thời gian. Ngoài ra, khi xem xét hợp tác, tôi biết tinh gọn sản xuất để đạt được giá thành rẻ.

Tất nhiên, giá rẻ sẽ có biên lợi nhuận thấp, hẳn nhiên có rủi ro nếu sản xuất lỗi. Một năm tôi cung cấp hàng chục triệu bộ chân đế, biên lợi nhuận thấp, song sản xuất số lượng lớn nên vẫn có lời.

Tôi thích cho chọn sản phẩm khó để làm

. Được biết ông chỉ thích làm những sản phẩm có độ khó về mặt kỹ thuật?

+ Đúng là công ty tôi đang đưa ra thị trường hai loại sản phẩm có độ khó về kỹ thuật rất cao là màng hơi và lốp xe nâng. Chẳng hạn, tôi quyết định chọn sản phẩm lốp xe nâng vốn khó làm vì đây là thị trường ngách, không nhiều đối thủ cạnh tranh. Nay chuỗi cung màng hơi từ Trung Quốc bị ách tắc vì dịch COVID-19 thì tại thị trường nội địa gần như chỉ còn mình tôi cung cấp.

. Xem ra COVID-19 khiến chuỗi cung ứng toàn cầu gián đoạn, có lẽ doanh nghiệp của ông là một trong số ít công ty tự chủ được nguồn cung ứng nguyên liệu?

+ Thực tế, ngành cao su sử dụng đến 80% nguyên liệu hóa chất nhập từ Trung Quốc. Việt Nam chỉ tự chủ được phần cao su thiên nhiên và một số nguyên phụ liệu có thể sản xuất trong nước.

Như vậy, có thể thấy chính công ty tôi cũng phụ thuộc vào nguyên phụ liệu Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng tôi tích trữ nguyên liệu khá dài hơi tính theo quý nên có thể đảm bảo nguồn đến giữa năm nay. Song điều tôi lo lắng nhất trong dịch COVID-19 này là chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt. Chúng ta đều biết chiếc xe hơi có hàng chục ngàn linh phụ kiện, hay tủ lạnh cũng đã có hàng trăm chi tiết và tất nhiên đòi hỏi rất nhiều nhà cung ứng.

Các nhà cung ứng này cũng phụ thuộc vào công xưởng thế giới Trung Quốc, mà một khi không cung cấp đủ thì không thể ráp được hàng. Mình dù cung ứng đầy đủ nguồn cung nhưng do nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, những người khác đứt hàng, sản phẩm không ráp được thì bên kia dừng lấy hàng và mình cũng bị vạ lây.

Ông Nguyễn Quốc Anh: “Tôi chọn những sản phẩm nào đó mà người khác thấy khó hay không muốn làm”. Ảnh: PHƯƠNG MINH

Muốn chơi với ông lớn thế giới phải chính xác

. Nếu nhìn về câu chuyện công nghiệp hỗ trợ của doanh nghiệp Việt, hiện có bài toán rằng: Nếu chưa có khách thì không dám đầu tư máy móc, công nghệ, mà nếu đầu tư trước chưa có nguồn thu dễ dẫn đến phá sản. Theo ông, bài toán này giải quyết ra sao?

+ Nếu muốn làm công nghiệp hỗ trợ phải có ba yếu tố. Thứ nhất, phải có công nghệ tốt. Yếu tố thứ hai là giá thành sản phẩm phải rẻ, vì thực tế trong chuỗi cung ứng toàn cầu, giá của họ rất thấp, thấp đến mức không thể tưởng tượng nổi. Có thể hình dung nếu bán sản phẩm đó ở thị trường nội địa thì khi cung ứng cho họ, giá đó phải rẻ hơn 20%-30%.

Cuối cùng, cần phải đảm bảo độ tin cậy sản phẩm. Có nghĩa là anh sản xuất 100 sản phẩm hay 1 triệu sản phẩm phải có chất lượng như nhau, không được để một sản phẩm nào bị lỗi. Tất cả điều này đều khó với các doanh nghiệp Việt Nam.

Việt Nam có nhiều doanh nghiệp cao su lớn, có đơn vị đạt doanh thu gần 1.000 tỉ đồng và cung cấp cho các nhà lắp ráp. Có điều nhiều ông lớn vẫn chấp nhận đi gia công cho người khác, chứ chưa thể vào ngay được chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ông NGUYỄN QUỐC ANH 

Do đó mới có câu chuyện gây thắc mắc cho mọi người tại sao Việt Nam không sản xuất được ốc vít. Thực ra sản xuất ốc vít không khó, rất dễ, doanh nghiệp Việt làm rất tốt, nhưng vấn đề là làm sao sản xuất hàng triệu cái có chất lượng tốt, vặn vào là chặt chứ không có chuyện cái chặt cái lỏng.

Nhưng nhìn chung, có một chuyện khác nữa trong chuỗi cung ứng là nhà sản xuất toàn cầu không dám hy sinh chất lượng sản phẩm để chọn một đơn vị chưa chứng minh được chất lượng trên thực tế. Vấn đề này các doanh nghiệp Việt Nam phải tự mình chứng minh cho họ thấy. Cái khó của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam là như vậy.

. Vậy cách nào Đức Minh chen chân vào chuỗi cung ứng toàn cầu?

+ Chúng tôi phải đi từng bước chứ không thể một cái là bước vào chuỗi cung ứng cho họ. Mới đầu chúng tôi phải tìm các nhà cung ứng cấp một và chấp nhận làm gia công trước. Vì người sản xuất cuối mới gặp mình làm sao tin được, mà cần phải qua nhà cung ứng cấp một.

Khi mình làm tốt, có tiếng, uy tín, niềm tin trên thị trường thì nhà sản xuất cuối mới đặt tin tưởng và mình trở thành công ty nằm trong chuỗi cung ứng của họ.

. Chúng ta đã có sẵn vùng nguyên liệu, vậy liệu Việt Nam có thể là một trung tâm sản xuất toàn cầu trong lĩnh vực này?

+ Riêng năm 2019, ngành lốp xe có giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1 tỉ USD, ngành cao su kỹ thuật cũng xuất khẩu hơn 1 tỉ USD. Tức là ngành cao su kỹ thuật, phụ trợ của mình đang tăng lên. Bây giờ chỉ cần chứng minh thêm về uy tín, chất lượng ổn định là được.

. Xin cám ơn ông.

Người Việt thích lốp ô tô ngoại chưa hẳn vì chất lượng tốt

. Ông đã từng làm việc tại Casumina, một công ty lớn trong ngành cao su, hơn 30 năm với vị trí phó giám đốc kỹ thuật trước khi ra làm riêng. Như vậy, có thể thấy ông khởi nghiệp muộn nhưng thành công khá nhanh?

+ Thật ra tôi khởi nghiệp muộn và thành công không nhanh. Tôi đi chậm mà chắc chắn, không đi theo trào lưu, chọn làm kỹ thuật khó và chủ yếu hướng về thị trường ngách.

Tôi ở cái tuổi về hưu rồi nên không thể cạnh tranh với thế hệ trẻ về thị trường, tiếp thị cho những sản phẩm đại trà như lốp xe máy, xe hơi. Do đó, tôi chọn những sản phẩm nào đó mà người khác thấy khó hay không muốn làm. Đó là những sản phẩm chỉ có thể mua ở nước ngoài, phải nhập khẩu.

. Theo ông, tại sao ngành cao su của chúng ta vẫn chưa có thương hiệu tương đương thế giới dù lốp xe mình đã đưa vào nhiều hãng xe lớn trên thế giới?

+ Việt Nam đi vào thị trường lốp xe mới đây, chính thức lắp vào xe tải hay xe hơi khoảng 25 năm nay thôi, từ 1995-1996. Đó là thời gian còn tương đối ngắn, trong khi muốn chứng minh ở nước ngoài thì phải bán ở thị trường nội địa trước, mà thị trường mình lại quá nhỏ nên rất khó. Tuy nhiên, điều đáng mừng là hầu hết nhà máy trong nước chiếm 50%-60% thị phần lốp xe tải, gần 100% lốp xe máy, riêng lốp xe hơi còn ít.

Doanh nhân Việt làm lốp xe bán sang Nhật, Hàn ảnh 2
Công nhân Công ty Cao su Đức Minh đang sản xuất màng hơi, lốp xe nâng. Ảnh: QH 

Các công ty trong nước sản xuất lốp xe hơi rất tốt. Đáng tiếc, họ bán chưa được nhiều vì người tiêu dùng bỏ số tiền khá lớn mua xe hơi thì họ cũng muốn thay lốp ngoại để nâng hay giữ giá trị chiếc xe. Câu chuyện này tương tự cách đây 30 năm khi Casumina sản xuất và bán lốp xe máy.

Ngày đó, chiếc xe Dream nếu lắp lốp nội sẽ bị trừ đi hai chỉ vàng. Nguyên nhân, ngày đó chiếc xe máy là tài sản. Bây giờ, xe hơi cũng tương tự như vậy nên cần có thời gian để mọi người thay đổi thói quen chấp nhận thương hiệu Việt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm