Doanh nghiệp ĐBSCL ít phải trả chi phí không chính thức

Theo ông Tuấn, những năm qua, PCI cho thấy doanh nghiệp ở ĐBSCL tiếp cận đất đai, thông tin, giải quyết thủ tục hành chính đã thuận lợi hơn. Đặc biệt là doanh nghiệp ít phải trả chi phí không chính thức và môi trường kinh doanh đã bình đẳng hơn. Đồng thời, tính năng động của chính quyền đã được nâng lên, môi trường pháp lý trở nên an toàn cho doanh nghiệp hơn.

Đồng tình, ông Trần Văn Rón, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, cho biết: “Sau 12 năm được công bố chỉ số PCI, vùng ĐBSCL luôn được đánh giá là khu vực có chất lượng điều hành tốt so với các khu vực khác trên cả nước. Năm nay ĐBSCL vẫn tiếp tục có bước cải thiện, nhiều tỉnh đứng đầu các chỉ số thành phần (5/10 chỉ số) và có sáu tỉnh nằm trong nhóm tốt và rất tốt. Điều đó cho thấy ĐBSCL đang quan tâm tạo điều kiện cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước…”.

Theo ông Đậu Anh Tuấn, để nâng cao năng lực cạnh tranh, ĐBSCL cần nâng cao chất lượng lao động, bởi đây là chỉ số mà doanh nghiệp ít hài lòng nhất. Cùng với đó là cải thiện chỉ số cung cấp thông tin, tiếp tục cải cách hành chính và tăng cường công tác tham vấn doanh nghiệp.

Đề cập đến những mô hình như cà phê doanh nghiệp được thực hiện rộng khắp tại nhiều tỉnh ĐBSCL, ông Tuấn cho rằng đây là kênh tương tác và cách tiếp cận hai chiều giữa doanh nghiệp và chính quyền rất hữu hiệu.

Trình bày về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cao cấp, cho biết: Năng lực cạnh tranh là cuộc chạy đua, việc người này vượt lên người khác là chuyện bình thường.

Để phát triển toàn diện hơn, theo TS Lê Đăng Doanh, cần đầu tư cho kết cấu hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, trong đó lấy đào tạo nhân lực, quản trị cho doanh nghiệp làm trung tâm. “Các cơ sở đào tạo cần liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp để đào tạo theo nhu cầu, giáo dục đào tạo gắn liền với sản xuất, đời sống trên đồng ruộng hay nhà máy…” - TS Doanh nói.

Về thu hút FDI đối với ĐBSCL, TS Doanh nói đó là cần thiết nhưng về lâu về dài phải có đội ngũ doanh nhân của người Việt Nam mới làm chủ được kinh tế.

Trước đó, tại cuộc họp báo ngày 4-4, ông Nguyễn Phương Lam, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ, cho biết năm 2016 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của các tỉnh vùng ĐBSCL đã tăng mạnh và tiếp tục được khẳng định đây là vùng kinh tế năng động. Tất cả tỉnh đều có mức tăng cao và có xu hướng xích lại gần nhau hơn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm