Đề xuất phát hành chứng chỉ để huy động vàng

Đề xuất trên vừa được Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học ngân hàng (Học viện Ngân hàng) đưa ra trong báo cáo nghiên cứu về thực trạng và giải pháp cho thị trường vàng mới công bố. Cách này theo ông Trung sẽ giúp huy động được lượng vàng lớn đang "chết" trong dân cư và khắc phục những rủi ro của việc huy động vàng trong quá khứ.

Trên thực tế, các ngân hàng thương mại đã từng phát hành chứng chỉ vàng để huy động từ dân cư nhưng cũng để lại không ít hệ quả, rủi ro cho hệ thống về thanh khoản khi giá vàng biến động mạnh. Do vậy, ông Trung cho rằng, Việt Nam nên làm theo cách của Ấn Độ để khắc phục. Chủ thể duy nhất được phát hành chứng chỉ vàng là Ngân hàng Nhà nước. Những chứng chỉ này được cầm cố chiết khấu khi có nhu cầu, được tự do chuyển nhượng và giao dịch trên thị trường thứ cấp. "Do Ngân hàng Nhà nước là đầu mối duy nhất phát hành và quản lý chứng chỉ vàng nên công tác chuyển đổi từ vàng ra tiền đồng theo đó cũng được đảm bảo an toàn hơn", ông Nguyễn Đức Trung giải thích.

Đề xuất phát hành chứng chỉ để huy động vàng ảnh 1
Theo đề xuất của ông Nguyễn Đức Trung, chứng chỉ vàng sẽ chỉ do Ngân hàng Nhà nước phát hành. Ảnh: Anh Quân.
Giá vàng trên chứng chỉ được tính theo giá do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm giao dịch. "Tuy nhiên, giá được điều chỉnh một năm một lần nhưng không được tăng hoặc giảm vượt quá biên độ cho phép so với thời điểm mua chứng chỉ", chuyên gia này cho biết. Biên độ được tính trên cơ sở bình quân gia quyền biến động chỉ số giá vàng của Việt Nam trong tối thiểu 3 năm gần nhất. Về thời hạn của chứng chỉ vàng này, ông Trung đề xuất từ 1-3 năm. Tuy nhiên, nhược điểm của giải pháp trên là nhà điều hành sẽ tốn một chi phí quản lý không nhỏ cho hoạt động trên. Chưa kể, một trong những rủi ro khác là chứng chỉ vàng có thể bị làm giả. Trước những lo ngại này, ông Nguyễn Đức Trung cho rằng, để giảm chi phí hoạt động, Ngân hàng Nhà nước có thể ủy nhiệm giao dịch thông qua một số nhà băng lớn như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank... Ngoài ra, để hạn chế tình trạng người dân giữ vàng tích trữ, nhóm tác giả cũng cho rằng việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng là một giải pháp có hiệu lực cao. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đức Trung, chỉ nên áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các cá nhân mua bán, tiêu dùng, cất trữ vàng miếng mà không áp dụng đối với vàng trang sức. Trước những đề xuất này, Tiến sĩ Vũ Đình Ánh đồng tình việc nên đặt vấn đề phát hành chứng chỉ vàng trong thời gian tới. Tuy nhiên, theo ông nên xác định rõ vàng miếng là hàng hóa tiêu dùng, đầu tư hay là một loại tiền tệ khi quản lý. "Nếu vàng là tiền tệ thì sẽ không có lý nào để đánh thuế", ông Ánh cho biết. Mặc dù vậy, vị chuyên gia này gợi ý cách mà nhiều nước đang làm là áp thuế giao dịch tài chính với vàng. "Chưa kể, thuế tiêu thụ đặc biệt nếu áp dụng có thể còn vướng một số cam kết quốc tế khác", ông Ánh phân tích thêm. Trước đó, Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cũng từng nhiều lần đề nghị áp thuế Giá trị gia tăng 10% với hoạt động kinh doanh vàng miếng, trang sức. Mới đây nhất, đầu tháng 10, VAFI còn đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng miếng, vàng nhẫn với lập luận đây là hàng hóa xa xỉ cần phải thực hiện điều tiết. "Để nguời dân yên tâm, chỉ thu thuế tiêu thụ đặc biệt với vàng miếng, vàng nữ trang - thuế suất 20%. Riêng hoạt động bán vàng cho ngân hàng nhà nước theo giá thế giới thì không phải chịu thuế này", VAFI cho hay.
Theo Thanh Thanh Lan (VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm