Đề xuất mới: Đưa tàu Việt xuất ngoại đánh cá hợp pháp

Tại cuộc làm việc với Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản thuộc Bộ NN&PTNT mới đây, ông Võ Minh Hùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Hoàng Kim Việt, đã đề xuất đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác hải sản ở vùng biển các quốc đảo Nam Thái Bình Dương. Đây được đánh giá là một đề xuất mới và táo bạo.

Lương 40 triệu đồng/tháng

Lý giải về đề xuất trên, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Hoàng Kim Việt Võ Minh Hùng cho rằng hiện nay lượng tàu nằm bờ của bà con ngư dân khá lớn. Nguyên nhân do tình hình đánh bắt khó khăn, chưa kể việc chuyển đổi nghề cho ngư dân không đơn giản vì đặc thù của ngư dân là bám biển. “Nếu đề xuất của chúng tôi được thực hiện sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 1.000 lao động với thu nhập 30-40 triệu đồng/tháng” - ông Hùng khẳng định.

Ông Hùng cũng giải thích rằng đề xuất đưa ngư dân ra nước ngoài khai thác hải sản là có cơ sở vì bản thân công ty đã được cấp phép khai thác, thu mua, chế biến xuất nhập khẩu hải sản ở quốc đảo Solomon và Vanuatu từ hơn hai năm nay. Thời gian tới công ty dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng khai thác hải sản tại các quốc đảo như Tuvalu, Kiribati, Marshall Islands, Nauru và Samoa.

Đặc biệt, ngư trường các quốc đảo Nam Thái Bình Dương như Solomon, Vanuatu… rất rộng, trữ lượng hải sản lớn, trong khi ngư cụ đánh bắt của dân bản địa còn thô sơ nên cơ hội lớn để tàu thuyền nước ta hướng ra bên ngoài. Bằng chứng là hai công ty con của Hoàng Kim Việt tại hai quốc đảo Solomon và Vanuatu đã phát triển đội tàu cá lên bảy chiếc, qua đó giải quyết việc làm cho 30 ngư dân đa phần ở Quảng Ngãi.

“Qua đàm phán với chính quyền sở tại, họ cho phép đưa tàu sắt hoặc tàu composite khai thác. Tuy nhiên, phần lớn tàu cá của Việt Nam là tàu gỗ nên chỉ cần bọc composite là có thể đưa vào hoạt động được mà không tốn nhiều chi phí” - ông Hùng phân tích.

Trước thông tin về triển vọng đưa tàu cá Việt ra nước ngoài khai thác viễn dương, ông Nguyễn Nhật, chủ một tàu cá ở miền Trung, bày tỏ đó là tín hiệu vui để tàu cá Việt Nam có cơ hội đánh bắt ở ngư trường mới. Tuy nhiên, ông băn khoăn về thủ tục để ra nước ngoài đánh bắt, cơ chế hợp tác như thế nào cần làm rõ thêm.

“Nếu có thêm thông tin từ những chủ tàu thuyền về cung cách khai thác tại các quốc đảo Nam Thái Bình Dương và Nhà nước hỗ trợ bảo hiểm con người, tàu thuyền, thiết bị liên lạc, nhiên liệu… thì cơ hội hợp tác, vươn khơi rất lớn” - ông Nhật chia sẻ.

Hải sâm do ngư dân kết hợp Công ty Hoàng Kim Việt khai thác tại Solomon. Ảnh: V.HÙNG

Gỡ vướng để ngư dân Việt ra biển lớn

Tuy tiềm năng để ngư dân Việt đi khai thác hải sản ở vùng biển các quốc đảo Nam Thái Bình Dương là rất lớn nhưng ông Võ Minh Hùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Hoàng Kim Việt, nói hiện nay Việt Nam và các quốc đảo vẫn chưa ký kết hiệp định thương mại nên sản phẩm khai thác đưa về Việt Nam sẽ gặp một số khó khăn. Nếu vấn đề này được tháo gỡ, hàng hóa làm thủ tục nhanh, sản phẩm tiêu thụ nhanh sẽ kích thích ngư dân Việt ra nước ngoài đánh bắt cá hợp pháp.

Bên cạnh đó, ông Hùng cũng băn khoăn do khoảng cách di chuyển từ Việt Nam đến Nam Thái Bình Dương rất xa, mất vài chục ngày di chuyển trên biển nên chi phí dầu, thực phẩm, thiết bị liên lạc rất tốn kém, chưa kể thủ tục để vào khai thác không ít. Do vậy, ông Hùng kiến nghị Nhà nước nên có cơ chế hỗ trợ bảo hiểm cho ngư dân, tàu thuyền, khâu bảo quản và thiết bị liên lạc. Từ đó để ngư dân yên tâm khai thác viễn dương.

Muốn đánh bắt cá phải xin phép các bộ tộc

Ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, lưu ý các quốc đảo Nam Thái Bình Dương quản lý nguồn lợi hải sản rất chặt chẽ, không đánh bắt tùy tiện. Do đó ngư dân, các doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định của Việt Nam và quốc tế khi triển khai đánh bắt để giữ uy tín, hình ảnh quốc gia.

“Tính cộng đồng của họ cũng rất cao, bởi thế khi được chính quyền cấp phép đánh bắt, phải xin phép các bộ tộc, trưởng tộc đồng ý mới được đưa tàu thuyền vào khai thác” – ông Quốc nhấn mạnh. 

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản, cho rằng đề xuất của doanh nghiệp có tính đột phá. Tới đây sẽ có một số thay đổi nội dung trong đề án “Phát triển khai thác viễn dương và tổ chức đưa ngư dân đi khai thác ở vùng biển một số nước”, trong đó sẽ tạo cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Cụ thể, Nhà nước sẽ hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, đàm phán về khai thác, thu mua, chế biến và xuất nhập khẩu sản phẩm với các nước mà doanh nghiệp đưa ngư dân, tàu thuyền đến đánh bắt. Bên cạnh đó sẽ có cơ chế hỗ trợ thủ tục xuất nhập khẩu, bảo hiểm tàu thuyền và ngư dân, giấy phép đưa tàu thuyền đi khai thác ở nước ngoài…

Cũng theo ông Quốc, không để vì lý do Việt Nam chưa ký kết thương mại với các quốc đảo mà sản phẩm xuất bán về nước bị ách tắc. “Với chức năng của mình, Vụ Khai thác thủy sản sẽ tham mưu cho Bộ NN&PTNT phối hợp các bộ, ngành liên quan để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho hoạt động đánh bắt trong nước vươn xa. Hiện Việt Nam đã có thỏa thuận hợp tác với Brunei, Papua New Guinea, Micronesia” - ông Hùng cho hay.

Doanh nghiệp tự mở đường ra biển lớn

Doanh nhân Võ Minh Hùng, Tổng giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu Hoàng Kim Việt, xuất thân từ làng chài huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Cuối năm 2016, ông hay tin có một số ngư dân ở Lý Sơn gặp rắc rối về pháp lý khi khai thác hải sâm tại vùng biển do các quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương quản lý.

Đề xuất mới: Đưa tàu Việt xuất ngoại đánh cá hợp pháp ảnh 2
Để được cấp phép khai thác, ông Võ Minh Hùng đích thân đến các đảo xin chữ ký của các tộc trưởng. Ảnh: V.HÙNG 

Đầu năm 2017, ông quyết định nhờ một người quen làm visa để sang Úc. Từ đây ông tìm cơ hội sang quốc đảo Solomon tiếp cận với những ngư dân đồng hương để vừa tìm cách trợ giúp họ, vừa tìm lời giải cho câu hỏi: Làm thế nào để có thể khai thác hải sâm một cách đàng hoàng, hợp lệ nhất. Sau đó ông quyết định lập hai công ty quốc đảo Solomon và Vanuatu để đưa ngư dân trong nước sang khai thác hải sản.

Ông Nguyễn Phú Quốc, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản, cho rằng việc doanh nghiệp tự mở đường ra biển lớn khai thác hải sản là phù hợp với chủ trương của Nhà nước và phù hợp với tình hình hiện tại. Bởi nguồn lợi hải sản trong nước đang suy giảm, trong khi số lượng tàu thuyền đóng mới trang bị thiết bị hiện đại đủ sức vươn xa. Đặc biệt nó tạo tiền đề cho các doanh nghiệp khác làm theo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm