Để bộ đừng quên lời hứa

Nguồn cơn nằm ở đâu? Theo lời TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên tổ tư vấn về kinh tế của Thủ tướng, thì giữa năm 2018, khi cuộc chiến cắt giảm điều kiện kinh doanh đang vào cao trào, Thông tư 21/2017 của Bộ Công Thương là một đối tượng được nhắm đến vì nhiều quy định làm khó người kinh doanh. Khi đó, chính Bộ Công Thương cam kết rằng “để bộ này tự bỏ”. Trước đó, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng đã ký Thông tư 07/2018 dừng thực hiện Thông tư 21/2017 nhưng rồi các doanh nghiệp đến giờ vẫn đang phải tiếp tục khốn đốn với Thông tư 21.

Công bằng mà nói, Bộ Công Thương chính là cơ quan đã đi đầu trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh. Điển hình như vào tháng 9-2017, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh tuyên bố cắt giảm 675 điều kiện thuộc thẩm quyền của bộ này. Đến cuối năm 2018, việc cắt giảm lại tiếp tục được tuyên bố sẽ tiến hành. Dù còn nhiều băn khoăn nhưng nhiều chuyên gia cũng thấy rõ ràng: Bộ Công Thương có vẻ đã rất biết cách tiến hành việc cắt giảm điều kiện kinh doanh.

Việc không bãi bỏ Thông tư 21 về công bố hợp quy, trong đó có giới hạn về hàm lượng formaldehyde dấy lên những nghi ngại. Phải chăng Bộ Công Thương chỉ cắt bỏ những điều kiện kinh doanh ít tác động nhất đến quyền lợi cốt lõi, cục bộ của mình? Băn khoăn này không phải là không có lý khi nhiều doanh nghiệp đến nay vẫn chưa thoát khỏi vòng kiềm tỏa của quy định về dán nhãn năng lượng, dù được Bộ Công Thương công bố là đã đơn giản hóa nhiều.

Báo cáo “Dòng chảy pháp luật kinh doanh” được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố mới đây cho thấy việc cắt giảm điều kiện kinh doanh là một cuộc chiến cam go, rất khó khăn cho cải cách.

“Con số chỉ là con số” - báo cáo nói trên đã nhận định “chua chát” như vậy. Bởi mục tiêu của Chính phủ là phải cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% điều kiện kinh doanh và bộ nào cũng tuyên bố vượt chỉ tiêu trên. Tuy nhiên, khi phân tích sâu thì nhiều trường hợp cắt giảm chỉ mang tính hình thức, bảo đảm được yêu cầu về số lượng nhưng ít ý nghĩa thực tế.

Người ta vẫn thấy những quy định về bằng cấp trong ngành in, những quy định chung chung trong giáo dục, hay các chứng chỉ đào tạo trong các ngành nghề khác. Đáng nói, những quy định hay điều kiện kinh doanh này nằm rải rác ở hầu hết các bộ và nó là nguồn cơn để các thủ tục hành chính, chuyên ngành tiếp tục sinh sôi, nảy nở. Thậm chí có cả tình trạng bộ này bỏ ra thì bộ kia nhặt vào, bỏ quy định cũ nhưng ban hành thêm quy định mới khó hơn.

Nghĩ lại thời cố Thủ tướng Phan Văn Khải, sau một đêm Thủ tướng quyết định cắt phăng hàng trăm giấy phép con, mở đường cho phát triển. Liệu bây giờ có cần những quyết định “sắt đá” như thế để các bộ không còn hứa rồi “quên” nữa hay không?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm