Đây là lý do khiến người Việt sang… hàng xóm kinh doanh

Tại diễn đàn Hàng Việt Nam chất lượng cao và khởi nghiệp tổ chức ở TP.HCM ngày 2-3 vừa qua, ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho biết để hỗ trợ khởi nghiệp, tỉnh có câu lạc bộ để tiếp nhận những dự án khởi nghiệp của các bạn trẻ, đồng thời tư vấn, thẩm định để các ý tưởng khởi nghiệp được thương mại hóa, đưa ra thị trường.

“Cơ quan nhà nước không thể đủ sức thẩm định về công nghệ, kỹ thuật, thị trường của các dự án khởi nghiệp mà phải thông qua các doanh nghiệp đã thành công mới có thể làm được” - ông Hoan thừa nhận.

Trước đó, cũng tại hội thảo về doanh nghiệp khởi nghiệp do nhiều cơ quan cùng phối hợp tổ chức, nhiều ý kiến lo ngại khi ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam sang Singapore, Hong Kong… để đăng ký kinh doanh, thành lập công ty thay vì làm ăn ngay trên “ngôi nhà” của chính mình.

Nguyên nhân chính là do nhiều chính sách liên quan đến khởi nghiệp còn bất hợp lý, thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp; cơ quan chức năng không đủ khả năng để thẩm định, đánh giá hiệu quả của các ý tưởng kinh doanh…

Ông Trương Đình Thái, đại diện ĐH Ngân hàng TP.HCM, dẫn chứng một số doanh nhân khởi nghiệp Việt Nam đã thành lập công ty tại Singapore và hoạt động ở Việt Nam rất thành công.

“Babyme - một ứng dụng công nghệ giúp chăm sóc sức khỏe trẻ em, khi kêu gọi vốn đầu tư khởi nghiệp, hầu hết nhà đầu tư nước ngoài không tham gia chỉ vì bị giới hạn tại một số điều khoản trong Luật Đầu tư. Cuối cùng, nhà sáng lập phải sang Singapore để đăng ký kinh doanh” - ông Thái kể.

Ông Thái còn đưa ra một ví dụ khác, đó là một website trong quá trình hoạt động, tháng nào cũng bị phạt 20-30 triệu đồng do nội dung được cho là không phù hợp. Do hoạt động khó khăn, công ty này trả lại tên miền cho Nhà nước, phần dữ liệu bán cho đối tác và chuyển máy chủ sang Singapore.

“Một trong những lý do quan trọng là doanh nghiệp hoạt động ở Singapore có nhiều thuận lợi khi thực hiện các vấn đề nghiệp vụ với khách hàng nước ngoài liên quan đến thanh toán, pháp lý và bảo vệ bản quyền” - ông Thái nói thêm.

Ông Trần Hữu Hiệp, Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, dẫn chứng trường hợp kỹ sư công nghệ thông tin Nguyễn Hà Đông được thế giới biết đến như một mẫu hình sáng tạo trẻ, khởi nghiệp với thành công trò chơi trực tuyến miễn phí Flappy Bird. Nhưng không lâu sau Hà Đông gỡ bỏ game kiếm tiền tỉ mỗi ngày.

“Nhiều ý kiến cho rằng tác giả phần mềm này muốn tránh rắc rối về pháp lý” - ông Hiệp nói.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết Bộ đang có những sửa đổi và điều chỉnh lớn về chính sách để tạo ra hệ sinh thái tốt cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Bởi kêu gọi quốc gia khởi nghiệp thì phải đi kèm với cơ chế, chính sách hợp lý để tạo ra hệ sinh thái hỗ trợ khởi nghiệp, để người Việt không phải đổ xô sang hàng xóm khởi nghiệp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm