Cựu cố vấn tổng thống Hàn Quốc hiến kế cho Việt Nam

Tại diễn đàn quốc gia về phát triển doanh nghiệp (DN) công nghệ lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 9-5, các DN và chuyên gia đã hiến kế nhiều bài học hay.

Bài học hay từ những ông lớn

GS Youngrak Choi, nguyên thành viên ban cố vấn của tổng thống Hàn Quốc (HQ), đã chia sẻ bài học kinh nghiệm của HQ về phát triển kinh tế-xã hội dựa vào phát triển DN công nghệ.

Theo đó, nền kinh tế HQ đã có sự phát triển thần kỳ sau gần 60 năm qua. Điển hình nếu như GDP nước này năm 1960 chỉ là 2 tỉ USD thì đến năm 2017 đã đạt 1.530 tỉ USD, tăng gấp 765 lần. GDP bình quân đầu người cũng tăng gấp 376 lần, đạt khoảng 29.744 USD.

Để có được thành tựu trên, theo ông Youngrak Choi, trong thập niên 1960 HQ vẫn còn tập trung vào phát triển kinh tế từ tài nguyên thiên nhiên, công nghiệp nhẹ nhưng kể từ khi tập trung vào phát triển công nghệ thì bộ mặt kinh tế-xã hội đất nước đã hoàn toàn đổi khác.

Cốt lõi là HQ đã biến chuyển từ một nước nhập khẩu công nghệ trở thành quốc gia sở hữu nhiều tập đoàn tư nhân lớn, có khả năng làm chủ công nghệ. Tiêu biểu như Samsung, Hyundai, Posco…“Điểm mấu chốt là động lực tự thân của các DN tư nhân. Họ đẩy mạnh nhập khẩu công nghệ và thuê ngoài dịch vụ công nghệ, thúc đẩy quá trình học hỏi” - ông phát biểu.

Chẳng hạn với Samsung, thời gian đầu tập đoàn này đẩy mạnh nhập khẩu công nghệ, đầu tư nguồn lực lớn để học hỏi. Sau đó tập đoàn này đã vươn lên thành một trong những ông lớn hàng đầu thế giới. Hyundai cũng đi theo con đường tương tự, họ nhập khẩu công nghệ, học hỏi từ những người đi trước, sau đó mới phát triển công nghệ cho riêng mình.

Cũng theo vị cựu cố vấn tổng thống HQ, một trong những đổi mới sáng tạo quan trọng là phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông. HQ cũng đẩy mạnh cuộc cách mạng công nghệ 4.0 như trí tuệ nhân tạo, IoT, robot, blockchain, xe tự hành, big data…

Trong quá trình này, Chính phủ cũng đóng vai trò rất quan trọng. Ví dụ, HQ đã đề ra nhiều chính sách phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường đầu tư nghiên cứu và phát triển, phát triển nguồn nhân lực, đi đầu trong việc chuyển đổi cấu trúc hệ thống đổi mới...

Từ bài học của HQ, cựu cố vấn tổng thống Hàn Quốc Youngrak Choi đã đưa ra một số khuyến nghị cho Việt Nam (VN) trong việc phát triển các DN công nghệ. Theo đó, VN cần tích hợp khoa học công nghệ một cách hệ thống vào nền kinh tế và sản xuất công nghiệp, hỗ trợ mạnh mẽ về mặt chính trị cho việc phát triển khoa học công nghệ. Đặc biệt phải mạnh tay hơn cho nghiên cứu và phát triển, phát triển nguồn nhân lực; xác định động lực là sức mạnh nội tại của các DN.

“Chính phủ cần kết hợp tốt với các DN, theo đuổi động lực tăng trưởng dài lâu thay vì ngắn hạn. Đối với ngành kinh doanh mang tính mạo hiểm cao, Chính phủ cần có khoản bảo lãnh tốt để khuyến khích mạo hiểm, vượt qua ngại ngần cho các DN” - ông Youngrak Choi nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan triển lãm công nghệ Việt Nam. Ảnh: VGP

Việt Nam có thể làm được nếu…

Ông Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, cho rằng VN là một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh trong 20 năm qua nhưng chất lượng phát triển lại chưa làm được như HQ. Chặng đường này có thể kéo dài thêm 30-50 năm nữa, song nhờ công nghệ VN có thể làm được.

Vị chuyên gia này dẫn chứng một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ chỉ đi trước VN một thời gian ngắn nhưng đã sớm trở thành cường quốc về công nghệ của thế giới.

“Ngoài Singapore, Indonesia thì VN cũng đang dần trở thành điểm đến hấp dẫn của các DN khởi nghiệp nhờ chính sách ưu tiên của Chính phủ. Các DN công nghệ có thể giúp các nước gia tăng đáng kể tốc độ phát triển kinh tế. Trong vòng 10 năm qua, các DN công nghệ VN về giá trị đã chiếm trên 15% GDP và gấp đôi tốc độ tăng trưởng chung toàn nền kinh tế” -  ông Nguyễn Xuân Thành nhận định.

Tại sao kỹ sư trẻ Việt Nam không làm được?

Báo chí VN gần đây có nói đến một start-up công nghệ của Trung Quốc, Công ty LinkSpace, công ty tư nhân đầu tiên sản xuất tên lửa tái sử dụng. Được thành lập năm 2014 bởi những kỹ sư trẻ dưới 30 tuổi. Tại sao các kỹ sư trẻ VN lại không thể làm điều tương tự?

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng 

Tuy vậy, ông đề nghị cần có chính sách phù hợp hơn. Chẳng hạn, cần hội tụ những DN ở các ngành nghề nòng cốt, tập trung ở cùng vị trí địa lý và hoạt động dưới cơ chế chung và Nhà nước hỗ trợ cho những “cụm DN” này. Bên cạnh đó, Nhà nước hỗ trợ DN bằng cách tạo ra môi trường cạnh tranh, đào tạo nguồn lực chất lượng cho các DN công nghệ thông tin.

Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc Công ty VCCorp, cũng nhìn nhận hiện tại khoa học công nghệ đang phát triển rất mạnh. Những công ty hàng đầu thế giới như Google, Facebook, Amazon... cũng đều là các công ty công nghệ. Họ đứng đầu cả về số người sử dụng, doanh số, tầm ảnh hưởng, giá trị thị trường. Họ còn tạo ra công nghệ cho cả thế giới học theo.

Liên hệ với nền công nghệ VN, ông Tân cho rằng VN hoàn toàn có thể làm được như các nước phát triển công nghệ trên thế giới. Tiêu biểu như Vingroup có thể sản xuất tự động hóa 4.0, Viettel tự làm thiết bị mạng 5G, về nội dung số thì có VNG với Zalo, VCCorp với nền tảng quảng cáo bằng công nghệ, hệ thống phân phối nội dung và hàng chục công ty khác. Doanh số từ 500 triệu đồng đến 1 tỉ USD và sẽ còn phát triển nếu có đầy đủ điều kiện.

Tuy nhiên, ông Tân nói: “Các DN công nghệ VN rất muốn làm, đầy đủ nguồn lực để làm, thừa quyết tâm để làm nhưng không dám làm, không dám chạy hết tốc độ, không huy động được lực lượng xã hội vì nghi ngại. Lý do là bởi trong khi các nước có nhiều chính sách phát triển ưu đãi về thuế, các chính sách thì những chính sách và quy định của VN còn nhiều hạn chế. Ví dụ, cần có cơ chế hỗ trợ cái mới phát triển như việc tách riêng taxi điện tử để tránh cái cũ kéo lùi cái mới”.

Thủ tướng: Việt Nam cần hành động ngay

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận xét ở VN lượng người sử dụng Internet cao, xuất hiện nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm, nhiều DN phát triển công nghệ thông tin... Sau 30 năm lắp ráp, gia công, nay đã đến lúc VN có đủ điều kiện để chuyển sang sáng tạo làm ra các sản phẩm công nghệ VN. Cơ hội đến và không bao giờ trở lại, VN cần hành động ngay.

“Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội vàng cho những sáng tạo mới thay đổi lộ trình kinh doanh, các nền kinh tế sẽ chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng truyền thống như lao động giá rẻ, đất đai... sang mô hình tăng trưởng do công nghệ và đổi mới sáng tạo thúc đẩy. DN công nghệ VN cần thực hành khẩu hiệu sáng tạo tại VN, thiết kế tại VN, VN làm chủ công nghệ và chủ động trong sản xuất” - Thủ tướng nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm