Cú hích từ lãi suất tiền tiết kiệm, cho vay giảm

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành các quyết định giảm mạnh trần lãi suất huy động và cho vay, hàng loạt nhà băng đã đồng loạt công bố hạ lãi suất cho vay hoặc tung gói tín dụng hàng ngàn tỉ đồng với lãi suất ưu đãi. Động thái trên nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp (DN) mùa kinh doanh cuối năm, cắt giảm chi phí vốn cho nền kinh tế.

Liều thuốc mạnh chặn cuộc đua tăng lãi suất

Vietcombank trở thành ngân hàng đầu tiên “nổ phát súng” giảm đồng loạt 0,5% một năm lãi suất cho vay cho tất cả DN trong hai tháng cuối năm nay. Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, đánh giá đợt giảm này “lớn nhất từ trước đến nay” bởi áp dụng cho tất cả DN thay vì chỉ trong lĩnh vực ưu tiên.

Tương tự, một loạt ngân hàng khác như VietinBank, BIDV, Agribank… cũng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay 0,2%-0,5%/năm. Không chỉ vậy, nhiều ngân hàng đồng hành với DN, đặc biệt DN vừa và nhỏ khi tung ra các gói tín dụng ưu đãi. Chẳng hạn BIDV liên tục triển khai các chương trình, gói tín dụng ưu đãi với quy mô giải ngân lên đến trên 200.000 tỉ đồng với lãi suất cho vay thấp so với thông thường 1%-3%/năm.

Không đứng ngoài cuộc, Ngân hàng MB vừa triển khai gói ưu đãi tín dụng quy mô 2.500 tỉ đồng dành cho các DN nhỏ và vừa, lãi suất cho vay 6,25%/năm. Tương tự, ACB cũng triển khai gói tín dụng 5.000 tỉ đồng cho vay ưu đãi lãi suất từ 7%/năm dành cho DN nhỏ và vừa, cá nhân sản xuất - kinh doanh, nhất là khách hàng có nhu cầu vay vốn dịp cuối năm.

Thực tế cho thấy trong suốt một thời gian dài lãi suất tiền gửi tiết kiệm của các nhà băng liên tục tăng cao. Thậm chí có thời điểm lãi suất tiết kiệm thiết lập mốc 9%/năm, còn lãi suất đối với chứng chỉ tiền gửi lên tới 10,2%/năm. Khi lãi suất đầu vào liên tục tăng khiến lãi suất cho vay khó giảm, DN gặp khó vì chi phí vốn cao.

Trước cuộc đua lãi suất tiền gửi leo thang, mới đây NHNN phải can thiệp bằng việc sử dụng liều thuốc “nặng”. Đó là quy định trần lãi suất tiền gửi dưới một tháng còn 0,8%/năm và dưới sáu tháng còn 5%/năm, tương ứng mức giảm 0,2% và 0,5% so với trước đó. Ngay sau đó, hàng loạt ngân hàng đã phải điều chỉnh giảm cả lãi suất huy động tiền gửi tiết kiệm lẫn lãi suất cho vay.

Bình luận về diễn biến mới này, TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nhận định: Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu giảm tốc, Việt Nam có thể chịu những tác động bất lợi. Do vậy, việc NHNN giảm thêm lãi suất là điều cần thiết để hỗ trợ nền kinh tế nói chung và cộng đồng DN nói riêng.

Mặt bằng lãi suất dự báo sẽ hạ xuống trong những tháng tới, tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh. Ảnh: TL

Nhà kinh doanh có phần dễ thở nhưng…

Nhiều nhà kinh doanh cho rằng việc cắt giảm lãi suất giúp cho chi phí vốn thấp, kích thích DN và các nhà đầu tư tham gia nhiều hơn vào sản xuất, kinh doanh và phần nào kích thích tiêu dùng. Từ đó sẽ thúc đẩy kinh tế nước ta phát triển tốt hơn.

Ông Ngô Bình, đại diện một công ty kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp ở quận 9, TP.HCM, bày tỏ: Ước tính mỗi tháng công ty của tôi tiết kiệm được hơn 200 triệu đồng nhờ lãi suất khoản vay giảm 0,5%/năm so với trước đây. Đây là khoản tiền không nhỏ. Tuy nhiên, những chính sách ưu đãi này thường có thời gian rất ngắn, chỉ tầm 3-6 tháng mà với một công ty liên quan nông nghiệp đầu tư dài hơi thì điều này tạo hiệu quả thấp.

“Nên chăng, với các đơn vị sản xuất nông nghiệp, ngân hàng nên có các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi kéo dài 1-2 năm thì mới thực sự hỗ trợ cho họ trong việc giải quyết khó khăn về nguồn vốn” - ông Bình đề xuất.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Chánh Trung, Giám đốc điều hành mảng gạo và nhà máy gạo thuộc Tập đoàn Tân Long, nêu quan điểm: Mặt bằng lãi suất giảm đương nhiên hỗ trợ rất tốt cho hoạt động kinh doanh và tạo niềm tin cho DN. Nhưng với những đơn vị trong ngành nông nghiệp thì Nhà nước cần tạo cơ chế lãi suất cạnh tranh hơn vì nông nghiệp gắn liền với yếu tố mùa vụ.

Ví dụ Tân Long hoạt động kinh doanh theo xu hướng sản xuất bao tiêu sản phẩm nên phải dự nguồn chi phí vốn rất lớn 3-6 tháng trước để mua hàng nông sản, ứng trước chi phí cho nông dân, xử lý sau thu hoạch… Do vậy không thể đợi hoặc dự báo được đến khi nào lãi suất sẽ giảm để vay, nghĩa là khó hưởng lợi được nhiều từ chính sách lãi suất kể trên.

Bên cạnh đó, chính sách giảm lãi suất cho vay cần phải xác định đúng đối tượng. Đó là chỉ ưu đãi cho ông nào làm ăn thật, có chu kỳ vòng quay vốn dài, bao tiêu đầu ra sản phẩm cho nông dân… Không nên chọn lựa ưu đãi dựa theo các tiêu chí như DN nông nghiệp đã tìm được đầu ra, có thư tín dụng L/C… thì mới được hưởng lãi suất cho vay thấp.

“Thực tế một khi DN đảm bảo được các yếu tố như trên thì họ không cần vay nhiều vốn hoặc đã có đơn vị khác tài trợ vốn rồi. Hơn nữa, khi họ đã có vòng quay vốn quá chắc chắn, quá nhanh (1-2 tháng) thì việc vay vốn với lãi suất thấp cũng không có nhiều ý nghĩa” - ông Trung nhấn mạnh.

Mặt bằng lãi suất Việt Nam thuộc nhóm cao

Mặt bằng lãi suất của Việt Nam hiện nay thuộc nhóm khá cao so với các nước khác, dù lạm phát thời gian qua đã ổn định hơn. Lãi suất cho vay tại Việt Nam hiện dao động quanh mức 6%-12% tùy kỳ hạn. Trong khi lãi suất cho vay của Philippines là 7,11%, Thái Lan là 6,87%, Singapore chỉ ở mức 5,25%, Malaysia 4,76%, Hàn Quốc 3,31%, Trung Quốc 3,25%, Nhật Bản 0,95%.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, cho rằng trong bối cảnh thế giới chịu tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, ngân hàng trung ương nhiều nước cũng đã điều chỉnh giảm lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế tốt hơn. Chính vì vậy, việc giảm lãi suất tiền gửi và giảm lãi suất cho vay của NHNN sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế tốt.

Lãi suất giảm nhưng chưa được vay

Ông Lê Quang Doãn, Giám đốc Công ty Sản xuất đế giày Minh Diệu, cho hay hiện công ty đang vay vốn tại một ngân hàng thương mại nhưng chưa thấy ngân hàng thông báo gì về việc hạ lãi suất cho vay đối với cả khoản vay hiện hữu cũng như khoản vay mới. Trong khi đó, để sản xuất hàng cho mùa cuối năm, DN đã phải chủ động vốn từ ít nhất ba tháng trước.

“Như vậy chỉ một số đơn vị được giảm lãi suất hưởng lợi, còn những công ty khác thì vẫn đang chờ” - ông Doãn nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm