Chính phủ mạnh tay với thị trường ngoại tệ

Ngay trong ngày 26-11, hạ biên độ tỉ giá còn ±3% thay vì ±5%...  Đó là những thông tin quan trọng được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu công bố sáng 25-11. Chính phủ sẽ yêu cầu các tập đoàn nhà nước bán ngoại tệ cho ngân hàng.

Chính phủ mạnh tay với thị trường ngoại tệ ảnh 1

Tăng lãi suất cơ bản để thu hút thêm tiền người dân gửi vào các ngân hàng. Ảnh: HTD

Một USD tăng thêm 5,44%

Ông Giàu nhấn mạnh: “Việc điều chỉnh tăng các mức lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp vốn, lãi suất chiết khấu nhằm kiểm soát chặt chẽ quy mô và chất lượng tín dụng, phù hợp với các mục tiêu kinh tế vĩ mô, đồng thời tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại huy động các nguồn vốn từ nền kinh tế”.

Ngân hàng Nhà nước cũng công bố mức tỉ giá bình quân liên ngân hàng áp dụng cho hôm nay (26-11) là 17.961 VND/USD, tăng thêm 5,44% so với một ngày trước đó. Đồng thời, biên độ tỉ giá mới cho giao dịch mua bán giao ngay giữa USD và VND là ±3%, thay mức ±5%. Nghĩa là khống chế tỉ giá kinh doanh tại các ngân hàng không được cao quá hoặc thấp hơn 3% so với tỉ giá liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố hằng ngày. Với các điều chỉnh này, mức tỉ giá sàn giao dịch sẽ là 17.422 VND/USD và tỉ giá trần giao dịch sẽ là 18.500 VND/USD.

Theo ghi nhận, đầu phiên giao dịch sáng qua, tỉ giá USD trên thị trường tự do tại Hà Nội đạt mức cao, đến sát 19.900 VND/USD. Ngay sau khi có thông tin giảm biên độ tỉ giá mà Ngân hàng Nhà nước công bố, giá đồng USD đã giảm mạnh. Đến 12 giờ trưa, cũng tại thị trường tự do, một USD chỉ còn 19.600 đồng bán ra và 19.400 đồng mua vào.

Rà soát thuế để hạn chế nhập siêu

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu khẳng định, quyết định nêu trên được đưa ra với tinh thần là tiếp tục điều chỉnh nhanh, đồng bộ nhằm can thiệp thị trường. Việc giảm biên độ tỉ giá còn ±3% là nhằm bảo vệ tỉ giá.

Bên cạnh đó, theo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cần phải rà soát chính sách thuế nhập khẩu để hạn chế nhập siêu. Bộ Công thương cũng xem xét việc nhập khẩu những mặt hàng không cần thiết.

Một giải pháp được xem là sẽ có tác động mạnh đến thị trường ngoại tệ, theo ông Giàu đó là việc Thủ tướng sẽ yêu cầu một số tập đoàn thuộc Chính phủ đang nắm giữ ngoại tệ phải bán cho hệ thống ngân hàng. Theo con số trên tài khoản của các tổ chức tín dụng, hiện nay các tổ chức và doanh nghiệp có khoảng 10,3 tỉ USD. Số này so với đầu năm không tăng. Ví dụ tập đoàn A thu về hằng năm 6 tỉ USD nhưng cần 4 tỉ USD để nhập khẩu nguyên liệu, phần chênh lệch 2 tỉ USD nếu để tại tài khoản sẽ làm căng thẳng thị trường ngoại tệ.

“Hiện chưa có chủ trương kết hối bởi chúng ta vẫn duy trì lượng ngoại tệ đủ cho đến đầu năm sau. Do vậy giải pháp kết hối là không cần thiết. Nhưng theo tôi, những doanh nghiệp phù hợp nhất là những doanh nghiệp xuất khẩu tài nguyên của đất nước cần thiết bán số ngoại tệ cho ngân hàng. Hơn nữa, khi Thủ tướng yêu cầu các tập đoàn phải bán ngoại tệ cho ngân hàng cũng là điều bình thường vì đây là trách nhiệm của các tập đoàn, tổng công ty vì lợi ích chung của đất nước” - ông Giàu nhấn mạnh.

Lãi suất cho vay tối đa là 12%/năm

Tăng lãi suất cơ bản có ảnh hưởng đến nền kinh tế? Theo ông Giàu, lãi suất cho vay tối đa lên 12%/năm thì cũng không phải vấn đề gì khác thường. Ông Giàu nói: “Tối 24-11, khi thảo luận với các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư..., hầu hết mọi người chung nhận định việc điều chỉnh lãi suất cơ bản thêm 1% không có ảnh hưởng gì đến sự tăng trưởng. Lãi suất tăng có làm cho giá thành cao hơn một chút nhưng doanh nghiệp sẽ tiết kiệm vốn, sử dụng hiệu quả nguyên liệu nhằm đảm bảo tính cạnh tranh”.

Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết tăng trưởng tín dụng hiện đã chạm ngưỡng 34,5%, bình quân từ tháng 3 đến tháng 6 mỗi tháng tăng 4%, từ tháng 7 đến tháng 11 tăng bình quân khoảng 2,2%. Việc tăng lãi suất cơ bản sẽ góp phần duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế bền vững trong năm 2010.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu cho biết: “Tối 24-11, Thủ tướng đã kết luận dừng chính sách hỗ trợ lãi suất ngắn hạn 4% vào đúng thời hạn 31-12-2009 thay vì kéo dài đến hết 31-3-2010 với hỗ trợ 2% như dự kiến của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 10 vừa qua. Vì nâng lãi suất cơ bản mà để hỗ trợ lãi suất thì chẳng có ý nghĩa gì cả”.

Hoạt động kinh tế phải hài hòa các thị trường

Thị trường chứng khoán mấy hôm nay giảm liên tục, nhất là sau khi có thông tin Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất cơ bản lên 8%/năm. Theo ông Giàu, thị trường có sự dịch chuyển là tất yếu. Mỗi một thị trường đều có chính sách, giải pháp riêng, không thể căn cứ vào mục tiêu tăng trưởng tín dụng của ngân hàng được. Trong các hoạt động kinh tế phải hài hòa các thị trường. Còn mục tiêu tín dụng của Việt Nam và các quốc gia khác là tạo ra công ăn việc làm mới, tăng thu nhập cho xã hội chứ không thể phục vụ riêng cho thị trường nào cả.

 TS LÊ ĐĂNG DOANH: Cần khuyến khích để doanh nghiệp bán ngoại tệ

Đây là biện pháp mạnh để ổn định tỉ giá, bởi việc nâng lãi suất cơ bản để thu hút thêm tiền tiết kiệm của người dân vào các ngân hàng. Đồng thời, giải pháp này là nâng tỉ giá chính thức của đồng Việt Nam lên một mức đáng kể và hạn chế giao dịch tỉ giá liên ngân hàng còn mức 3% nhằm giúp củng cố thị trường tài chính tiền tệ. Theo tôi nghĩ, số ngoại tệ hơn 10 tỉ USD mà doanh nghiệp vẫn đang có trong tài khoản cần có giải pháp để khuyến khích, kêu gọi họ bán ra. Nếu chỉ cần bán cho ngân hàng thương mại 30% số ngoại tệ này cũng giải tỏa được việc căng thẳng trên thị trường ngoại tệ. Nếu 50% số ngoại tệ, khoảng 5 tỉ USD nói trên được bán cho các ngân hàng thì thanh khoản trên thị trường ngoại tệ sẽ cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, việc cần quan tâm ở đây là hiệu lực của giải pháp này như thế nào trong tình hình hiện nay liệu có làm dịu được mất cân đối về nhập siêu, cán cân thanh toán quốc tế hay không? Ngân hàng Nhà nước và các bộ Tài chính, Công thương... cần bàn bạc để có những giải pháp dài hạn nhằm hạn chế nhập siêu trong những năm tới. 

 LÊ THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm