Cao điểm bán hàng tồn đại hạ giá

Bà Đặng Quỳnh Đoan, chủ nhãn hiệu thời trang Việt Thy nhìn nhận: “Sức mua của thị trường hiện nay vẫn chưa bằng năm ngoái. Người tiêu dùng đang chuộng mua hàng giá rẻ, nên những cửa hàng nào không có hàng giảm giá sẽ khó kéo khách.

Hấp dẫn

Trong số các mặt hàng đại hạ giá thời điểm này, có những tên tuổi lớn trong nhóm mỹ phẩm như: L’Oreal, Dolce Gabana, Cavalli, YSL, Zegna Sports, CK, Mango, Guess, Nike, Triumph, Kappa, Etam, Bossini, La Senza… Nhiều mặt hàng vài tháng trước giá vài triệu đồng, nay chỉ còn 400 ngàn đồng. Việc các nhãn hàng mỹ phẩm cao cấp hạ giá mạnh đã thu hút nhóm khách hàng có thu nhập thấp mua sắm.

Dù tỷ lệ giảm giá thấp hơn, nhưng nhóm sản phẩm nội địa cũng đang đẩy hàng hạ giá ra thị trường với những thương hiệu quen thuộc: Việt Thy, Blue Exchance, Sanding, Nino Maxx, Hagattini… Trong đó, nhiều mặt hàng áo sơ mi bán giá 39.000 – 59.000 đồng/ sản phẩm, thậm chí có những chiếc áo chỉ còn 24.000 đồng.

Không ít siêu thị điện máy đang trong chương trình bán hàng tồn. Trong nhóm hàng điện tử, điện gia dụng, công nghệ thông tin mức giảm giá cũng hấp dẫn không kém: dao động từ 10 – 50%. Các mặt hàng đã giảm đến bất ngờ như máy hút bụi Goldsun còn 399.000 đồng, bếp gas Electrolux hai bếp 399.000 đồng, máy ảnh Panasonic FS4 chỉ 1,99 triệu đồng.

Bán theo… mớ

Theo một nhà sản xuất hàng may mặc nhãn hiệu Việt Nam, lượng hàng tồn “lý tưởng” nằm trong khoảng 15 – 20% lượng hàng sản xuất hoặc lượng hàng nhập. Trong khi đó, ghi nhận tại năm công ty sản xuất hàng may mặc thời trang tại TP.HCM cho thấy, lượng hàng tồn trong năm 2009 này nhiều hơn năm ngoái từ 40 – 300%. Sản xuất ra nhiều nhưng tiêu thụ không hết, dẫn đến tình trạng hàng tồn tăng lên.

Chỉ số tồn kho một số sản phẩm (1.11.2009 so 1.11.2008)

Sữa tươi tiệt trùng: 129,4%; nước uống có gas: 122,5%; kem đánh răng: 258,8%; dầu gội đầu: 208%; quần áo mặc thường cho người lớn: 137%; giày dép, ủng bằng da cho người lớn: 141,6%; sản phẩm gia dụng và văn phòng bằng plastic: 158,5%.

(nguồn: tổng cục Thống kê)

Giám đốc một doanh nghiệp trực thuộc Vinatex cho hay, một sản phẩm được xem là hàng tồn khi thời gian tồn tại của nó có tuổi thọ trên ba tháng. Vào thời điểm này, giá của mặt hàng đó chỉ còn 90% so với giá ban đầu, từ 4 – 5 tháng giá chỉ còn 70% giá ban đầu, sau sáu tháng giảm còn 50%. Sau khoảng thời gian này, nếu vẫn chưa bán hết, nhà sản xuất sẽ đẩy hàng bán cho những người “buôn gánh bán bưng” lề đường với giá “bán mớ”, có khi chỉ chục ngàn đồng/ sản phẩm.

Với nhóm hàng điện máy, công nghệ thông tin, theo các nhà kinh doanh, sau sáu tháng kể từ ngày sản xuất đã được gọi là “đề mốt”. Chính vì thế, vào thời điểm này, nhà bán lẻ và nhà sản xuất buộc phải có những chương trình khuyến mãi để bán hàng. Ông Nguyễn Cảnh Hiền (Bách Khoa Computer) nói: “Càng về sau, vòng đời sản phẩm công nghệ thông tin càng ngắn hơn. Nếu sau sáu tháng, không bán được, còn nằm trong kho đã được xem là hàng tồn. Lúc này chỉ còn cách chấp nhận giảm giá để bán hết hàng”. Giám đốc kinh doanh của một siêu thị điện máy tại TP.HCM xác nhận: “Trong nhóm hàng điện máy hiện nay đang bán trên thị trường có trên 50% liệt vào nhóm hàng tồn”.

Áp lực thu hồi vốn

Ông Dũng, một chuyên gia trong ngành điện tử nói: “Hiện nay ít có nhà bán lẻ Việt Nam nào can đảm xác nhận hàng tồn. Tuy nhiên, nếu là hàng mới sản xuất, tôi dám cá cược là không có hãng sản xuất, nhà bán lẻ nào lại giảm giá mạnh như thế”, ông Dũng nhấn mạnh.

Nhưng dù có giảm đến mức nào, theo nhiều doanh nghiệp, thì việc chấp nhận giảm giá chính là để thu hồi vốn. Lý do là các doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ đang trong tình trạng thiếu vốn, nếu không muốn nói là thiếu trầm trọng. “Thà chấp nhận bán giảm giá để thu hồi vốn. Nếu giữ hàng mà đi vay ngân hàng có vốn sản xuất sẽ rất nguy hiểm”, một doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc cho biết.

Theo tính toán của các nhà sản xuất, hàng thời trang cao cấp chỉ cần bán được 40 – 50% số lượng là đã đạt lợi nhuận và có thể tính đến các chiêu thức giảm giá 5 – 10%, khuyến mãi, tặng quà... để đẩy tốc độ tiêu thụ lên nhanh hơn.

Theo Minh Phúc – Minh Thành ( SGTT)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm