Cảnh giác lừa đảo thương mại

Đối tác này đã đề nghị DN Việt Nam mở tài khoản trung gian qua NH rồi sẽ trả trước 50% giá trị đơn hàng là 11 triệu USD. Sau khi thẩm tra, Thương vụ Việt Nam tại châu Phi kết luận đây chỉ là một vụ lừa đảo nhằm chiếm đoạt các khoản phí.

Cuối tháng 10-2011, Văn phòng Thương vụ Tổng Lãnh sự quán Hoàng gia Thái Lan tại TPHCM cũng cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo trong thương mại khi giao dịch hợp đồng mua bán qua mạng. Cảnh báo được đưa ra sau khi một DN Việt Nam “dính” cú lừa với một đối tác “dỏm”, mạo danh một công ty lớn tại Thái Lan chuyên sản xuất và xuất khẩu giấy photocopy. Đối tác lừa đảo đã quảng cáo về một hợp đồng làm ăn giá rẻ bất ngờ, điều kiện hấp dẫn… qua mạng đã thu hút một DN Việt Nam có nhu cầu nhập khẩu giấy.

Để tăng lòng tin, đối tác “dỏm” này còn gửi email bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, chứng nhận chất lượng sản phẩm được scan không công chứng rồi hối thúc bên mua ký hợp đồng mua bán sớm với lý do hàng sắp hết, sắp tăng giá… Sau khi DN Việt Nam chuyển 10% giá trị hợp đồng rồi tăng lên 30% vẫn không thấy hàng đâu mới biết bị lừa. Trước đó, hồi tháng 3-2011, Thương vụ Việt Nam tại Pakistan cũng cảnh báo về hiện tượng một số DN trong nước bị lừa đảo trên thị trường Pakistan…

Chuyện DN Việt Nam bị lừa đảo tại thị trường các nước không mới, cơ quan chức năng cũng nhiều lần cảnh báo nhưng vẫn tiếp tục xảy ra. Lý giải điều này, Thương vụ Việt Nam tại các nước cho rằng các tổ chức lừa đảo thường đánh vào tâm lý DN Việt Nam sơ hở, nhẹ dạ khi không giám định uy tín của đối tác, ít giao dịch qua ngân hàng. Chưa kể kẻ lừa đảo còn đánh vào tâm lý thích hợp đồng giá rẻ, điều kiện thuận lợi. Vì vậy, DN nên cảnh giác khi các đối tượng lừa đảo giao dịch qua email công cộng, lấy tài khoản NH là tên cá nhân, điện thoại di động…

Các chuyên gia kinh tế cho rằng thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, các DN cần cảnh giác, tìm hiểu kỹ đối tác. Với những hợp đồng có giá trị lớn với đối tác nước ngoài nên mở L/C qua NH để tránh rủi ro.

Theo Dương Tâm ( NLĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm