Các khu ẩm thực ở phố Tây quậy cựa để tồn sinh

Nhiều nhà hàng, quán ăn và khu phố phục vụ người Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan… ở TP.HCM ảm đạm, đìu hiu do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Thưa vắng khách

Khu phố ẩm thực mang phong cách Nhật Bản trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1) trước đây luôn tấp nập nhưng nay đìu hiu, khách thưa thớt. Ghé vào con hẻm số 15A/B Lê Thánh Tôn, chúng tôi nhận thấy sự yên tĩnh bao trùm. Nhà hàng mì Nhật Ryushin vốn được nhiều thực khách ưa thích đã đóng cửa, trên tường dán đầy thông báo cần cho thuê mặt bằng. Hàng loạt nhà hàng, tiệm spa, quán bar, tiệm nail… tại đây cũng treo biển trả mặt bằng, đóng cửa, sang quán.

“Trước đây rất nhiều người Nhật đến đây sinh sống, kinh doanh, tham quan, mua sắm nên được gọi là phố Nhật. Nhưng từ khi dịch COVID-19 bùng phát, khách Nhật nói riêng và du khách nước ngoài nói chung giảm thê thảm khiến việc kinh doanh tại con phố này gần như đóng băng” - anh T., chủ một cửa hàng ở đây nói.

Tương tự, nhiều con phố tập trung đông cộng đồng người Hàn Quốc ở phường Tân Phong (quận 7) cũng chung cảnh ngộ đìu hiu. Nhiều nhà hàng, quán ăn, cửa hàng thời trang, tiệm làm đẹp... nơi đây đều hướng đến đối tượng khách Hàn nhưng nay vắng bóng người. Thậm chí, không ít biển hiệu tiếng Hàn bị tháo dỡ vì đã chuyển đổi mục đích sử dụng mặt bằng.

Đáng chú ý, phố đi bộ Bùi Viện vốn luôn sôi động, tấp nập ngày đêm nay cũng buồn tênh. Bà Lệ, chủ một điểm bán đồ nướng tại khu phố này cho biết: “Khi chưa có dịch, bình thường ngày cuối tuần doanh thu bán hàng được khoảng 10 triệu đồng/ngày, bây giờ chỉ được 2-3 triệu đồng là may mắn lắm rồi. Thu nhập không đủ chi phí vì còn phải trả lương cho người làm. Buổi sáng tôi bán cơm tấm, đến tối dọn ra có ai mua thì bán, chủ yếu để cầm cự qua ngày”.

Ông Võ Quốc Thanh, Giám đốc Tập đoàn Quoc Thanh Group đang quản lý chuỗi các quán bar, beer club… tại phố đi bộ Bùi Viện, kể: Khi dịch COVID-19 xảy ra lần một, tập đoàn cố gắng xoay xở, vay mượn để có thể duy trì hoạt động. Đến tháng 5, các chuỗi nhà hàng, quán bar được phép mở cửa trở lại. Nhưng khi dịch bùng phát trở lại, các chuỗi quán bar, beer club lại phải đóng cửa. Điều này khiến tập đoàn đuối sức.

“Tất cả nguồn thu nằm trong kinh doanh dịch vụ nhưng dịch xảy ra lần hai khiến chúng tôi không được kinh doanh. Chúng tôi không có nguồn thu để chi các khoản như thuê mặt bằng, nợ vay ngân hàng, lương cho nhân viên, điện nước…” - ông Thanh lắc đầu ngao ngán.

Hàng loạt nhà hàng, quán ăn, quán bar… tại khu phố Nhật treo bảng sang quán, cho thuê mặt bằng vì kinh doanh ế ẩm. Ảnh: TÚ UYÊN

Chuyển quán bar sang… quán ăn

Trước những khó khăn chồng chất buộc các ông chủ doanh nghiệp phải tự xoay xở, chuyển đổi mô hình kinh doanh. “Từ ngày 28-8, chúng tôi bắt đầu chuyển nhiều quán bar sang… nhà hàng ẩm thực, quán ăn thuần túy. Những quán ăn này đảm bảo các tiêu chí an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19. Chẳng hạn trước đây quán có 20 bàn, giờ giảm xuống còn 10 bàn với khoảng cách 4 m; không mở nhạc, không DJ… mà chỉ mở đèn theo kiểu quán ăn gia đình” - ông Võ Quốc Thanh cho biết.

Nói thêm về mô hình mới này, ông Thanh cho rằng nếu tiếp tục kinh doanh theo mô hình cũ sẽ “chết” vì hiện nay khách quốc tế không đến Việt Nam. Hơn nữa, chưa biết dịch kéo dài đến bao giờ. “Quan trọng là phải tìm cách tồn tại được đến khi dịch qua đi. Không thể chờ đợi nên chúng tôi buộc phải chuyển đổi mô hình kinh doanh mới và bán cho khách nội địa. Cố gắng tối đa để có thu nhập trang trải phần nào các chi phí, cố gắng cầm cự” - ông Thanh hy vọng.

Theo Sở Du lịch TP.HCM, đến thời điểm hiện nay có khoảng 90%-95% doanh nghiệp lữ hành tạm ngưng hoạt động, chỉ một số ít còn hoạt động để xử lý các công nợ với đối tác, khách hàng.

Khách du lịch quốc tế không đến, khách du lịch nội địa vắng vẻ khiến ẩm thực cũng bị ảnh hưởng nặng nề. 

Trong khi đó, ông Lưu Nhật Tuấn, Giám đốc khu ẩm thực Asian Food Town tọa lạc trong chợ ngầm Central Market, cũng cho hay dù nhận được hỗ trợ từ chủ đầu tư nhưng công ty vẫn lỗ. Lý do là ngoài tiền thuê mặt bằng còn chi phí điện, nước và hơn 30 nhân viên phục vụ cho khu ẩm thực hàng ngàn mét vuông. Chính vì vậy, để tồn tại trong bối cảnh dịch hiện nay, công ty phải thay đổi hướng đi, thay đổi mô hình kinh doanh.

“Chúng tôi đang cố gắng làm những gì có thể để có thể duy trì hoạt động. Ví dụ, chúng tôi không thu bất kỳ loại phí nào của các chủ gian hàng ẩm thực và không lấy tiền thuê gian hàng mà chỉ thu phí tương đương như Grab Food cho phần doanh thu bán offline. Như vậy, chủ gian hàng ẩm thực có thể phục vụ khách hàng kênh online ở khu vực trung tâm và cận trung tâm nhanh hơn mà không phải trả tiền mặt bằng” - ông Tuấn chia sẻ.

Theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, việc nhà kinh doanh dịch vụ ăn uống xoay xở, tìm tòi, sáng tạo hoặc chuyển đổi sang ngành nghề khác để sống sót đáng được khuyến khích. Bởi chỉ có làm như vậy mới có thể vừa giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, vừa tiếp tục tồn tại và phát triển.

Bên cạnh đó, ông Quang gợi ý: Trong tình hình dịch bệnh còn phức tạp, dịch vụ giao hàng tận nhà có thể là lối thoát cho ngành này vì con người không thể không ăn. “Thực tế hiện nay có một số chủ quán ăn đã đóng cửa, mở nhà hàng trên mạng xã hội, giao tận nhà cho khách hàng. Đây là giải pháp hiệu quả trong bối cảnh sống chung với dịch” - ông Quang nói.

90% cơ sở có nguy cơ phá sản do không cân đối được thu chi

Theo Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA), cả nước hiện có hơn 550.000 cơ sở dịch vụ ăn uống. Trong đó có khoảng 430.000 cơ sở kinh doanh truyền thống; hơn 82.000 nhà hàng chuyên dịch vụ thức ăn nhanh; hơn 22.000 cửa hàng cà phê, các quán bar và hơn 16.000 cơ sở dịch vụ ăn uống khác.

Trước những khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19, đến tháng 6 dự kiến có khoảng 80% cơ sở có nguy cơ giảm doanh thu trên 50%, 90% cơ sở có nguy cơ phá sản do không cân đối được thu chi…

VCCA đánh giá trong những năm qua, ẩm thực là một trong những ngành kinh tế có tiềm năng tăng trưởng tốt, mỗi năm đóng góp 15% GDP cả nước. Tuy nhiên, dịch COVID-19 vẫn đang tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh ngành ẩm thực và ảnh hưởng nặng nề đến các chuỗi cung ứng trong ngành ẩm thực như thủy hải sản, nông nghiệp, dịch vụ...

VCCA đã có công văn gửi các cơ quan chức năng kiến nghị các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ẩm thực. Đơn cử như thành lập ban cố vấn khẩn cấp phòng, chống tác động của dịch đến ngành này. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm