Bỏ trần lãi suất huy động: Cởi trói hành chính!

Tại Hội nghị giao ban trực tuyến sáu tháng đầu năm của Chính phủ với các địa phương ngày 27-6, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Đồng Tiến cho biết có thể dỡ bỏ trần lãi suất huy động trên sáu tháng.

Thông tin này được nhiều chuyên gia tài chính và lãnh đạo các ngân hàng thương mại đánh giá cao vì nó hứa hẹn trả lại sự minh bạch cho thị trường tài chính - ngân hàng.

Bỏ trần lãi suất huy động: Cởi trói hành chính! ảnh 1
Đồ họa: KP

“Tín hiệu tích cực”

Ông Bùi Văn, giảng viên chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright của Trường ĐH Kinh tế TP, cho biết: Trên thế giới các ngân hàng trung ương đều điều hành thị trường bằng công cụ lãi suất, có khác nhau là họ điều hành thị trường lãi suất bằng dòng tiền ra vào thông qua nghiệp vụ thị trường mở. Nghĩa là khi thấy thị trường khan tiền thì lập tức ngân hàng trung ương sẽ bơm tiền ra bằng cách mua vào trái phiếu Chính phủ và các loại giấy tờ có giá. Làm ngược lại thì đó là cách hút tiền vào của ngân hàng trung ương.

Ở Việt Nam, lâu nay NHNN cũng điều hành thị trường tài chính bằng dòng tiền nhưng do thị trường trái phiếu Chính phủ còn nhỏ và nhiều ngân hàng yếu nên cơ quan quản lý áp thêm mệnh lệnh hành chính là trần lãi suất huy động. “Tôi thấy đây là thời điểm thuận lợi để NHNN làm việc này, là tín hiệu tích cực cho thị trường lãi suất. Bởi các yếu tố ảnh hưởng đến lãi suất như lạm phát thì đã hạ nhiệt và hơn hết, lượng tiền trong các ngân hàng thương mại đang ứ nhiều” - ông Văn bình luận.

Tiến tới minh bạch thị trường vốn

Thực tế cho thấy từ năm 2005 đến 2007 thị trường quá nhiều tiền cung ra nên không ai quan tâm đến việc áp dụng mệnh lệnh hành chính cho thị trường lãi suất.

Trần lãi suất huy động chỉ được NHNN áp mức 12% vào tháng 2-2008 nhưng chỉ được vài tháng là bỏ. Tháng 3-2010, khi các ngân hàng nhỏ chạy đua tăng lãi suất huy động thì cơ chế trần lãi suất huy động áp dụng trở lại. Tuy nhiên, thị trường vẫn “làm ngơ” với quy định này và lãi suất huy động thực tế trên thị trường bỏ xa mức trần 14%.

Câu chuyện phải áp trần lãi huy động phản ánh việc trước đó hàng loạt các ngân hàng thương mại có quy mô nông thôn được nâng cấp lên quy mô đô thị. Các ngân hàng nhỏ này vốn yếu, lực yếu nên đã chạy đua huy động tiền trong dân, đẩy lãi suất lên cao, buộc NHNN phải thêm công cụ hành chính để điều hành.

Sang năm 2013, NHNN triệt để tái cấu trúc ngành ngân hàng qua việc cho hợp nhất, sáp nhập, nhiều ngân hàng thương mại đã phần nào lành mạnh hóa, là cơ sở để tiến tới minh bạch thị trường vốn, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Biết được ngân hàng nào mạnh, yếu

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông, cho biết: “Đây là thông tin rất tích cực cho thị trường vốn. Một khi lãi suất áp dụng theo thị trường thì đường cong lãi suất sẽ xuất hiện, nghĩa là lãi suất huy động kỳ hạn ngắn, dài sẽ khác nhau, linh hoạt, không “phẳng” như lúc này - kỳ hạn ba tháng cũng như 12 tháng. Từ đây các ngân hàng thương mại sẽ chủ động lên kế hoạch kinh doanh cho mình, tính toán giảm lãi suất cho vay với khách hàng”.

Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB, cũng nhận định trả lãi suất về cho thị trường là trả lại sự chủ động cho ngân hàng. “Anh (ngân hàng) cần tiền thì nâng lãi suất huy động lên, anh có nhiều tiền thì ngược lại. Nếu vẫn áp trần lãi suất thì là còn mệnh lệnh hành chính, thị trường méo mó. Đã là kinh tế thị trường thì không thể méo mó được hoài, nhất là kinh doanh tiền” - ông Toại phân tích.

Theo lãnh đạo một số ngân hàng thương mại, bỏ trần lãi suất thì Nhà nước sẽ biết ngân hàng nào mạnh, nào yếu, thanh khoản ra sao, “áp trần lãi suất thì giống cá mè một lứa, chỉ có người trong ngành mới biết ngân hàng A, ngân hàng B thanh khoản thế nào chứ người dân và doanh nghiệp thì chịu”.

Từ 28-6, lãi huy động VND về 7%, USD còn 1,25%/năm

Ngày 27-6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ký các Thông tư số 14 và 15-2013 quy định lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng USD và VND của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo Thông tư số 14, từ ngày 28-6, lãi suất tiền gửi bằng USD của tổ chức giảm từ 0,5%/năm xuống 0,25%/năm; lãi suất USD tối đa tiền gửi của cá nhân giảm từ 2% xuống 1,25%/năm. Mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi quy định như trên áp dụng với phương thức trả lãi cuối kỳ.

Lãi cho vay về mức 9%/năm với các lĩnh vực ưu tiên

Cũng trong ngày 27-6, NHNN ban hành Thông tư 16 quy định lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tối đa là 9%/năm; riêng Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô ấn định lãi suất cho vay ngắn hạn bằng đồng Việt Nam tối đa là 10%/năm.

Các khoản cho vay ngắn hạn được áp dụng lãi suất cho vay tối đa này là các khoản cho vay nhằm đáp ứng các nhu cầu vốn: Phục vụ lĩnh vực phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại NĐ 41/2010; thực hiện phương án, dự án sản xuất - kinh doanh hàng xuất khẩu theo quy định tại Luật Thương mại...


BÙI NHƠN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm