Bảo vệ người tiêu dùng chủ yếu ở... hội thảo

Đó là một hạn chế được ông Nguyễn Phương Nam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) đánh giá tại hội thảo nhìn lại một năm triển khai thực hiện Luật Bảo vệ người tiêu dùng, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức sáng 18-7 tại Hà Nội.

Ông Nam cho biết năm 2011 có đến hơn 550 vụ việc khiếu nại đến các Sở Công Thương, gần 2.000 vụ khiếu nại đến Hội Bảo vệ người tiêu dùng địa phương và khoảng 60 vụ khiếu nại đến Cục Quản lý Cạnh tranh. Tuy vậy, việc giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng bằng thủ tục đơn giản chưa được triển khai, các tổ chức xã hội ít tham gia bảo vệ người tiêu dùng mặc dù luật đã dành hẳn một chương (chương 2) quy định về việc này...

Mặt khác, theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, kết quả xử lý các vụ vi phạm chưa quyết liệt và nghiêm minh. Điển hình là tình trạng doanh nghiệp có được thông tin của cá nhân của người tiêu dùng đã tập hợp bán dữ liệu trên cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh khác để tiếp thị, gây phiền hà cho người tiêu dùng hoặc tình trạng thực phẩm kém vệ sinh an toàn… nhưng kết quả xử lý các vi phạm chưa được quyết liệt và nghiêm minh. “Cần thành lập các quỹ bảo vệ người tiêu dùng ở một số ngành hàng “nhạy cảm” như điện, nước, vận tải hàng không, vận tải đường sắt, bưu chính viễn thông… Nên bắt buộc tổ chức, cá nhân kinh doanh các mặt hàng có nguy cơ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng mua bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm. Bên cạnh đó, cần có nghị định xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ người tiêu dùng” - ông Lộc đề nghị.

T.HẰNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm