Báo chí đồng hành với doanh nghiệp vượt dịch COVID-19

Nhiều giải pháp giúp doanh nghiệp (DN) vượt qua đại dịch đã được đưa ra tại buổi tọa đàm “Báo chí - DN đồng hành cùng đất nước hội nhập lần thứ 1: Cơ hội và thách thức đối với DN trong cuộc chiến chống COVID-19”, do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức chiều 18-9 tại TP.HCM.

Cơ hội giữa mùa dịch

Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ), cho biết công ty vẫn tăng trưởng tốt trong hai quý đầu năm 2020 và dự kiến cả năm vẫn tăng trưởng dương.

“Nữ hoàng” ngành trang sức cho rằng thời cơ trong khủng hoảng do dịch COVID-19 chính là nhận ra được những thế mạnh, điểm yếu của DN mình. Theo bà Dung, cú sốc dịch diễn ra vào tháng 3-2020 đã làm cho nhiều kế hoạch kinh doanh triển khai của DN bị sụp đổ. Nhưng không bỏ cuộc, phát huy tính thích ứng và linh hoạt của DN Việt Nam, DN nhìn lại thế mạnh của mình,

“Cắt giảm chi phí, cơ cấu lại hàng tồn kho, đẩy mạnh kênh bán hàng online, tập trung R&D (nghiên cứu và phát triển) những sản phẩm chất lượng có giá trị gia tăng cao để tung ra sau khi dịch được kiểm soát. Và khi dịch xảy ra thì DN quan tâm hàng đầu là bảo vệ người lao động, đảm bảo họ có việc làm, chuyển sang làm việc online trong thời kỳ giãn cách xã hội” - bà Dung chia sẻ.

TS Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế, đánh giá đợt thứ hai của dịch COVID-19 tác động đến nền kinh tế thực sự nghiêm trọng, tuy nhiên nền kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng. Đơn cử xuất khẩu vẫn tăng, trong tám tháng đầu năm Việt Nam xuất siêu gần 12 tỉ USD. Giải pháp thúc đẩy đầu tư công đã bắt đầu phát huy tác dụng...

Tuy nhiên, ngành đang gặp rất nhiều khó khăn là du lịch, hàng không, nhà hàng, khách sạn… Vì vậy, theo TS Trần Du Lịch gói đầu tiên về tín dụng, tài khóa là để DN thở, sắp tới cần gói thứ hai là phao cứu trợ để DN có sức phát triển phục hồi sau dịch. Bên cạnh đó, DN phải tái cơ cấu, khai thác thị trường từ các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết tham gia. “Tinh thần lạc quan, năng động ứng phó mọi khó khăn đó là những điểm mạnh của DN Việt Nam cần phát huy” - ông Lịch chia sẻ.

Dù khó khăn nhưng xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt vẫn có nhiều tín hiệu khởi sắc. Ảnh: QUANG HUY

Hợp tác với báo chí

Đại diện hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết do ảnh hưởng của dịch, hãng dự kiến sẽ lỗ tới 15.000 tỉ đồng trong năm nay. Có ngày chỉ bay được ba chuyến, 90% máy bay nằm ở đất, không cất cánh

Tuy nhiên, đại diện hãng này vẫn lạc quan cho rằng sẽ vượt qua những khó khăn khi dịch được kiểm soát. Vì trong thời gian qua ngành hàng không cùng Chính phủ và đặc biệt là báo chí đã đồng hành. “Để có sự đồng thuận đưa ra được các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ những chỉ đạo kịp thời, thiết thực của cơ quan nhà nước là nhờ sự thông tin đầy đủ, kịp thời của báo chí. Có ngày tôi đọc thấy hàng trăm tờ báo đăng thông tin về những khó khăn của ngành hàng không, du lịch…” - đại diện hãng này nói.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, đánh giá những cống hiến, đóng góp của DN được báo chí thông tin. Bên cạnh đó, những khó khăn, vướng mắc cũng được báo chí phản ánh kịp thời. Để từ đó có những chính sách hỗ trợ về tín dụng, về tài khóa để tháo gỡ những khó khăn, hỗ trợ DN gặp khó khăn, thúc đẩy sự phát triển nền kinh tế.

Doanh nghiệp cần coi báo chí là đối tác

Chia sẻ tại tọa đàm, nhà báo Mai Ngọc Phước, Tổng biên tập báo Pháp Luật TP.HCM, đánh giá báo chí đã đồng hành cùng DN trong thời gian qua và cùng đồng cam cộng khổ với DN.

Báo chí là cầu nối giữa DN và Nhà nước, báo chí phản ánh những chủ trương, chính sách của Nhà nước đối với nền kinh tế, cộng đồng DN. Ngược lại, báo chí cũng lắng nghe, chia sẻ khó khăn với DN trong việc thực thi các chính sách, chủ trương đó để cơ quan nhà nước tiếp nhận và có những điều chỉnh phù hợp.

“Các cơ quan báo chí cần thông tin chính xác, trung thực, đa chiều, kịp thời để tránh DN bị thiệt hại. Báo chí cũng không để DN bất chính lộng hành, đưa ra ánh sáng những DN vi phạm quy định của pháp luật. Ngược lại, DN cũng cần coi báo chí là đối tác để cùng trao đổi, chia sẻ thông tin” – ông Phước nói. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm