CHỢ QUẶNG VÙNG BIÊN - BÀI 1:

Bán quặng xuyên biên giới như… bán rau!

Từ nhiều năm nay, Nguyên Bình được coi là “điểm nóng” trong quản lý, cấp phép, khai thác trái phép và tình trạng mua bán, vận chuyển quặng thô trái pháp luật. Thời điểm hiện tại, ước tính, mỗi tuần các tư thương gom được hàng trăm tấn quặng thô từ Nguyên Bình để tuồn qua đường biên qua các điểm trung chuyển…

Trong phiên họp Chính phủ thường kỳ vào đầu tháng 11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu, trong các chiến lược, kế hoạch khai thác khoáng sản cần khẳng định rõ quan điểm nhất quán là trong khai thác khoáng sản phải tính đến hiệu quả cao nhất, theo đó phải hướng vào chế biến sâu, dứt khoát không xuất khẩu thô.

Còn Bộ trưởng KH-ĐT Bùi Quang Vinh cho hay, cần hạn chế tối đa việc xuất khẩu khoáng sản chưa được chế biến sâu; nên nghiêm cấm việc tận thu khoáng sản bởi trên thực tế, rất nhiều dự án tận thu khoáng sản đã phá vỡ hệ thống cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, đời sống cư dân..

Tuy nhiên, trong thực tế tại một số địa phương thì sao? Nhóm PV đã ghi nhận tại Cao Bằng, nơi được xem là 'điểm nóng' về vấn đề khai thác khoáng sản trong thời gian vừa qua.

Bán quặng xuyên biên giới như… bán rau! ảnh 1
Người dân tập kết quặng tại chân dốc xã Vũ Nông, huyện Nguyên Bình, Cao Bằng.
Không ngoa khi khẳng định, ở Nguyên Bình người ta mua quặng dễ hơn… mua rau. Bởi một lẽ, những thung lũng phì nhiêu, những cánh đồng hiếm hoi dọc những con suối, những thửa ruộng canh tác lúa nước…, vài năm trước, các doanh nghiệp khai khoáng đã về đây lập dự án, bồi thường đất nông nghiệp cho người dân để tiến hành đào quặng; và sau đó, chính những người nông dân cũng trở thành “quặng tặc” trên chính thửa ruộng của mình. Người ta lật những khoảng đất phì nhiêu hiếm hoi để đào quặng.
Bán quặng xuyên biên giới như… bán rau! ảnh 2
Quặng thô được đưa lên xe tải trọng 8 tấn để chuyển đến các bãi tập kết ngoài thị xã.
Đất nông nghiệp mất, chục năm sau nữa chưa chắc đã tiến hành canh tác được trở lại… Vì lẽ đó, người dân địa phương mua rau ăn còn khó khăn hơn đi mua… quặng, vì chỉ cần lật một nhát cuốc đã có quặng rơi ra, không cần mất thời gian chăm bón như… trồng rau. Đó là tình trạng phổ biến ở nhiều xã ven các sông suối vài năm về trước.   Chúng tôi ghi nhận thực trạng này dọc tỉnh lộ 34 chạy qua các xã Đạo Đức, Vũ Nông, Phan Thanh… của huyện Nguyên Bình.
Bán quặng xuyên biên giới như… bán rau! ảnh 3
"Chợ quặng Nguyên Bình" tấp nập vào cuối ngày.
Tại địa phận xã Vũ Nông đối diện với mỏ sắt Tĩnh Túc. 18h, những chợ quặng bắt đầu hoạt động. Hàng trăm bà con người dân tộc bản địa hối hả gùi những gừi quặng từ trong các hẻm núi đi ra, tập kết thành từng đống, mỗi đống cách nhau chừng chục mét. Một nhóm tư thương đứng ra thu mua, mang theo cả cân đồng hồ đặt ngay rệ đường. Vài chiếc xe tải trọng dưới chục tấn đã cắm đuôi đứng sẵn ở đó. Đây sẽ là phương tiện vận chuyển quặng ra các điểm tập kết bên ngoài thị xã, cách thủ phủ Nguyên Bình chừng 30km. Có khoảng chục đống quặng đã chất sẵn như thế, mỗi đống quặng ước tính nặng hàng tấn. Nhiều đống quặng, người dân lấy bạt xanh, hoặc lá cây phủ lên. Người đàn ông chăn trâu chúng tôi gặp bên đường cho hay: đó là quặng sắt do người dân tự khai thác. Một ngày làm việc của một người được chừng vài lần gùi, mỗi gùi gần 1 tạ quặng. Tất cả đều là quặng sắt.
Bán quặng xuyên biên giới như… bán rau! ảnh 4
Những hình ảnh quen thuộc tại xã mỏ sắt Bó Lêch, xã Hoàng Tung, huyện Hòa An (Cao Bằng).
Ở Vũ Nông và nhiều xã khác trong huyện Nguyên Bình, việc đi đào quặng hay mót quặng thô từ các điểm mỏ đã khai thác hết là việc làm phổ biến. Người người đào quặng, nhà nhà đào quặng. Đây cũng là công việc mang lại thu nhập chính cho người dân, khi nông nghiệp vẫn còn ở trình độ quảng canh và người dân không có nghề phụ. Đi thêm chừng nửa cây số, chúng tôi gặp nhiều đám đông khác, gồm đủ cả trai gái, già trẻ. Mọi người hối hả gùi quặng, cân quặng, đổ quặng lên một chiếc xe tải trọng 8 tấn đậu sẵn. Những chiếc xe tải trọng dưới chục tấn này, không khó khăn gặp ở dọc đường 34 của huyện Nguyên Bình. Nhiệm vụ duy nhất của những chiếc xe này, đó là bốc quặng từ các điểm thu gom nhỏ lẻ đến các điểm tập kết, để từ đó tuồn sang Trung Quốc theo các con đường tiểu ngạch. Một thanh niên người dân tộc mặc chiếc áo xanh (như áo sinh viên tình nguyện) làm công việc kiểm cân. Chiếc cân đồng hồ 100kg đặt ven đường. Hai phụ nữ người Dao nhặt quặng xếp lên một chiếc gùi đặt ở trên mặt cân. Một mã cân là 1 tạ. Quặng cân xong được đổ sang một bên, chất thành một đống chạy dài vài mét dọc bên đường. Ước tính, điểm gom quặng này lên tới cả chục tấn. Anh thanh niên tên H. cho hay: anh cũng chỉ là người đi cân quặng thuê. Công việc của anh là ghi các mã cân vào cuốn sổ (tập vở ô-ly của học sinh), sau đó, quặng được đưa lên các xe tải trọng 8 – 10 tấn đưa đến các vùng trung chuyển. “Việc này (cân quặng) chừng 2 – 3 ngày/1lần vì liên quan đến việc đào, mót quặng của người dân. Đợt nào mưa kéo dài, người dân không đi đào được quặng, dịp đó cũng không thu gom được. Tuy nhiên, trung bình một tuần khoảng 3 lần đi thu gom như thế này” – H. cho hay.
Bán quặng xuyên biên giới như… bán rau! ảnh 5
Rất nhiều điểm thu gom quặng dọc tỉnh lộ 34 chạy qua các xã Đạo Đức, Vũ Nông, Phan Thanh... của huyện Nguyên Bình.
Giá quặng sắt các tư thương thu gom trả cho người dân với giá 1.200 đồng/kg. Đó là mức giá cao dành cho quặng sắt cục (to như cục đá, không lẫn đất). Những cục quặng nhỏ nhất cũng to bằng chiếc ấm pha trà, những cục nặng hơn trông như cả một tảng đá bằng chiếc mũ bảo hiểm. Tất cả đều đen sì, nặng trịch và bị lớp đất đỏ (đất đồi) phủ lên trên bề mặt. Dân quặng cho biết, hàm lượng quặng sắt này rất lớn, trên 80%. Người ta còn gọi đó là “quặng sạch” để phân biệt với “quặng bẩn” – quặng lẫn đất chưa qua sàng tuyển. Như thế, một ngày đào quặng, mỗi người dân có thể kiếm tiền triệu là điều quá dễ dàng!   Trời vùng núi tối nhanh. Bóng tối nhanh chóng trùm lên con đường từ thị trấn Tĩnh Túc xuôi xuống thị trấn Nguyên Bình. Chỉ có chân trời hắt lên một khoảng sáng xa xăm. Ngay tại cổng nghĩa trang thị trấn Tĩnh Túc, hai chiếc xe chở quặng đang chụm đuôi xe vào nhau. Một nhóm người đang hối hả bốc quặng lên thùng xe. Ước tính, điểm gom quặng này lên tới gần hai chục tấn. Đi thêm một đoạn chừng hơn một cây số thuộc địa phận xã Đạo Đức (tiếp giáp với thị trấn Nguyên Bình), một nhóm thanh niên bản địa kéo điện ra tận ngoài đường để chiếu sáng cho việc chuyển quặng lên xe. Chiếc xe BKS 11C – 001.80 chúc đuôi xe vào bên trong vệ đường. Nhiều thanh niên khác tiếp tục chở quặng được chất thành các bao tải đem đến điểm tập kết. Nhiều chiếc xe khác đỗ ven đường. Đây là những chiếc xe đã cân xong hàng. Nhẩm tính, đoạn đường dài chừng 6km từ xã Vũ Nông đến xã Đạo Đức (đi qua thị trấn Tĩnh Túc), ngay trong chiều ngày 28/9/2011 đã có tới gần chục điểm tập kết, thu gom quặng. Mỗi điểm thu gom chỉ ước tính chừng chục tấn, một đêm có khoảng gần trăm tấn quặng thô từ Nguyên Bình được tuồn ra các điểm trung chuyển trước khi đưa sang Trung Quốc. Những chợ quặng lưu động tại Nguyên Bình hoạt động trong tình trạng “nửa kín nửa hở”, nửa bí mật nửa công khai: các điểm cân quặng chỉ tiến hành vào cuối ngày khi người dân gùi quặng đến bán sau một ngày đào mót, và sau đó xe tải trọng dưới 10 tấn chở sang điểm tập kết khác. Tuy nhiên, tình trạng này được người dân phản ánh đã diễn ra hơn một năm nay, khi việc thu gom, vận chuyển quặng thô bị chính quyền siết chặt. Cũng vì thế, thay thế những xe tải trọng lớn ngang nhiên vận chuyển ban ngày, những chiếc xe vận tải nhỏ hơn và chuyển sang chở quặng lậu về đêm…
Theo Kiên Trung (VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm