Bán lẻ Việt bị đại gia Thái hạ đo ván: Hãy tự trách mình!

Nhiều doanh nghiệp (DN) Việt Nam chỉ chăm chăm xuất khẩu mà quên đi thị trường nội địa. Khâu sản xuất và phân phối hàng hóa chưa kết nối với nhau tạo ra tình trạng mạnh ai nấy làm khiến cho giá hàng hóa đến tay người tiêu dùng bị đội lên gấp nhiều lần.

Đây là thực trạng được nhiều đại biểu chỉ ra tại hội thảo “Thị trường bán lẻ Việt Nam, cơ hội và thách thức” do Bộ Công Thương tổ chức ở Hà Nội ngày 18-5.

Mua một đồng bán gấp đôi

Mở đầu bài phát biểu của mình, ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, chia sẻ người dân bán một chục quả trứng gà với giá 25.000 đồng nhưng khi vào siêu thị, giá trứng đến tay người tiêu dùng lại lên đến gần 50.000 đồng.

Chưa dừng lại ở đó, nhiều siêu thị nội mang tiếng tham gia chương trình bán hàng bình ổn giá theo chỉ đạo của Nhà nước nhưng giá bán vẫn cao hơn ở ngoài. Chẳng hạn một chai dầu ăn ở điểm bình ổn giá cao hơn 5.000 đồng so với cửa hàng bán lẻ thông thường và siêu thị ngoại.

“Mỗi lần tham gia chương trình bình ổn giá, DN được ưu đãi từ Nhà nước lên đến hàng trăm tỉ đồng, tại sao họ vẫn bán giá cao hơn ở ngoài? Theo tôi nên bỏ chương trình này đi vì không đem lại lợi ích cho người tiêu dùng và làm méo mó thị trường” - ông Phú nêu quan điểm.

Dẫn câu chuyện mới đây một siêu thị ngoại đã nâng chiết khấu hoa hồng để ép hàng Việt, ông Phú thẳng thắn nói: “Chúng ta đừng vội trách siêu thị ngoại. Thực tế một số siêu thị nội cũng áp dụng chính sách đó, thậm chí còn dùng nhiều chiêu trò khác như phí kệ hàng, phí sinh nhật để ép nhà cung cấp. Sản xuất chết, người tiêu dùng bị móc túi, nhiều siêu thị ngồi máy lạnh chờ DN mang hàng đến. Chúng ta tự hại chúng ta, phân phối yếu thì sản xuất chết. Sức ép do chính chúng ta tạo ra chiếm 70%, còn các đối thủ ngoại chỉ 30% thôi”.

Tạo môi trường kinh doanh thuận lợi là mấu chốt giúp khai thông khó khăn cho DN bán lẻ Việt.  (Ảnh chụp chiều 18-5 tại siêu thị Co.opmart Lý Thường Kiệt, TP.HCM)  Ảnh: HTD

Bỏ ngỏ thị trường nội địa

PGS-TS Phạm Tất Thắng, chuyên gia thương mại, cho rằng lâu nay Việt Nam chỉ coi trọng sản xuất mà chưa chú ý đến khâu phân phối hay chỉ chú trọng xuất khẩu mà bỏ ngỏ thị trường nội địa. Đó là sai lầm và chỉ đến khi xuất khẩu khó khăn mới tính quay về nội địa, phát hiện ra thị trường nội địa đầy tiềm năng. Nhưng khi đó các DN Thái Lan đã tiếp cận thị trường với kế hoạch bài bản, kỹ lưỡng.

Cụ thể, đầu tiên người Thái đầu tư vào khâu sản xuất những mặt hàng nông sản chế biến, bao bì, dịch vụ vận tải… Hằng năm họ tổ chức hàng loạt hội chợ quảng bá thương hiệu Thái Lan ở các thành phố lớn để bắn thông tin đến người dân Việt Nam là hàng Thái chất lượng cao, giá hợp lý. Từ đó họ chiếm được tình cảm của phụ nữ Việt Nam đối với hàng Thái như mỹ phẩm, nhà bếp, quần áo, điện máy. Họ còn mở hàng loạt cửa hàng tiện lợi bán hàng Thái tại khu dân cư tập trung và một điểm nhấn là hàng hóa bán với giá thống nhất trên toàn quốc.

“Cuối cùng, DN Thái Lan đã mua lại các thương hiệu phân phối lớn tại Việt Nam để tạo ra một vòng khép kín từ sản xuất, phân phối đến bán lẻ. Đã có lúc hàng Việt chiếm 90% tại siêu thị, chợ bán buôn nhưng bây giờ đã bị hàng Thái chiếm lĩnh” - ông Thắng nêu thực tế đáng buồn.

theo TS Nguyễn Thừa Lộc, Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, hiện có tới 96% là DN vừa và nhỏ, trong số đó có tới hơn 60% là siêu nhỏ. Ở lĩnh vực bán lẻ tỉ lệ này chắc chắn còn cao hơn. “Nghĩa là tuyệt đại bộ phận các DN hoạt động trong bán lẻ là siêu nhỏ. Do mải mê đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài, kinh tế tư nhân trong nước nói chung và DN siêu nhỏ nói riêng hầu như bị bỏ rơi, gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh” - ông Lộc nhấn mạnh.

lãi suất, thuế còn cao

Bên cạnh đó, nguồn vốn tự có của DN ít, phần nhiều phải đi vay. Thế nhưng lãi suất cho vay ở Việt Nam vẫn ở mức cao 7%-11%/năm, gấp 2-3 lần so với các mức lãi suất của các nước khác trong khu vực (như Philippines là 2,2%/năm, Malaysia 2,1%/năm). Với mức lãi suất đắt đỏ như vậy, DN bán lẻ Việt Nam không thể cạnh tranh được với các đối thủ nước khác.

Cùng với lãi suất cao, theo ông Lộc, tỉ lệ huy động thuế và phí đối với DN Việt cao. Hiện tổng mức thuế của Việt Nam là 40,8%. Với tỉ lệ này, thuế “ăn” hết lợi nhuận của DN, không thể còn nguồn để đầu tư tái mở rộng kinh doanh, khó có thể có nguồn lực cạnh tranh với đối thủ nước ngoài.

Ở góc nhìn khác, PGS-TS Phạm Tất Thắng đề xuất để công ty Việt lấy lại vị thế, chiếm lĩnh thị trường nội địa thì bản thân họ cũng cần phải rà soát lại từng khâu, từng bước một cách bài bản. “Cách làm như Vingroup và một số nhà bán lẻ khác là đang đi đúng hướng nhằm tạo thành chuỗi sản phẩm, đưa hàng hóa đến tận những ngõ ngách phục vụ người mua, đưa hàng Việt vào các cửa hàng tiện lợi… Tùy vào từng mô hình kinh doanh để có phương án hợp lý, linh hoạt trong cách giao hàng, thanh toán” - ông Thắng khuyến nghị.

Mảnh đất béo bở của đại gia ngoại

TS Lê Huy Khôi, Viện Nghiên cứu thương mại thuộc Bộ Công Thương, dẫn số liệu của Bộ Công Thương cho thấy tuy các điểm bán lẻ của nhà đầu tư nước ngoài chỉ khoảng 90 điểm trong tổng số siêu thị cả nước song doanh số bán ra tại một điểm gấp 3-4 lần, thậm chí 7-8 lần so với một điểm của siêu thị nội do quy mô lớn.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia mới nổi có thị trường bán lẻ hấp dẫn nhờ kinh tế tăng trưởng khá mạnh, nhiều chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là người tiêu dùng thuộc hàng trẻ nhất châu Á và ngày càng mạnh tay chi tiêu. Chính vì vậy, thị trường bán lẻ trong nước đang là mảnh đất béo bở cho các đại gia ngoại, nhất là các đại gia Thái Lan. Các nhà bán lẻ nước ngoài thời gian tới sẽ xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường bán lẻ của Việt Nam.

Theo các chuyên gia, thị trường bán lẻ Việt Nam còn nhiều tiềm năng. Quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam năm 2015 đạt 102 tỉ USD; thị phần bán lẻ hiện đại ở Việt Nam chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ nhưng đạt mức tăng bình quân 12% trong giai đoạn 2010-2015.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm