ATM cuối năm nhả tiền rách

Mang đến ngân hàng đổi thì không có thời gian đi, chị định tập hợp tiền rách lại để đổi một lần cho bõ công. Còn nếu trộn lẫn tiền rách vào trong xấp tiền mua sắm một thứ gì đó cũng được, nhưng chị bảo lương tâm không cho phép: "Chỉ nghĩ đến những người nghèo cầm trên tay 100.000 đồng tiền rách không thể tiêu được thì tội quá".

Cứ liên tục nhận phải tiền kém chất lượng, nên hiện mỗi lần rút tiền, chị Thoa đều có cảm giác hồi hộp kiểm tra xem tiền có bị sứt mẻ, hư hỏng gì không. "Tôi thấy khâu kiểm tra tiền trước khi đưa vào ATM để lưu thông ra thị trường của các ngân hàng không thực sự chú trọng nên bị lọt nhiều tờ kém chất lượng", chị Thoa bộc bạch.

Tại TP HCM, gần đây có nhiều phản ánh của người dùng về chất lượng tiền ATM quá kém, hoặc máy rút tiền tự động liên tục báo lỗi, nhầm PIN của khách hàng mặc dù người rút tiền khẳng định mật khẩu vẫn đúng.

ATM cuối năm nhả tiền rách ảnh 1
Nhiều khách hàng rút phải tiền kém chất lượng như thế này từ máy ATM. Ảnh: B.H

Chị Trang ở quận 1, rút tiền tại máy ATM Vietcombank Trung tâm thương mại Zen Plaza cũng nhận được tờ 100.000 đồng mất hẳn một góc phải ở bên dưới số seri và tờ 50.000 đồng loang lổ vết màu đỏ. Chị Trang thắc mắc không hiểu sao dạo này tiền hư hỏng, bong tróc, rách, đứt do vết cắt... rất hay xuất hiện mỗi khi rút ATM.

Anh Trung, quận Bình Thạnh, nhận phải tiền mệnh giá 200.000 đồng bị sứt một lỗ nhỏ ở mép cuối tờ tiền và có một mẩu giấy nhỏ xíu dán vào, khi rút tại ATM Vietinbank. Tờ tiền này cũng bị chê khi thanh toán. "Rút xong, phát hiện có tiền rách, tôi lập tức gọi cho ngân hàng để thông báo lại bị nhân viên nhà băng đổ lỗi là do tôi cầm tiền thế nào đó nên rách", anh Trung bức xúc phản ánh với VnExpress.net.

Anh Thanh, nhân viên một công ty truyền thông tại quận 3, thì lại không thể rút được tiền vì máy liên tục báo sai PIN. Anh Thanh kể, chiều 25/12, lương được chuyển vào tài khoản, anh dùng thẻ ATM Vietcombank đến rút tiền tại ATM của Techcombank (Techcombank là ngân hàng liên kết với hệ thống ATM Vietcombank) ở góc đường Cách mạng tháng 8, quận 3.

Check tài khoản xong và chuyển sang giao dịch rút tiền, hệ thống yêu cầu anh nhập lại mã PIN. Dù anh đã kiểm tra lại, nhập đúng số Pin của mình. nhưng sau đó hệ thống vẫn từ chối giao dịch, kèm theo dòng chữ thông báo mã Pin không đúng và đẩy thẻ ra. Sau đó, anh Thanh cho thẻ vào lại trong máy, cẩn thận nhập từng ký tự Pin và làm đúng hướng dẫn, nhưng máy vẫn báo nhầm mã Pin. Anh liên tục thao tác 3 lần thì bị hệ thống khóa luôn tài khoản.

Liên hệ với Techcombank, anh được giải thích do nhập nhầm mã PIN (dù anh vẫn khẳng định là không nhầm) nên bị khóa và yêu cầu liên hệ với ngân hàng phát hành Vietcombank. Đến chi nhánh của Vietcombank, nơi đây giải thích do lỗi thiết bị hoặc lỗi đường truyền khiến hệ thống không thể nhận được thông tin.

Sáng ngày 28/12, nhiều khách dùng ATM cũng đã đến chi nhánh Ngân hàng Vietcombank trên đường Bùi Thị Xuân, quận 1, để phản ánh về sự cố tương tự. Không chỉ với máy ATM của Vietcombank, rất nhiều máy rút tiền tự động của các ngân hàng khác đều thông báo hết tiền, treo máy không thực hiện được giao dịch.

Trao đổi với PV về quy trình đưa tiền vào các máy rút tiền tự động, theo ông Lê Huỳnh Hà, Trưởng phòng quản lý dịch vụ ATM Vietcombank TP HCM, là phải có sự kiểm tra rất kỹ lưỡng. Theo đó, những tờ bị rách, bẩn, bạc màu, nhòa... sẽ bị loại ra trước khi đưa vào máy ATM. Tuy nhiên, với số tiền lớn đem ra lưu thông, nhân viên kiểm tra không tránh khỏi sơ suất và để lọt những tờ kém chất lượng ra thị trường.

Ông Hà cho biết: "Nhận phải tiền rách từ ATM, khách có thể mang đến ngân hàng đổi lại, kèm theo biên lai rút tiền ở máy để được đổi không mất phí". Trường hợp khách hàng không có biên lai, nếu mức độ rách của đồng tiền có thể chấp nhận được thì ngân hàng cũng sẽ đổi không mất phí. Còn với những tờ tiền quá nát, ngân hàng sẽ tính phí 4% trên tổng mệnh giá tiền.

Ông Hà cũng khuyến cáo, nếu gặp phải tình huống này, người dùng ATM nên gọi đến ngân hàng thông báo cụ thể máy nào nhả tiền kém chất lượng, để nhà băng lập tức kiểm tra và xử lý ngay, nhằm chấm dứt tình trạng này.

Trường hợp những khách hàng bị báo sai PIN, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Giám đốc Trung tâm thẻ của Vietcombank giải thích, nguyên nhân có thể do người rút tiền thực sự bị nhầm mã PIN; hoặc do lỗi đường truyền hệ thống khiến PIN về hệ thống không khớp nhau. Trường hợp này để đảm bảo tính an toàn bảo mật cho tài khoản của chủ thẻ, hệ thống phải tạm thời khóa tài khoản lại.

Song, theo các ngân hàng, sự cố xảy ra ở máy rút tiền không chỉ đến từ nhà băng mà còn do nghẽn mạng từ đường truyền của ngành viễn thông. Đại diện của Ngân hàng Techcombank cho biết, sự cố ATM là điều không thể tránh khỏi, bởi ngay cả điện thoại di động cũng không thể nào tránh được nghẽn mạng trong thời gian cao điểm.

Theo bà Hằng, Vietcombank đã tăng cường thêm nhiều máy mới để giảm tải trong dịp Tết, ưu tiên lắp đặt tại các khu vực đông dân cư, khu có nhiều công nhân và khu vực phát lương. Tổng số máy ATM của ngân hàng đã lên đến con số 1.500.

Bà Hằng cho biết, hệ thống máy ATM của Vietcombank hiện có khả năng giải quyết đến 10 triệu giao dịch mỗi tháng trong thời điểm bình thường. Thế nhưng, vào dịp cao điểm gần Tết Nguyên đán, lượng giao dịch có thể tăng lên gấp đôi nên không thể tránh khỏi sự quá tải và một số lỗi hệ thống. Do đó, để tránh tình trạng quá tải cho ATM, bà Hằng khuyến cáo khách hàng nên hạn chế tiền mặt và tăng cường thanh toán bằng thẻ, thanh toán trực tuyến...

Theo Bạch Hường - Lệ Chi ( VNE)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm