200 nhãn hàng dự triển lãm công nghiệp hỗ trợ

Các sự kiện được tổ chức dưới sự phối hợp của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) với Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản tại Hà Nội (Jetro) và Công ty Reed Tradex đồng tổ chức.

Ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam đã hình thành từ lâu nhưng vẫn ở quy mô nhỏ với sản lượng thấp. Lĩnh vực sản xuất phụ tùng ôtô xe máy của Việt Nam đã phát triển mạnh trong thập kỷ qua nhờ có lợi thế về nhân công cũng như chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Thông qua triển lãm, doanh nghiệp có thể thấy được xu hướng mới của công nghệ, kỹ năng quản trị.... Sự tổng hợp của 3 triển lãm này giúp doanh nghiệp Việt Nam tìm được đầu ra ổn định, xuất khẩu tại chỗ, giúp các doanh nghiệp nước ngoài đang sản xuất tại Việt Nam nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, tìm được nhà cung cấp sản phẩm, bán thành phẩm tin cậy, chất lượng tốt và giá cả hợp lý.

Đây cũng là cơ hội tốt để các nhà quản lý đánh giá vai trò, thực trạng công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam, từ đó có các biện pháp, chính sách định hướng phát triển phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn của Việt Nam trong nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo ông Takezo Yanagida, Phó Chủ tịch Jetro, trong những năm gần đây tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư ở Việt Nam tăng cao hơn so với các nước khác trong khu vực Đông Nam Á. Các doanh nghiệp này đã đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam thông qua nhiều hình thức khác nhau, trong đó bao gồm tạo thêm việc làm cũng như chuyển giao công nghệ.

Một trong những vấn đề mà các doanh nghiệp Nhật Bản gặp phải là khó khăn trong việc tìm kiếm linh phụ kiện được sản xuất trong nước. Hiện, tỷ lệ nội địa hóa trong sản xuất linh kiện ở Việt Nam thấp hơn ở các nước Đông Nam Á. Vì vậy, các nhà chế tạo Nhật Bản ở Việt Nam phải nhập khẩu linh kiện quốc gia từ Nhật Bản, Thái Lan và Trung Quốc.

Điều này không chỉ ảnh hưởng tới sức cạnh tranh về mặt xuất khẩu của các nhà sản xuất thành phẩm mà còn ảnh hưởng tới lợi nhuận thương mại của Việt Nam. Triển lãm sẽ mở ra sự hợp tác mới giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.

Nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam, triển lãm lần này có 200 nhãn hàng trưng bày đến từ 20 quốc gia đã trưng bày các linh kiện công nghiệp mà họ có thể sản xuất và giới thiệu tới khách hàng triển vọng.

Triển lãm không chỉ giúp các nhà sản xuất linh kiện trong việc tìm kiếm công nghệ mà còn mang đến nhiều cơ hội để gặp gỡ nhà mua linh kiện, mở rộng kinh doanh ở Việt Nam nâng cao năng lực sản xuất và chất lượng sản phẩm, bán linh kiện và mở rộng kinh doanh ra nước ngoài.

Theo Uyên Hương (TTXVN/Vietnam+)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm