10 kg khoai không mua được tô phở

Năm nào cũng vậy, cứ vào vụ thu hoạch rộ là nông sản miền Tây lại nhảy múa thất thường khiến nông dân như ngồi trên đống lửa.

Bán 10 kg khoai chưa mua được tô phở

Khoai lang tím Nhật trồng ở Bình Tân (Vĩnh Long) là một ví dụ. Thời gian gần đây, có lúc giá khoai lang tụt xuống chỉ còn 100.000-120.000 đồng/tạ (một tạ 60 kg) khiến nhiều nông dân “lỗ banh xác”. Ông Tư Dấn ở Tân Lược, Bình Tân năm nay trồng hơn 10 công khoai lang, lỗ đứt 120 triệu đồng.

Ông Võ Văn Theo, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bình Tân, kể khi tiếp xúc với nông dân, ai cũng than vắn thở dài vì lỗ nặng. Họ đề nghị ngân hàng gia hạn nợ, để vụ sau mới trả. Nhưng vụ sau chưa biết thế nào vì khoai chủ yếu mua xuất qua thị trường Trung Quốc vốn rất bấp bênh. Lúc hút hàng, giá khoai lang lên đến 500.000-600.000 đồng/tạ, lúc ùn ứ tụt xuống còn 100.000-120.000 đồng/tạ như hiện nay.

Với mức giá thê thảm này, bán một chục ký khoai lang chưa mua được tô phở bình dân!

Không chỉ giá rớt thê thảm, trồi sụt bấp bênh mà sâu bệnh cũng hoành hành tứ bề. Trưởng trạm Khuyến nông huyện Bình Tân Nguyễn Hữu Phước thông tin: “Năm nay nhà nông trồng khoai lang tím Nhật thua lỗ nặng do giá giảm và dịch bệnh hoành hành”.

Trái cây cùng lúc từ nhiều nơi đổ về Sài Gòn nên giá rớt thê thảm. Ảnh: TÚ UYÊN

Ông Đoàn Kim Long, nông dân trồng khoai lang ở xã Thành Đông, huyện Bình Tân, than vãn: “Chưa năm nào khoai lang lại rớt giá và bị sâu bệnh nặng như năm nay. Một công khoai (1.000 m2) chỉ thu hoạch được 30-40 tạ nhưng đã bị sâu hơn phân nửa, bán chẳng được bao nhiêu. Bây giờ ở vùng này ai có đất nhà thì lỗ 5-6 triệu đồng/công, còn thuê đất của người khác để trồng khoai thì lỗ trên 10 triệu đồng/công. Người ta đặt tên cho con sâu này là sâu… tàn mạt”.

Nhiều loại trái cây như thanh long, chôm chôm ở miền Tây cũng đang vào vụ, giá liên tục đi xuống. Chôm chôm từ 18.000 đồng/kg đầu vụ nay giảm còn 7.000 -8.000 đồng/kg. Nhà vườn cho hay năm nào đụng chôm chôm Long Khánh (Đồng Nai) là giá cả “tuột luốt” luôn. Thương lái không vào mua, nhà vườn phải chở từng xe hai bánh bày bán đầy theo các ngả đường ở TP Cần Thơ.

Chị Phạm Thị Tiến ở xứ chôm chôm cù lao Tân Qui (Cầu Kè, Trà Vinh), chuyên chở chôm chôm đi bán ở Cần Thơ, Sóc Trăng, TP.HCM cho biết giá cả năm nào cũng trồi sụt vậy hết. Chị vừa mua bán, vừa trồng được sáu công chôm chôm. Hỏi chuyện giá cả, chị buồn: “Năm nay thất mùa, phân thuốc ăn hết, chỉ huề vốn thôi”.

Ở miền Đông Nam Bộ, nhất là Đồng Nai, trái chôm chôm, măng cụt, sầu riêng… đang vào mùa thu hoạch rộ với giá giảm mạnh so với đầu mùa. Chôm chôm thường hiện bán tại vườn chỉ còn khoảng 5.000-6.000 đồng/kg, chôm chôm nhãn 10.000 đồng/kg. Theo các nhà vườn, mức giá này giảm từ 40% đến 50% so với đầu vụ.

Đụng hàngtứ phía

Tại Sài Gòn, những ngày này nhiều loại trái cây đặc sản đổ đống ở vỉa hè với giá rẻ. Anh Thanh, chủ một cửa hàng bán trái cây trên đường Nguyễn Thái Sơn (Gò Vấp), chỉ tay vào đống thanh long đang nằm lăn lóc dưới nắng với vẻ ngao ngán.

“Hôm nay (11-6), thanh long rớt giá chỉ còn 6.000 đồng/kg so với đầu vụ 16.000 đồng/kg. Dù giá rẻ nhưng nhu cầu của người tiêu dùng vẫn không tăng do các loại trái cây đang đổ về nhiều” - anh Thanh cho biết.

Lý giải nguyên nhân thanh long rớt giá mạnh, anh Thanh cho biết do “đụng hàng”. Trước đây khi trái vải, chôm chôm, sầu riêng… chưa vào vụ, một ngày anh bán cả tấn thanh long, nay chỉ bán được khoảng 100 kg, thậm chí rất khó bán.

Chị T., chủ một doanh nghiệp thu mua trái cây xuất khẩu ở Bến Tre, thông tin hiện nay sầu riêng Thái, bòn bon Thái, măng cụt Thái cũng vào mùa thu hoạch, trùng thời điểm với Việt Nam nên trái cây Việt khó xuất khẩu hơn trước. Thêm nữa, trái cây trong nước vì chịu nhiều chi phí như vận chuyển quá cao nên khó cạnh tranh với trái cây ngoại.

“Nông dân mình đa số không có trang trại lớn, sản xuất quy mô nhỏ, chi phí cao, có gì bán nấy… nên rất khó làm chủ được thị trường, ngay cả thị trường trong nước” - chị T. chia sẻ.

TS Lương Ngọc Trung Lập, Trưởng bộ môn Nghiên cứu thị trường Viện Cây ăn quả miền Nam, phân tích trái cây Việt Nam thường có điệp khúc vào vụ là rớt giá. Từ tháng 5-7 có hàng loạt trái cây với diện tích trồng lớn như thanh long, sầu riêng, măng cụt… mùa thu hoạch trùng nhau. Điều này vô hình trung tạo sản lượng lớn cung ứng cho thị trường.

Trong khi đó cũng vào mùa này, các nước như Thái Lan cũng xuất khẩu trái cây nhiệt đới tương đồng như Việt Nam nhưng với mẫu mã, chất lượng, giá thành cạnh tranh hơn.

TS Lập phân tích: “Theo quy luật cung cầu, khi nguồn cung nhiều thì giá hạ. Cùng lúc bốn, năm nguồn cung đổ về một chỗ nên giá rớt thậm tệ”.

Theo ông Lập, Bộ NN&PTNT đã có chủ trương rải vụ cho năm chủng loại trái cây là xoài, thanh long, sầu riêng, chôm chôm và nhãn. Qua đó nhằm điều tiết sản lượng trái cây cung ứng cho thị trường, ổn định giá, nâng cao thu nhập cho người nông dân. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn.

Phá vỡ quy hoạch

Bộ NN&PTNT đã phê duyệt quy hoạch vùng cây ăn quả tập trung chủ lực và định hướng rải vụ một số cây ăn quả ở Nam Bộ đến năm 2020 nhưng thực tế quy hoạch bị phá vỡ ở một số nơi. Chẳng hạn ở Long An, dự kiến năm 2015 có 3.500 ha trồng thanh long nhưng đến nay đã có 6.500 ha.

Bấp bênh thị trường Trung Quốc

Nhiều thương nhân cho hay trái cây nói riêng và nông sản của Việt Nam nói chung hiện nay phần lớn là xuất sang thị trường Trung Quốc. Thế nhưng do thời điểm này các loại trái cây khác ở Trung Quốc thu hoạch nhiều nên sức mua trái cây, nhất là thanh long Việt Nam giảm.

Thêm vào đó, giao thương xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc mới chỉ tập trung ở một số cửa khẩu, lại thiếu ràng buộc bằng hợp đồng giữa các bên nên rủi ro cao.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm