Quản lý vàng phi SJC, người dùng có lợi

Quản lý vàng phi SJC, người dùng có lợi ảnh 1
Cần chính sách đồng bộ để ổn định thị trường vàng. Ảnh: minh họa
Hạn chế đầu cơNgày 16-4, giá vàng thế giới xuống mức 1.647 USD/ounce, giảm 12 USD/ounce so với giá chốt cuối tuần trước. Cuối ngày, tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), giá vàng SJC dừng ở mức 42,77 triệu đồng/lượng (mua vô) và 42,97 triệu đồng/lượng (bán ra). Như vậy, trong ngày đầu tuần, thị trường vàng trong nước vẫn rất trầm lắng, giao dịch ảm đạm dù giá vàng SJC hiện đang ở mức giá thấp nhất kể từ đầu năm đến nay. Tại Công ty Vàng bạc đá quý Sacombank (SBJ), trong 2 tuần qua giao dịch vàng tại doanh nghiệp này rất chậm. Thị trường không có nhiều “sóng” như trước. Hiện tượng đầu cơ giá lên, giá xuống cũng không còn. Theo lãnh đạo của công ty này, trước đây mỗi lần giá thế giới “chạy” chừng 10 USD, giá trong nước cũng “chạy” theo 200.000 - 300.000 đồng/lượng. Nhưng trong tuần qua có ngày, giá thế giới “chạy” đến 20 USD nhưng giá vàng trong nước vẫn “án binh bất động”, thậm chí còn giảm vì mãi lực quá yếu. Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Phó Tổng giám đốc Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), mãi lực vàng miếng của đơn vị này trong những ngày qua cũng chỉ bằng có 50% so với cùng kỳ năm 2011. Mặc dù đơn vị này đã có nhiều biện pháp kích cầu như để giá mua vào bằng với giá vàng miếng SJC và bán giá thấp hơn giá vàng miếng SJC 30.000 - 50.000 đồng/lượng. Không chỉ có các cửa hàng “phi SJC” mà ngay cả các chi nhánh của Công ty SJC cũng rất ế ẩm. Theo ông Nguyễn Công Tường, Phó phòng Kinh doanh vàng miếng của Công ty SJC, cả lực mua vào và bán ra cũng đều rất thấp (chỉ khoảng 1.000 lượng/ngày). Có thể thấy, dù Nghị định 24 hiện chưa chính thức được thực thi, nhưng đã bắt đầu có tác động đến các hoạt động giao dịch mua bán vàng miếng của người dân trong những ngày qua. Trong đó, tình trạng đầu cơ giá lên, giá xuống đã giảm hẳn khiến giá vàng trong nước và thế giới thu hẹp trở lại. Nhiều chuyên gia còn cho rằng với vai trò là nơi duy nhất phát hành tiền và sắp tới sẽ là vàng miếng, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ điều phối tốt thị trường vàng, hạn chế tình trạng đầu cơ làm giá, góp phần kéo giá vàng trong nước về sát với giá thế giới. Minh bạch thị trườngNhiều chuyên gia trong lãnh vực tài chính cho rằng tiếp nối với Nghị quyết 11 - ban hành năm 2011, Nghị định 24 sẽ là một “liệu pháp” tốt để xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do. Góp phần chấn chỉnh những bất cập như đầu cơ, làm giá, lập lờ chất lượng… đã tồn tại trên thị trường vàng từ trước đến nay. Theo đánh giá của TS Lê Thẩm Dương, Đại học Ngân hàng TPHCM, Nghị định 24 sẽ là bước đi hiệu quả để thống nhất cùng một lúc giải quyết được những tồn tại trên nếu được kiểm soát chặt chẽ và thực thi một cách nghiêm túc. Cùng quan điểm trên, bà Nguyễn Thị Cúc cũng cho rằng Nghị định 24 ra đời đã quy thị trường vàng về một mối dưới sự quản lý của NHNN về vàng miếng cũng như vàng nữ trang. Theo đó, nghị định này không chỉ siết chặt thị trường vàng miếng mà còn tạo một bước ngoặt mới cho ngành vàng nữ trang, để phát triển theo hướng chuẩn hóa chất lượng sản phẩm và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng: Nghị định 24 nêu rõ rằng các doanh nghiệp mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ phải niêm yết giá mua – giá bán đầy đủ, công khai chất lượng cũng như hàm lượng vàng. Đặc biệt là doanh nghiệp hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về chất lượng sản phẩm mình bán ra. Điều này sẽ góp phần làm lành mạnh hóa thị trường vàng nữ trang và hạn chế tình trạng lập lờ tuổi vàng - một hiện tượng đã tồn tại và gây nhức nhối suốt những năm qua. Không chỉ đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, theo nghị định 24, doanh nghiệp sản xuất nữ trang vàng cũng sẽ được cấp quota nhập vàng nguyên liệu để sản xuất nữ trang, thay vì phải mua nguyên liệu trong nước với giá cao để chế tác thành nữ trang như thời gian qua... Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho những người dân đang giữ vàng miếng “phi SJC”, theo các chuyên gia, NHNN nên đứng ra hoán đổi và thu lại để tránh thiệt hại cho người dân. Mặt khác, theo ý kiến của nhiều doanh nghiệp, với nghị định mới ngoài giấy phép kinh doanh từ Sở KH-ĐT, họ còn phải đến NHNN để xin cấp thêm giấy phép con. Trong đó một số doanh nghiệp có đến hàng trăm cửa hàng phải làm thủ tục xin thêm hàng trăm giấy phép con nên hơi rườm rà.
Theo Mai Thi – Hạ Lan (SGGP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm