Phía sau cuộc đua lãi suất tiền gửi 'siêu khủng'

Mới đây nhất, ngày 15-3-2017, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chính thức phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất "siêu khủng".

Theo đó, khách hàng tham gia chứng chỉ tiền gửi với mệnh giá tối thiểu là 10 triệu đồng kỳ hạn năm năm + một ngày hoặc bảy năm sẽ nhận được những ưu đãi như lãi suất hấp dẫn 8,48%/năm cho kỳ hạn năm năm + một ngày và 8,88%/năm cho kỳ hạn bảy năm trong năm đầu tiên.

Thông thường đối với sản phẩm chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn dài, lãi suất bao giờ cũng cao nhưng với mức lãi suất lên đến 8,88%/năm trong năm đầu tiên cũng là điều hiếm thấy.

Ngoài các mức lãi suất trên, Sacombank còn áp chính sách ưu đãi lãi suất cho khách hàng khi vay cầm cố chứng chỉ tiền gửi trên. Khách hàng cũng được chiết khấu và tự do chuyển nhượng chứng chỉ tiền gửi này với Sacombank bất cứ lúc nào. 

Đáng chú ý, Sacombank vẫn chưa phải là ngân hàng có mức lãi suất "khủng" nhất để thu hút khách hàng tham gia chứng chỉ tiền gửi. "Danh hiệu" này thuộc về VPBank với mức 9,2%/năm áp dụng cho khách hàng cá nhân lãnh lãi cuối kỳ, kỳ hạn 60 tháng, số tiền trên 5 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, LienVietPostBank cũng đã phát hành chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất ngang với Sacombank, 8,8%/năm. LienVietPostBank dự kiến huy động 1.000 tỉ đồng vốn với các kỳ hạn 18 tháng, 24 tháng, 36 tháng và 60 tháng và khách mua bao nhiêu cũng được.

Để cạnh tranh, ngân hàng như Việt Á còn có chứng chỉ tiền gửi kỳ hạn ngắn từ sáu tháng đến 18 tháng với mức lãi suất cao nhất lên đến 8,2%/năm...

Tuy nhiên, một số ý kiến cảnh báo người mua chứng chỉ tiền gửi cần cân nhắc kỹ trước khi tham gia. Lý do là sản phẩm này không được rút trước hạn hoặc được rút trước hạn thấp hơn nhiều so với lãi suất cuối kỳ...

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho rằng theo quy định của Thông tư 06/2016, chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2017, hệ số sử dụng vốn cho vay ngắn hạn cho vay trung và dài hạn giảm từ 60% xuống 50%. Có những ngân hàng có tỉ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn đã chạm trần 50% thì buộc phải tăng cường huy động vốn trung dài hạn để đủ nguồn cho vay.

"Phát hành chứng chỉ tiền gửi chính là một trong những biện pháp tốt nhất để thu hút nguồn vốn để đáp ứng quy định của Thông tư 06" - ông Hiếu lý giải.

Một số ý kiến nhận định cuộc đua huy động vốn với hình thức chứng chỉ tiền gửi có thể sẽ tiếp tục làm cho bài toán lãi suất nóng lên. Diễn biến này dự báo sẽ làm tăng lãi suất vay trong thời gian tới.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm