“Phải thay đổi từ “bị” sang “được” kiểm toán”

Đó là quan điểm của ông Tim Aman, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kiểm toán KPMG Việt Nam.

Ông đánh giá thế nào về chất lượng nguồn nhân lực kiểm toán ở Việt Nam hiện nay ?

So với một số lĩnh vực tài chính khác thì kiểm toán vẫn được xem là “đứa con sinh sau đẻ muộn”. Theo tôi được biết thì đội ngũ nguồn nhân lực cho ngành kiểm toán hiện nay, đặc biệt là kiểm toán độc lập vẫn chưa thể đáp ứng được so với yêu cầu thực tế.

Chính vì vậy, trong hoạt động của mình, chúng tôi luôn chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực kế cận thông qua việc tổ chức ngày hội nghề nghiệp hằng năm, nhằm tuyển chọn được các sinh viên giỏi để tiếp tục bồi dưỡng thêm những kỹ năng nâng cao cần thiết.

Đặc biệt, chúng tôi đang phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng một chương trình đào tạo kiểm toán viên chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực trong tương lai.

Khó khăn lớn nhất của hoạt động kiểm toán tại Việt Nam hiện là gì, thưa ông ?

Hầu hết các doanh nghiệp của Việt Nam đều đang trong giai đoạn đầu của quá trình phát triển, nên họ không có được những hệ thống tốt về công nghệ, quản lý nhân lực… gây khó khăn cho chúng tôi trong xử lý công việc.

Bên cạnh đó, việc thiếu hụt nguồn nhân lực để tuyển dụng cũng là khó khăn lớn cho các doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài.

Yếu tố thứ hai thì chúng tôi có thể tự khắc phục dần, nhưng yếu tố thứ nhất thì cũng không làm gì được ngoài việc tư vấn cho các doanh nghiệp Việt Nam là nên đầu tư cho công nghệ nhiều hơn nữa.

Theo ông thì chúng ta cần phải làm gì trước tình trạng nhiều doanh nghiệp vẫn “dị ứng” với kiểm toán ?

Theo tôi thì Việt Nam cần phải quan tâm hơn nữa trước thực trạng các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhà nước vẫn chưa có lòng tin với kiểm toán. Hiện Việt Nam đã gia nhập WTO, nên tất cả các báo cáo tài chính đều cần phải minh bạch để tạo uy tín, thương hiệu cho doanh nghiệp, cũng như là cả quốc gia.

Để làm được điều này thì không gì hơn là Chính phủ phải có những tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp ý thức được tầm quan trọng của tính minh bạch và vai trò của kiểm toán đối với sự sống còn của doanh nghiệp. Phải làm cho mỗi doanh nghiệp thay đổi tư duy từ “bị” kiểm toán sang “được” kiểm toán.

Tuy nhiên, tôi cũng tin tưởng rằng, căn bệnh “dị ứng” với kiểm toán của doanh nghiệp Việt Nam sẽ sớm được chữa khỏi nhờ chính những “viên thuốc” lợi ích của doanh nghiệp.

Thực tế thì hiện kiểm toán Nhà nước vẫn đang chiếm ưu thế trong các cuộc kiểm toán các doanh nghiệp lớn. Vậy, doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài đang làm gì để lấy lại sự cân bằng, thưa ông ?

Con đường ngắn nhất để cân bằng vị thế giữa kiểm toán nhà nước với các công ty kiểm toán nước ngoài, đó là thông qua chất lượng, hiệu quả của các dịch vụ.

Tôi cho rằng hiện nay, phần lớn các công ty kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam đều có các dịch vụ, tính chuyên nghiệp, công nghệ cũng như hướng phát triển tốt hơn kiểm toán Nhà nước.

Bên cạnh đó, hiện nay số doanh nghiệp kiểm toán đạt chuẩn vẫn còn khá khiêm tốn, nên theo tôi, trong tương lai, Chính phủ Việt Nam cũng cần phải tính đến việc phát triển các công ty kiểm toán độc lập cũng như các doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài để Việt Nam có thể khắc phục những khó khăn của kiểm toán cũng như để tiếp cận dễ dàng hơn với các chuẩn mực kiểm toán quốc tế.

Ông nghĩ sao trước những tin đồn về tình trạng “chạy chọt” trong quá trình kiểm toán?

Hiện các doanh nghiệp kiểm toán tại Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp nước ngoài. Các doanh nghiệp này đều có chung một đặc điểm là tính chuyên nghiệp rất cao. Minh bạch. trung thực, uy tín là những tiêu chí để cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp kiểm toán có thể đứng vững và thành công.

Chúng tôi vẫn biết rằng có tình trạng đó xảy ra trên thị trường, nhưng tôi dám chắc rằng, không chỉ chúng tôi mà đối với nhiều doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài khác thì khách hàng đừng bao giờ “mơ” đến chuyện “chạy chọt” khi tiến hành kiểm toán.

Chúng tôi vẫn thường khuyên khách hàng rằng, nếu có ý định đó thì đừng bao giờ tìm đến doanh nghiệp kiểm toán.

Theo Từ Nguyên ( VnEconomy)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm