Phải thay đổi cách điều hành kinh tế phù hợp WTO

Một là, hệ quả của việc gia nhập là nền kinh tế trong nước đã hội nhập với thế giới và chịu sự tác động qua lại rõ rệt. Khi kinh tế thế giới biến động, nó tác động ngay, trực tiếp, trên nhiều mặt. Do đó, cần hành động mang tính “địa phương” nhưng suy nghĩ phải trên phạm vi “toàn cầu”.

Hai là, phải thay đổi hoàn toàn cách điều hành kinh tế trong điều kiện kinh tế thị trường. Nền kinh tế đã hội nhập hoàn toàn thì cách điều hành phải kịp thời, nhanh nhạy, ứng xử từng giờ, từng ngày.

Ba là, cần cơ cấu lại nền kinh tế cả vĩ mô lẫn vi mô, thể hiện ở ba điểm. Một, cơ cấu lại mối quan hệ giữa tốc độ và hiệu quả. Hai, cơ cấu lại mối quan hệ giữa trong và ngoài nước. Thị trường Việt Nam có 85 triệu dân chưa được khai thác hiệu quả và chưa được quan tâm đúng mức. Nguồn lực bên ngoài quan trọng nhưng nguồn lực trong nước mới quyết định. Do đó, cần quan tâm hàng đầu đến thị trường trong nước. Ba, cơ cấu lại mối quan hệ giữa nhà nước và doanh nghiệp, trong đó phải nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp.

Đánh giá vai trò của điều hành của Chính phủ trong hai năm tham gia WTO, nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển nhấn mạnh: “Việc điều hành hiện vẫn còn phụ thuộc vào cơ chế”. “Do đó, cần hoàn thiện cơ chế quản lý thì điều hành trong những thời điểm nhạy cảm (như việc xử lý sốt gạo ảo, xuất nhập khẩu thép...) mới hiệu quả, tránh được những sai lầm”.

THANH HẢI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm